Sau 11 tháng, xuất siêu của toàn nền kinh tế đạt gần 11 tỷ USD, trong đó, ngành nông nghiệp đóng góp rất đáng kể với giá trị xuất siêu đạt 7,82 tỷ USD.
Nông nghiệp xuất siêu gần 8 tỷ USD
Bộ Công thương dự kiến, cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 sẽ xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, với con số khoảng 1 tỷ USD. Nhưng thực tế, càng về các tháng cuối năm, xuất siêu liên tục gia tăng và hết 11 tháng đã vọt lên 10,6 tỷ USD, cao hơn cùng kỳ năm trước 10 tỷ USD về giá trị tuyệt đối.
Cùng với 2 trụ cột chính là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam trong 11 tháng qua.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước 11 tháng năm 2022 đạt gần 674 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4%; nhập khẩu 331,61 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, cán cân thương mại giữa khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) lại ở 2 thái cực. Nếu khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 27,97 tỷ USD sau 11 tháng, thì khu vực có vốn ĐTNN (kể cả dầu thô) xuất siêu 38,57 tỷ USD. Trong khi đó, khu vực ĐTNN đóng góp 74,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, khối doanh nghiệp nội đóng góp 25,6%.
Nhận định về tình hình xuất nhập khẩu năm 2022, Bộ Công thương cho biết, khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể đạt khoảng 740 tỷ USD nhờ nguồn lực được khai thác tối đa. Trong đó, riêng ngành nông nghiệp đã đóng góp tỷ trọng xuất siêu đáng kể cho nền kinh tế với gần 8 tỷ USD.
Một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu cao trong 11 tháng của năm 2022 gồm: cà phê đạt trên 3,5 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2021; gạo đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 6,9%; sắn và sản phẩm sắn đạt trên 1,2 tỷ USD, tăng 16,4%; cá tra đạt 2,2 tỷ USD, tăng 61,9%; tôm đạt 4,1 tỷ USD, tăng 14,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,6 tỷ USD, tăng 9%; phân bón các loại đạt 1 tỷ USD, gấp 2,3 lần.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong 11 tháng qua đạt 90,26 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8%; nhập khẩu 41,22 tỷ USD. Giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt 7,82 tỷ USD, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Dù tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp xấp xỉ 50 tỷ USD, thậm chí chưa bằng 1 ngành hàng công nghiệp là điện tử, máy tính và linh kiện (50,5 tỷ USD), nhưng để mang về mức xuất siêu gần 8 tỷ USD là cả một sự nỗ lực lớn. Trong đó, thủy sản, gạo, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ có giá trị xuất khẩu tăng cao.
Giai đoạn cuối năm, dù đơn hàng có xu hướng giảm do lạm phát cao tại nhiều thị trường lớn, nhưng xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp dự kiến vẫn cán đích 52,5 - 53 tỷ USD vào cuối năm nay, cao hơn mục tiêu gần 3 tỷ USD.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá, doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu đã tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu. Chẳng hạn, sau 3 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chưa có FTA trong khối tăng 75 - 100%. Nhờ tận dụng tốt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhiều mặt hàng xuất sang EU tăng trưởng cao, như sắt thép (tăng 200%), cà phê (tăng hơn 75%), xuất siêu sang EU 11 tháng qua đạt 29,4 tỷ USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Bảo đảm cán cân thương mại hài hòa, bền vững
Quy mô xuất nhập khẩu của nền kinh tế nước ta ngày càng lớn sau mỗi năm, dự kiến đạt 740 - 750 tỷ USD vào cuối năm nay. Trong đó, quy mô xuất khẩu trong năm tới sẽ tiếp tục tăng nhờ hoạt động mở rộng đầu tư của doanh nghiệp và Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào sản xuất, tận dụng các FTA để gia tăng xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhìn vào mức thâm hụt hoặc thặng dư thương mại đối với một số thị trường, khu vực thị trường vẫn ở mức cao, có thể thấy khả năng gây ảnh hưởng tới tính bền vững của hoạt động xuất nhập khẩu.
Đơn cử, năm 2021, thặng dư thương mại với Mỹ là 81 tỷ USD, tăng 27,9% so với năm 2020. Trong khi đó, thâm hụt thương mại với Trung Quốc năm 2021 là 53,9 tỷ USD, tăng 52,7% so với năm 2020 và với ASEAN là 12,3 tỷ USD, tăng 66,8% so với năm 2020. Trong 11 tháng của năm 2022, xuất siêu sang Mỹ gần chạm mức 88 tỷ USD, trong khi thâm hụt thương mại với Trung Quốc xấp xỉ 57 tỷ USD, vượt năm ngoái 4 tỷ USD và dự kiến cả năm 2022, con số sẽ còn cao hơn.
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, đẩy mạnh xuất khẩu, khai thác tối đa dư địa tại các thị trường có FTA, phát triển các thị trường mới, đồng thời tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hòa, bền vững là nhiệm vụ lớn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, công tác cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp cũng cần được coi trọng hơn, bởi khi xuất khẩu tăng cao, lại tập trung ở một số thị trường chính yếu, thì nguy cơ hàng hóa bị kiện chống bán phá giá/chống trợ cấp hay áp dụng biện pháp tự vệ cũng tăng nhanh.
Tính đến tháng 11/2022, Mỹ đã khởi xướng điều tra 51 vụ với hàng hóa nhập từ Việt Nam, chủ yếu là điều tra chống bán phá giá. Các sản phẩm bị điều tra đa dạng, từ nông - lâm - thủy sản như gỗ, cá tra, cá basa, tôm, mật ong, tới các sản phẩm công nghiệp như thép, máy cắt cỏ..., thậm chí cả sản phẩm bìa kẹp hồ sơ.