VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Văn bản pháp luật

05 nghị định quan trọng được Chính phủ ban hành trong tháng 05/2023

19/06/2023 - 99 Lượt xem

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt

05 nghị định quan trọng được Chính phủ ban hành trong tháng 05/2023

05 nghị định quan trọng được Chính phủ ban hành trong tháng 05/2023 (Hình từ Internet)

1. Nghị định 24/2023/NĐ-CP quy định về mức lương cơ sở với cán bộ, công chức, viên chức 

Ngày 14/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2023/NĐ-CP quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có hiệu lực từ ngày 01/7/2023.

Theo đó, mức lương cơ sở mới áp dụng từ ngày 01/7/2023 là 1.800.000 triệu đồng áp dụng với các đối tượng sau:

- Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi 2019).

- Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi 2019).

- Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức 2010 (sửa đổi 2019).

- Người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trường hợp được áp dụng hoặc có thoả thuận trong hợp đồng lao động áp dụng xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

- Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sửa đổi tại Nghị định 33/2012/NĐ-CP).

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.

- Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.

- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.

Xem thêm Nghị định 24/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2023, thay thế Nghị định 38/2019/NĐ-CP.

2. Nghị định 21/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm vi mô

Ngày 05/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 21/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm vi mô.

Đơn cử quy định tại Điều 3 Nghị định 21/2023/NĐ-CP quy định về số tiền bảo hiểm và số phí bảo hiểm tối đa của sản phẩm bảo hiểm vi mô như sau:

- Số tiền bảo hiểm của từng hợp đồng bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm vi mô bảo vệ các rủi ro về tính mạng và sức khỏe không vượt quá 05 lần thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị theo quy định của Chính phủ tại thời điểm triển khai sản phẩm.

- Số tiền bảo hiểm của từng hợp đồng bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm vi mô bảo vệ các rủi ro về tài sản không vượt quá giá trị thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm tham gia bảo hiểm và không vượt quá 05 lần thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị theo quy định của Chính phủ tại thời điểm triển khai sản phẩm.

- Phí bảo hiểm năm của từng hợp đồng bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm vi mô không vượt quá 5% thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị theo quy định của Chính phủ tại thời điểm triển khai sản phẩm. Phí bảo hiểm phải tương ứng với quyền lợi bảo hiểm.

Xem thêm Nghị định 21/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/5/2023.

3. Nghị định 27/2023/NĐ-CP quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

Chính phủ ban hành Nghị định 27/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Theo đó, mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản như sau:

- Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô: 100.000 đồng/tấn; đối với khí thiên nhiên, khí than: 50 đồng/m3. Riêng khí thiên nhiên thu được trong quá trình khai thác dầu thô (khí đồng hành): 35 đồng/m3.

- Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản (bao gồm cả trường hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân không nhằm mục đích khai thác khoáng sản nhưng thu được khoáng sản) theo Biểu khung mức thu phí ban hành kèm theo Nghị định 27/2023/NĐ-CP.

- Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác tận thu khoáng sản theo quy định của pháp luật khoáng sản bằng 60% mức thu phí của loại khoáng sản tương ứng quy định tại Biểu khung mức thu phí ban hành kèm theo Nghị định 27/2023/NĐ-CP.

- Căn cứ nguyên tắc xác định mức thu phí quy định tại Luật Phí và lệ phí, Biểu khung mức thu phí ban hành kèm theo Nghị định 27/2023/NĐ-CP và tham khảo mức thu phí của các địa phương có khai thác khoáng sản tương tự thuộc đối tượng chịu phí:

Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) quyết định cụ thể mức thu, đơn vị tính phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản áp dụng tại địa phương phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ.

Xem thêm Nghị định 27/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/7/2023 và thay thế Nghị định 164/2016/NĐ-CP.

4. Nghị định 25/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 32/2014/NĐ-CP về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc

Ngày 19/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 25/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 32/2014/NĐ-CP về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc.

Đơn cử quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định 32/2014/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 25/2023/NĐ-CP) về các công việc cần phải thực hiện khi tạm dừng khai thác đường cao tốc:

- Người quản lý sử dụng đường cao tốc, đơn vị khai thác, bảo trì phải khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông, điều chỉnh giao thông để hạn chế ùn tắc giao thông; sửa chữa hư hỏng, khắc phục các tồn tại trên đường cao tốc, tuyến đường khác sử dụng để điều tiết giao thông; 

Điều chỉnh, bổ sung các công trình báo hiệu đường bộ và các công trình khác phục vụ bảo đảm giao thông; tham gia hướng dẫn người và phương tiện tham gia giao thông; phối hợp với Cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương trong việc tổ chức giao thông trên đường cao tốc.

- Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông.

- Chính quyền địa phương phối hợp thực hiện bảo đảm giao thông khi cần điều tiết các phương tiện tham gia giao thông đường cao tốc sang đường do địa phương quản lý.

- Công tác cứu nạn, cứu hộ thực hiện theo quy định tại Điều 16 Nghị định 32/2014/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 25/2023/NĐ-CP); 

Công tác khắc phục sự cố công trình, khắc phục hư hỏng công trình bảo đảm an toàn trong khai thác sử dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng; công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả cháy, nổ thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

- Sau khi hoàn thành việc tổ chức lại giao thông, hoàn thành cứu nạn, điều tra sự cố, người quản lý sử dụng đường cao tốc có trách nhiệm sửa chữa hư hỏng, khắc phục các tồn tại để đưa đường cao tốc vào khai thác sử dụng đúng tiêu chuẩn thiết kế.

Nghị định 25/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/7/2023.

5. Nghị định 22/2023/NĐ-CP sửa đổi các nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Chính phủ ban hành Nghị định 22/2023/NĐ-CP ngày 12/5/2023 sửa đổi các nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Theo đó, trình tự thẩm định, phê duyệt phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ chứa thủy điện và hồ chứa thủy lợi theo khoản 3 Điều 12 Nghị định 43/2015/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 22/2023/NĐ-CP) quy định như sau:

- Tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến 01 bản phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa thủy điện, thủy lợi đến Trung tâm Phục vụ hành chính công (hoặc Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Sở Tài nguyên và Môi trường);

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phương án cắm mốc giới của tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xem xét, kiểm tra phương án. 

Trường hợp chưa đạt yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 43/2015/NĐ-CP, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo cho tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hồ chứa để bổ sung hoàn thiện;

- Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được phương án đạt yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 43/2015/NĐ-CP, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm lấy ý kiến của Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có hồ chứa, các cơ quan, đơn vị có liên quan; 

Nếu cần thiết thì trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa.

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp ý kiến và gửi tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa để hoàn thiện. Tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa có trách nhiệm tiếp thu, giải trình các ý kiến, hoàn thiện hồ sơ. 

Trường hợp đủ điều kiện, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án cắm mốc; trường hợp không đủ điều kiện phê duyệt thì trả lại phương án cho tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa và thông báo bằng văn bản cho tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa biết và nêu rõ lý do;

- Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án cắm mốc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm:

Thông báo, trả kết quả cho tổ chức quản lý vận hành hồ chứa bằng hình thức trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công (hoặc Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Sở Tài nguyên và Môi trường) hoặc qua đường bưu điện hoặc thông qua dịch vụ công trực tuyến.

 

Nguồn: thuvienphapluat.vn