Chính sách tài khóa - Chính sách tiền tệ
Chính phủ 'chốt' gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ: Những đối tượng nào sẽ được hưởng lợi?
13/03/2023 - 67 Lượt xem
Chính phủ đã giao NHNN chủ trì triển khai gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội vay với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với thị trường.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Tại nghị quyết này, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 04 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với các gói tín dụng cụ thể trong từng thời kỳ; phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng Chương trình.
Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/3, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN đã bàn với 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank. 4 ngân hàng đã thống nhất gói tín dụng quy mô 120 nghìn tỷ đồng (mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30 nghìn tỷ đồng cho 2 đối tượng là nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân). Trường hợp có thêm các ngân hàng thương mại đủ điều kiện tham gia thì quy mô gói này có thể tăng lên.
Về lãi suất, xuất phát từ mong muốn giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, các ngân hàng đã dự kiến mức lãi suất cho vay gói này sẽ thấp hơn từ 1,5 - 2% so với mức cho vay thông thường của các ngân hàng.
Cũng theo Phó Thống đốc, sau hội nghị của Chính phủ về giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản vừa qua, Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.
“Trên cơ sở nội dung của Nghị quyết được ban hành, NHNN sẽ triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Cụ thể là gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước cùng với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với mức cho vay thông thường”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết.
Chia sẻ thêm về nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, gói 120 nghìn tỷ đồng này chủ yếu tập trung cho nhà ở xã hội và nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp và khu kinh tế. Nhà ở xã hội được Nhà nước có một số chính sách ưu đãi.
Cùng với lãi suất giảm so với lãi suất cho vay bình quân khoảng từ 1,5 - 2%, chưa tính đến sau này khi triển khai, chẳng hạn như tiền sử dụng đất cũng được Nhà nước miễn hay một số chính sách khác nữa với mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội sẽ được triển khai trong thời gian tới.
“Việc này Chính phủ đã bàn nhiều và Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết liên quan đến việc tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh trong thời gian tới”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin.
Chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần III diễn ra sáng 10/3, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, Nhà nước cần có những quy định cụ thể để triển khai gói 120.000 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố. Bởi đây là liều thuốc bổ có giá trị đối với thị trường. Nhưng cũng cần quy định rất cụ thể, trong đó quy định rõ đối tượng những nhóm được tiếp cận nguồn vốn này.
"Chúng tôi đề xuất, ngoài những nhóm đối tượng phát triển nhà ở xã hội, giá rẻ, bình dân thì cũng cần lưu ý những dự án bất động sản đang ở giai đoạn gần hoàn thành nhưng chỉ vì thiếu vốn nên tắc nghẽn kể cả là dự án nhà ở cao cấp, trung cấp. Nếu được giải tỏa, chúng ta sẽ kích thích được nguồn cung trên thị trường, sẽ mang lại ý nghĩa và giá trị nhất định", vị này cho hay.
Ngoài ra, ông Đính cho rằng, đối với gói tín dụng trên cần phải có quy định, thông tư hướng dẫn cụ thể. Đây là việc trọng tâm cần thực thi, với cơ quan chủ chốt là Bộ Tài chính.
Cũng theo Phó Chủ tịch VNREA, Nhà nước cần sớm ban hành các quy định để tháo gỡ cho phân khúc nhà ở xã hội. Hiện nay Chính phủ đang vận động nhiều doanh nghiệp đăng ký, nhưng vẫn còn rất nhiều rào cản vướng mắc trong các quy định, đặc biệt là các quy định pháp luật. Để thúc đẩy được loại hình này, rất cần những chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ, nhất là về thủ tục hành chính pháp lý.
Nguồn cafef.vn