Người nông dân huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long
Đại diện Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, vụ đông xuân 2021-2022, các địa phương khu vực Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã chuyển đổi được hơn 30.000ha đất lúa sang cây ăn quả, cây hằng năm, nuôi trồng thủy sản. Việc chuyển đổi giúp đa dạng hóa sản phẩm, tiết kiệm nước tưới, nhất là tình hình hạn hán ngày càng gia tăng như hiện nay; việc luân canh chuyển đổi cây trồng giúp cải tạo đất và hạn chế sâu bệnh. Điều đáng nói là phần lớn các cây trồng chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Những năm qua, việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn quả đã góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân tỉnh Tiền Giang. Trong năm 2021, toàn tỉnh chuyển đổi được hơn 7.500ha, chủ yếu trên đất lúa 3 vụ; riêng vụ đông xuân 2021-2022, địa phương trên địa bàn chuyển đổi hơn 3.000ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn quả.
Mặc dù bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, giá vật tư tăng cao nhưng lợi nhuận từ những mô hình chuyển đổi vẫn cao hơn so với sản xuất lúa từ 2,57 đến 7,75 lần. Do chi phí cho sản xuất lúa cao nhưng giá bán thấp, nên lợi nhuận của nông dân không nhiều. Thấy vậy, gia đình bà Bùi Thị Kim Uyên, xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) chuyển đổi 0,6ha lúa sang trồng rau màu trong vụ đông xuân 2021-2022.
Qua tính toán, gia đình bà có lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với trồng lúa. Cũng trên địa bàn xã Bình Nhì, ông Nguyễn Văn Tùng cũng thực hiện chuyển đổi 0,4ha đất lúa sang trồng rau ăn lá được gần hai năm. Theo ông Tùng, trồng rau mặc dù tốn công chăm sóc nhưng lợi nhuận mang lại gấp nhiều lần so với trồng lúa. Ở khu vực này, thương lái đến tận ruộng thu mua cho nông dân. Nhờ chuyển đổi, cuộc sống gia đình tôi cũng khá hơn.
Vụ đông xuân 2021-2022, tỉnh Phú Yên thực hiện chuyển đổi được gần 43ha đất lúa sang cây trồng khác đã mang lại lợi nhuận cao hơn từ 18 đến 23 triệu đồng/ha, gấp 3,6 đến 4,3 lần so với sản xuất lúa truyền thống. Tại tỉnh Gia Lai, cũng có nhiều mô hình chuyển đổi mang lại giá trị kinh tế cao như: mô hình trồng khoai lang Nhật Bản với chi phí đầu tư trung bình khoảng 65 đến 70 triệu đồng/ha, năng suất bình quân khoảng 20 đến 22 tấn/ha, giá bán từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg.
Sau khi trừ chi phí, nhân dân có lợi nhuận từ 130 triệu đến 150 triệu đồng/ha/vụ; mô hình trồng dưa hấu, năng suất bình quân từ 35 tấn đến 40 tấn/ha, giá bán bình quân từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 60 triệu đến 80 triệu đồng/ha; mô hình trồng ngô sinh khối với chi phí đầu tư khoảng 15 triệu đồng/ha, năng suất trung bình khoảng 50 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 27 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi trên đất lúa cũng đang còn những tồn tại do một số nơi, bà con nông dân quen với tập quán sản xuất lúa và thiếu lao động nông nghiệp nên còn e ngại chuyển đổi; một số địa phương chưa có quy hoạch tập trung chi tiết cho vùng chuyển đổi đất lúa để xây dựng hệ thống thủy lợi tưới, tiêu phù hợp; quy mô sản xuất ở vùng chuyển đổi còn nhỏ lẻ, khó cơ giới hóa dẫn đến tăng chi phí đầu tư, giá thành nông sản cao.
Ngoài ra, việc chuyển đổi cũng thiếu liên kết bao tiêu sản phẩm nên chưa bảo đảm khâu tiêu thụ. Tại khu vực Nam Bộ, việc chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả ở một số nơi chưa theo kế hoạch và định hướng của địa phương, còn mang tính tự phát, phổ biến là hình thức thuê đất của nông dân trồng lúa để trồng cây cam sành, khai thác nhanh và ngắn hạn gây bất ổn trong tiêu thụ; sự liên kết giữa sản xuất và thu mua để tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo, nên người sản xuất chưa nắm bắt kịp thời tín hiệu thị trường nên giá cả bấp bênh, chưa ổn định…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, mặc dù việc chuyển đổi đất lúa trên địa bàn đã và đang mang lại hiệu quả cho nhân dân. Tuy nhiên, ở một số địa phương, kết cấu hạ tầng vẫn chưa phù hợp để phục vụ tốt nhất cho việc chuyển đổi; một số diện tích chuyển đổi không theo quy hoạch; một số cây trồng mới được đưa vào sản xuất, nên người dân chưa nắm được kỹ thuật xử lý ra hoa, trồng rải vụ, dẫn đến sản lượng dư thừa vào mùa thu hoạch rộ; các cơ sở thu mua, sơ chế không đáp ứng công suất của nguồn cung, gây tồn đọng sản phẩm…
Để bảo đảm việc chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác mang lại hiệu quả, các địa phương cần xây dựng kế hoạch chuyển đổi phù hợp từng vùng đất; trong đó ưu tiên những cây trồng có giá trị kinh tế cao phù hợp nhu cầu của thị trường; chủ động liên kết nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm ổn định. Đồng thời, tập trung hướng dẫn kỹ thuật một số cây trồng chuyển đổi, phổ biến những mô hình hiệu quả để người sản xuất áp dụng.
Cũng theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đúng quy hoạch, hướng đến hình thành vùng chuyển đổi tập trung gắn với đầu tư kết cấu hạ tầng tương ứng.
Đối với vùng lúa chuyên canh, ngành nông nghiệp và các địa phương sẽ vận động bà con nông dân tiếp tục duy trì và phát triển vùng lúa chất lượng cao, hình thành vùng lúa hàng hóa tập trung, an toàn, sản xuất theo chuỗi cung ứng-sản xuất-tiêu thụ và thực hiện luân canh cây rau các loại để tăng thu nhập, cải tạo đất.
Đồng thời tăng cường chuyển giao giống cây trồng mới, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất an toàn và truy xuất nguồn gốc; hướng dẫn bà con nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý tốt các đối tượng sâu bệnh hại; xây dựng và phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm hàng hóa sản xuất tập trung thế mạnh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nhằm nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp…
Theo baonhandan.vn