VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Chính sách tài khóa - Chính sách tiền tệ

Điểm “khác thường” của dòng chảy vốn tín dụng

06/07/2023 - 43 Lượt xem

(BĐT) - Mặt bằng lãi suất giảm khá mạnh, thanh khoản ngân hàng dồi dào với “dư địa” cho vay khá lớn song tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp. Diễn biến đáng chú ý khác là nhiều ngân hàng tích cực mua vào trái phiếu trước hạn, với số tiền đã chi mua lên tới trên 40.000 tỷ đồng tính trong 6 tháng đầu năm 2023. Theo nhiều ý kiến, đây là những điểm khác biệt của dòng chảy vốn ngân hàng, cần được quan sát và thận trọng kiểm soát để tránh các rủi ro với nền kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm dù mặt bằng lãi suất đã giảm khá mạnh. Ảnh: Lê Tiên
Tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm dù mặt bằng lãi suất đã giảm khá mạnh. Ảnh: Lê Tiên

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, lãi suất điều hành đã được giảm 4 lần tính từ đầu năm đến nay, nhờ đó, tính đến hết tháng 6/2023, lãi suất huy động bình quân giảm từ 0,7 - 0,8%; lãi suất cho vay bình quân giảm từ 1 - 1,2%. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng rất thấp. Lãi suất cho vay qua đêm từ 0,4 - 1%, một tuần từ 0,8 - 1,5%, một tháng từ 3 - 3,2%.

Về tăng trưởng tín dụng, NHNN đặt mức tăng trưởng định hướng cả năm là 14 - 15% song đến ngày 4/7/2023, dư nợ tín dụng mới tăng được 4,2% (tương ứng 12,423 triệu tỷ đồng) trong tổng mức 11% đã được giao cho các tổ chức tín dụng. Tổng tăng trưởng huy động là 4,16% (tương đương 12,691 triệu tỷ đồng).

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhận định, thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang thừa, còn rất nhiều dư địa để cho vay ra nền kinh tế, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm dù mặt bằng lãi suất đã giảm khá mạnh.

Theo ông Tú, nguyên nhân trước hết của tình trạng nêu trên là nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng thấp nên cầu tín dụng không thể tăng cao. Thị trường bất động sản chưa sôi động trở lại, nhiều dự án chưa triển khai được, kể cả những dự án bất động sản thương mại và nhà ở xã hội chưa được triển khai nhiều, mặc dù NHNN tạo điều kiện về tín dụng. Đáng chú ý, hiện có nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được khả năng trả nợ trong khi nguyên tắc tối thiểu của ngân hàng là cho vay phải thu được nợ. Ngược lại, có doanh nghiệp được ngân hàng mời chào vay nhưng lại chưa có nhu cầu. Theo ông Tú, đây là những nguyên nhân trực tiếp tạo ra điểm "khác thường" so với những năm trước khi lãi suất giảm mà tín dụng chưa tăng được nhanh.

Bên cạnh điểm “khác thường” của dòng vốn tín dụng ngân hàng 6 tháng đầu năm, còn một diễn biến đáng quan tâm khác là các ngân hàng dùng nguồn lực tài chính khá lớn để mua lại trái phiếu trước hạn.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, nếu trong quý I/2023, nhóm ngân hàng chi 330 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn thì sang quý II/2023, nhóm ngân hàng đã mua tổng cộng 39.842 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, chiếm 63,7% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua trước hạn trên toàn thị trường (62.535 tỷ đồng). Hàng loạt ngân hàng chi cả nghìn tỷ đồng mua trái phiếu trước hạn như BIDV, ACB, HDBank, OCB, MSB, Techcombank… Theo MBS, nhu cầu tín dụng yếu trong những tháng đầu năm cùng với mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh và thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào hơn là điều kiện và động lực để các ngân hàng thực hiện mua lại trước hạn các lô trái phiếu phát hành riêng lẻ của mình.

Điểm “khác thường” của dòng chảy vốn tín dụng ảnh 1

Một số ngân hàng dùng nguồn lực tài chính khá lớn để mua lại trái phiếu trước hạn. Ảnh: H.Tâm

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, các ngân hàng đang rất dư thừa nguồn vốn tín dụng, đặc biệt, hạn mức tín dụng được cấp từ đầu năm đến nay mới dùng hơn 30%. Theo ông Huân, với nguồn vốn dư thừa và tiềm lực tài chính dày dặn, các ngân hàng nên giảm lãi suất mạnh hơn nữa để đưa vốn ra thị trường.

Bình luận về việc nhiều ngân hàng thực hiện mua lại trước hạn trái phiếu, ông Huân cho rằng, theo cách này, các ngân hàng đang mua lại trái phiếu đã phát hành trước đó với lãi suất cao và phát hành trái phiếu mới với lãi suất thấp để tái cơ cấu nguồn vốn, củng cố nguồn lực tài chính. Cùng với việc mua lại, ngân hàng có thể huy động vốn mới với chi phí rẻ hơn trước bằng kênh huy động tiết kiệm hoặc phát hành trái phiếu mới.

Ngân hàng mua lại trái phiếu do chính họ phát hành thì bảo đảm đạt được những lợi ích ngắn hạn như trên, nhưng ông Huân khuyến nghị cơ quan chức năng cần quan sát kỹ việc các ngân hàng mua lại trái phiếu doanh nghiệp. Một vài năm trước, một số ngân hàng đã thực hiện bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp khá lớn, bao gồm cam kết mua lại khi trái chủ có yêu cầu trước một khoảng thời gian nhất định. Đến nay, việc ngân hàng mua lại trước hạn trái phiếu doanh nghiệp (nếu có) sẽ giúp bảo đảm uy tín cho ngân hàng và cả nhà phát hành, tăng niềm tin cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong trường hợp doanh nghiệp phát hành mất khả năng thanh toán thì việc mua lại và nắm giữ trái phiếu đến hạn sẽ là rủi ro lớn với các ngân hàng.

Từ góc độ khác, TS. Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, việc ngân hàng mua lại trái phiếu trước hạn của chính họ phát hành sẽ khiến dòng vốn chỉ luân chuyển trong hệ thống ngân hàng thay vì quay vòng cùng hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Cách làm này dù có thể giải quyết bài toán ngắn hạn về nguồn vốn dư thừa và “đảo nợ” qua việc phát hành trái phiếu mới, song không nên kéo dài.

Cũng theo ông Linh, từ nhận định của NHNN về việc nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện cũng không muốn vay cho thấy sức hấp thụ vốn tín dụng rất yếu. “Do đó, cần hết sức cẩn trọng kiểm soát dòng vốn tín dụng trong nền kinh tế để tránh tình trạng do chịu áp lực giải ngân mà vốn đổ vào các kênh đầu tư rủi ro và thiếu kiểm soát”, ông Linh nhấn mạnh.

 

Nguồn: baodauthau.vn