VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Phát triển bền vững

Sản xuất công nghiệp phục hồi, xuất khẩu tăng tốc nhờ khai thác tốt FTA

15/07/2022 - 868 Lượt xem

 

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, kết quả xuất khẩu, phục hồi sản xuất trong nửa đầu năm là tích cực, nhưng chặng đường nửa cuối năm còn nhiều thách thức.
 
Sản xuất công nghiệp phục hồi, xuất khẩu tăng tốc
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, sản xuất công nghiệp phục hồi, xuất khẩu tăng 17,3% trong nửa đầu năm 2022 là nỗ lực lớn của các doanh nghiệp.

 

Sản xuất công nghiệp phục hồi, xuất khẩu tăng tốc, đảm bảo đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt..là những nội dung chính được lãnh đạo Bộ Công thương nhấn mạnh tại Hội nghị  sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, 6 tháng qua, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 8,48%, tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế (tăng 6,42%) và tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (6 tháng/2021 tăng 5,74%).

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,66%.

So với cùng kỳ năm trước, có 61/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, một số địa phương có chỉ số IIP tăng cao so với cùng kỳ như: Bắc Giang (tăng 48,9%), Quảng Nam (tăng 25,4%), Bình Phước (tăng 23,7%), Hà Giang (tăng 23%), Bắc Ninh (tăng 19,8%)…

Bà Nguyễn Thị Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho hay, nhiều nhóm ngành sản xuất có sự hồi phục nhanh như nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã cơ bản nối lại được các chuỗi cung ứng, cả sản lượng và số lượng đơn hàng mới đều tăng; ngành điện đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân.

Khai thác dầu, khí và than vượt kế hoạch cùng với gia tăng nhập khẩu đã đảm bảo cung cấp đủ xăng dầu, than cho các hộ sản xuất, cho tiêu dùng ở thị trường trong nước,

Hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm  tiếp tục là điểm sáng, với tổng kim ngạch ước đạt hơn 371,3 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 29,2%), đạt hơn 186 tỷ USD.

Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn FDI, tăng 19,5% (khu vực FDI kể cả dầu thô tăng 16,6%) cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện còn nhiều khó khăn.

Đáng nói, xuất khẩu tăng đều ở các nhóm hàng, trong đó nhóm nhiên liệu và khoáng sản tăng cao nhất (tăng 52,5%), do giá xuất khẩu của các mặt hàng (xăng dầu, dầu thô, than đá) tăng cao.

Nhóm nông sản, thủy sản và công nghiệp chế biến chế tạo đều tăng cao ở mức khoảng 17%, trong đó, tập trung ở các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và khai thác tốt các FTA như: dệt may, da giày, thủy sản… và nhóm các mặt hàng tranh thủ được giá cao để đẩy mạnh xuất khẩu như: hóa chất, sản phẩm chất dẻo, phân bón...

Trong 6 tháng đầu năm có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 4 mặt hàng so với cùng kỳ, chiếm 91,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58,3%).

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 185,3 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước và cơ bản được kiểm soát tốt. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm 88,8%; nhập khẩu của nhóm hàng cần kiểm soát chỉ chiếm 5,8%.

Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 710 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,86 tỷ USD).

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, kết quả xuất khẩu, phục hồi sản xuất trong nửa đầu năm là tích cực, nhưng chặng đường nửa cuối năm còn nhiều thách thức trong bối cảnh lạm phát tăng tại nhiều thị trường nhập hàng hóa lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, ,  đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là nguồn cung về nguyên vật liệu, các vật tư chiến lược như xăng dầu, phân bón hoặc các hóa chất cơ bản là các nguyên liệu cho các ngành sản xuất mà Việt Nam đang có lợi thế trong việc xuất khẩu. Thực tế này buộc các ngành hàng, doanh nghiệp phải linh hoạt, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.

Khó khăn được nhiều doanh nghiệp phản ánh lúc này là nguyên vật liệu nhập khẩu về chậm và tình trạng thiếu hụt lao động hoàn thành đơn hàng xuất khẩu đã ký.

Để về đích với mục tiêu xuất khẩu tăng khoảng 8%,  cán cân thương mại duy trì xuất siêu, Bộ trưởng chỉ đạo, cần theo dõi chặt chẽ các dự án, ngành hàng lớn và một số địa bàn trọng điểm để nắm bắt tình hình và xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu. Huy động tối đa các nguồn lực đảm bảo cung ứng đủ điện, than, xăng dầu, phân bón…cho sản xuất và sinh hoạt.

Các địa phương tập trung xây dựng phát triển thương hiệu đối với các mặt hàng có thế mạnh của địa phương, phối hợp với các Bộ, ngành xử lý tốt vấn đề về truy xuất nguồn gốc bảo đảm chất lượng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của các nước, tận dụng tốt các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu.

 

Theo baodautu.vn