VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Số liệu thống kê

Những gam màu sáng – tối trong bức tranh tình hình lao động, việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2023

07/07/2023 - 72 Lượt xem

Mặc dù ghi nhận một số tín hiệu tích cực nhưng thị trường lao động vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong bối cảnh chịu tác động kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo do đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga và U-crai-na và tổng cầu thế giới suy giảm. Trong nước, lực lượng lao động, số người có việc làm quý II/2023 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước nhưng tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng so với quý trước. Tình trạng hàng trăm nghìn lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp đã diễn ra từ quý IV/2022, kéo dài sang quý II/2023 và có xu hướng chuyển dịch sang khu vực phi chính thức, cho thấy thị trường lao động việc làm phục hồi nhưng chưa bền vững.

Thị trường lao động, việc làm có những tín hiệu tích cực kể từ sau quý III/2021 khi dịch Covid-19 bùng phát:

 (1) Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý II/2023 ước tính là 52,3 triệu người, tăng 107,1 nghìn người so với quý trước và tăng 698,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tính chung 6 tháng đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,3 triệu người, tăng 867 nghìn người.

(2) Lao động có việc làm quý II/2023 ước tính là 51,2 triệu người, tăng 83,3 nghìn người so với quý trước và tăng 691,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tính chung 6 tháng đầu năm, lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng 902 nghìn người.

Ước tính 6 tháng đầu năm 2023, lao động có việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,8 triệu người, chiếm 27% và giảm 0,7 điểm phần trăm (giảm 71,8 nghìn người) so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 17,2 triệu người, chiếm 33,6% và tăng 0,2 điểm phần trăm (tăng 414,9 nghìn người); khu vực dịch vụ là 20,1 triệu người, chiếm 39,4% và tăng 0,5 điểm phần trăm (tăng 558,9 nghìn người).

(3) Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý II/2023 là 26,8%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; tính chung 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 26,6%, tăng 0,5 điểm phần trăm.

 (4) Thu nhập bình quân của lao động quý II/2023 là 7 triệu đồng/tháng, giảm 79 nghìn đồng so với quý I/2023 và tăng 355 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, thu nhập bình quân của lao động là 7 triệu đồng/tháng, tăng 7,6%, tương ứng tăng 497 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

(5) Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4%. Tỷ lệ này tăng rất nhanh từ thời điểm quý I/2020 và đạt mức cao kỷ lục là 10,4% vào quý III/2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Khi các hoạt động kinh tế – xã hội được khôi phục, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm nhanh từ 10,4% xuống còn 3,9% vào quý IV/2022. Tỷ lệ này có dấu hiệu tăng trở lại vào quý I/2023 (4,5%) và giữ mức 4,3% vào quý II/2023 (tương ứng với khoảng 2,2 triệu người).

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, số lao động không sử dụng hết tiềm năng là 2,3 triệu người, giảm gần 0,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 4,4%, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

 (6) Lao động làm công việc tự sản tự tiêu liên tục giảm dần qua các quý (từ quý III/2021 đến nay). Lao động làm công việc tự sản tự tiêu quý II/2023 là 3,9 triệu người, giảm 60 nghìn người so với quý trước và giảm 0,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước, trong đó có gần 2 triệu người trong độ tuổi lao động (chiếm 50,7%). Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu ở Việt Nam dao động từ 3-4 triệu người và đạt mức cao kỷ lục là 5,2 triệu người vào quý III/2021 do giãn cách xã hội và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, lao động rời bỏ thành thị để trở về nông thôn làm các công việc tự sản tự tiêu. Sau khi mở cửa kinh tế, lao động làm công việc tự sản, tự tiêu liên tục giảm dần do nhóm lao động này dần rời bỏ công việc tự sản tự tiêu để tìm kiếm các công việc ổn định và có thu nhập tốt hơn. Đây cũng là xu thế tất yếu của kinh tế thị trường.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, lao động làm công việc tự sản tự tiêu là gần 4 triệu người, giảm 0,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lao động tự sản tự tiêu là nữ giới chiếm 62,9%. Trong tổng số gần 4 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, có gần 2,1 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 52,5%).

Nhìn chung, lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững và có những điểm hạn chế sau:

(1) Lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển không mang tính bền vững, công việc của người lao động không ổn định, bấp bênh, điều kiện làm việc không bảo đảm và thu nhập thấp. Áp lực sa thải lao động từ các doanh nghiệp tạo ra sự chuyển dịch mạnh lao động từ khu vực công nghiệp và xây dựng (lao động chính thức) sang khu vực dịch vụ (phần lớn là lao động phi chính thức) làm lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn.

Số người có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản) trong quý II/2023 là 33,3 triệu người, chiếm 65,1% trong tổng số lao động có việc làm và tăng 301,9 nghìn người so với quý trước. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều doanh nghiệp công nghiệp cắt giảm lao động nên lao động có xu hướng chuyển dịch sang khu vực dịch vụ và chấp nhận làm công việc ít ổn định hơn.

(2) Tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề thiếu đơn hàng diễn ra từ quý IV/2022 và kéo dài sang quý II/2023, dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.

Số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý II năm nay khoảng 241,5 nghìn người, giảm 52,5 nghìn người so với quý trước, chủ yếu là lao động ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 84,1%), tập trung ở ngành da giày với 66,3% và dệt may với 14,4%. Một số địa phương có số lao động nghỉ giãn việc như sau: Bắc Giang 9,3 nghìn người; Bình Dương 9,8 nghìn người; Quảng Ngãi 10,3 nghìn người; Tiền Giang 11,9 nghìn người; Bình Phước 17 nghìn người; Ninh Bình 19,8 nghìn người; Thanh Hóa 98,3 nghìn người. Thực trạng các đơn hàng giảm đã tác động đến lao động khu vực công nghiệp đặc biệt là ngành dệt may, ngành chế biến gỗ và ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Số lao động ở các ngành này trong quý II/2023 đều giảm so với quý trước lần lượt là 142,5 nghìn người, 16,9 nghìn người và 30,2 nghìn người.

 (3) Lao động có việc làm tăng nhưng tỷ lệ thiếu việc làm quý II/2023 tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước; người lao động ở vùng Đông Nam Bộ chịu tác động nhiều nhất.

Thị trường lao động việc làm quý II/2023 không duy trì được đà phục hồi và khởi sắc như trong các quý đầu năm 2022. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý II/2023 là 940,7 nghìn người, tăng 54,9 nghìn người so với quý trước và tăng 58,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước;tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý II/2023 là 2,06%, tăng 0,12 điểm phần trăm và tăng 0,1 điểm phần trăm.

Vùng Đông Nam Bộ tập trung nhiều khu công nghiệp quy mô lớn (thường có tỷ lệ thiếu việc làm thấp nhất cả nước trong điều kiện bình thường) tiếp tục chịu ảnh hưởng của tình trạng thiếu việc làm từ quý I/2023 do tập trung nhiều doanh nghiệp lớn bị cắt giảm đơn hàng. Trong quý II/2023, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động vùng Đông Nam Bộ là 1,76%, tăng 0,65 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 913,2 nghìn người, giảm 192,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 2%, giảm 0,48 điểm phần trăm.

(4) Mặc dù thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, nhưng tốc độ tăng thu nhập (5,4%), thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của quý II/2022 (8,9%). Thu nhập bình quân của lao động làm việc tại khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,8 triệu đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (11,5%).

Thu nhập bình quân tháng của lao động quý II các năm 2020-2023

(5) Số người thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2023 tăng so với quý trước.

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2023 khoảng 1,07 triệu người, tăng 25,4 nghìn người so với quý trước và tăng 1,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước;tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,3%, tăng 0,05 điểm phần trăm và giảm 0,02 điểm phần trăm. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,27%, giảm 0,12 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,71%; khu vực nông thôn là 2%.

Tình hình lao động, việc làm quý này cho thấy thị trường lao động đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để ổn định, phát triển thị trường lao động hiệu quả và bền vững, đảm bảo cuộc sống của người lao động, cần có các chính sách, biện pháp để giải quyết những thách thức như sau:

– Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp. Cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, điện-điện tử…

– Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội; Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm.

– Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả kết nối cung cầu lao động, việc làm, an sinh xã hội.

 

Nguồn: Tổng cục thống kê