VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Chính sách tài khóa - Chính sách tiền tệ

Ngành ngân hàng sẵn sàng ứng phó với nợ xấu

17/11/2022 - 113 Lượt xem

 

(ĐTCK) Trong khi tích cực trích lập dự phòng và xử lý các khoản nợ xấu phát sinh trong đại dịch Covid-19, ngành ngân hàng vẫn sẵn sàng ứng phó với rủi ro nợ xấu tiếp tục gia tăng.

Tổng dư nợ xấu nội bảng của Vietinbank đã tăng khá mạnh

Tổng dư nợ xấu nội bảng của Vietinbank đã tăng khá mạnh

 

 

Chuẩn bị trước rủi ro nợ xấu gia tăng

Báo cáo hợp nhất 9 tháng của Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB) cho thấy tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm.

Lý giải về điều này, một lãnh đạo cao cấp của NCB cho biết, những tháng đầu năm 2022, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng khi các ngân hàng chuyển dần những khoản nợ tái cơ cấu về đúng nhóm nợ. Đặc biệt, Thông tư 14/2021/TT-NHNN liên quan đến cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng do dịch Covid-19 hết hiệu lực từ ngày 30/6/2022, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng.

Cũng theo lãnh đạo NCB, trong 9 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng đã chủ động xử lý và thu hồi nợ tồn đọng; tăng cường trích lập dự phòng rủi ro với những khoản nợ có khả năng chuyển xấu và phân loại khách hàng đúng tình trạng khoản nợ theo quy định của Thông tư 14/2021/TT-NHNN.

“Ngân hàng đã thực hiện thoái lãi, ngừng dự thu và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu theo quy định của NHNN; thực hiện trích lập dự phòng theo phương án cơ cấu lại, đồng thời ngân hàng tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19”, lãnh đạo NCB chia sẻ thêm.

Tại Vietinbank, lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng cho biết, chất lượng nợ cho vay, nhóm nợ đủ tiêu chuẩn vẫn chiếm tỷ trọng cao 97% (hơn 1,2 triệu tỷ đồng) trong tổng cơ cấu. Tuy nhiên, tổng dư nợ xấu nội bảng đã tăng từ 1,3% lên 1,4% trong 9 tháng đầu năm 2022. Vietinbank đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên hơn 39.000 tỷ đồng (tăng 52%), đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt trên 220%.

Còn tại Vietcombank, tổng nợ xấu tăng từ 0,64% hồi đầu năm lên 0,8%, nhưng đây là tỷ lệ rất thấp so với nhiều ngân hàng khác. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của Vietcombank đạt 402%, giảm so với hồi giữa năm nay nhưng vẫn là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất trong hệ thống.

Ở góc nhìn tổng thể, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, số liệu của 14 ngân hàng niêm yết (bao gồm VCB, TCB, VPB, BID, CTG, MBB, ACB, VIB, TPB, STB, HDB, MSB, LPB, EIB) cho thấy, nợ nhóm 3, 4 đang có xu hướng giảm, không còn tăng nhiều như giai đoạn 2021.

“Chúng ta có thể thấy nợ xấu có sự gia tăng trong quý III/2022, nhưng tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng vẫn được đảm bảo tốt - cao hơn so với thời điểm cuối 2020 và 2021. Tôi cho rằng đây là một tín hiệu tích cực khi các ngân hàng đã có sự chuẩn bị trước đối với những rủi ro nợ xấu gia tăng trong tương lai”, bà Hiền nói.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định: “Các ngân hàng Việt Nam có thể vượt qua mọi rủi ro về chất lượng tài sản nhờ vào bộ đệm dự phòng lớn”.

 

Nợ nhóm 2 tiếp tục tăng mạnh

Chúng ta có thể thấy nợ xấu có sự gia tăng trong quý III/2022, nhưng tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng vẫn được đảm bảo tốt.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect

Trong Báo cáo số 330 gửi Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã xây dựng, từng bước triển khai thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 nhằm tạo bước chuyển rõ rệt, thực chất trong cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện các vấn đề, tồn tại, vi phạm trong hoạt động cấp tín dụng và đưa ra các kiến nghị, khuyến nghị cụ thể, có biện pháp xử lý phù hợp nhằm hạn chế rủi ro, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới; tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mãi tài sản bảo đảm của khoản nợ; bán nợ theo cơ chế thị trường; sử dụng dự phòng rủi ro; nâng cao năng lực quản trị rủi ro và chất lượng công tác thẩm định tín dụng. Nhờ đó, đến cuối tháng 8/2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức an toàn là 1,9%; tỷ lệ nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng là 4,99% (cuối năm 2021 là 6,3%), gồm toàn bộ dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN (và các văn bản sửa đổi, bổ sung) có nguy cơ tiềm ẩn thành nợ xấu.

Liên quan đến công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/8/2022, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 404.100 tỷ đồng nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục áp dụng toàn diện các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 nhằm xử lý nhanh, hiệu quả các khoản nợ xấu.

Dẫu vậy, bà Khánh Hiền cảnh báo, lãi suất huy động đang ngày một gia tăng, dẫn đến lãi suất cho vay cũng sẽ có xu hướng tăng lên trong thời gian tiếp theo, điều này sẽ làm ảnh hưởng khá nhiều đến tiến độ thanh toán đối với các khoản vay của khách hàng.

“Các ngân hàng đã tích cực phân loại và xử lý nợ xấu - khi nợ nhóm đã tăng đột biến trong giai đoạn 2020 - 2021. Điều tôi lưu ý là nợ nhóm 2 đang tăng khá nhiều, một phần nguyên nhân có thể thấy là từ việc Thông tư 14 đã hết hiệu lực từ cuối quý II/2022, đây là nhóm nợ có xu hướng sẽ trở thành nợ xấu trong điều kiện không thanh toán được đúng hạn các khoản vay”, bà Hiền nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ mở rộng thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất để cho vay với chi phí thấp cho nền kinh tế. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ mở rộng, ví dụ như hỗ trợ lãi suất, tái cơ cấu nợ và gia hạn nợ theo quy định mà không điều chỉnh nhóm nợ có thể làm trì hoãn việc phân loại các khoản vay khó đòi - dự báo ở mức 5% trên tổng dư nợ trong năm 2022.

 

Theo báo dautuchungkhoan.vn