Thời gian qua, TP Ðà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hà Giang đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, tạo tiền đề đến năm 2025 các địa phương này đạt mục tiêu chuyển đổi số, đóng góp 15% đến 20% vào GRDP. Năm 2021, Ðà Nẵng đứng vị trí thứ ba trong cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), hạ tầng viễn thông-công nghệ thông tin tiếp tục bảo đảm phục vụ hiệu quả cho các sự kiện lớn, hoạt động của cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho người dân và điều hành phòng, chống dịch Covid-19.
TP Ðà Nẵng kết nối mạng nội bộ đến tất cả các cơ quan của thành phố để phục vụ sử dụng văn bản điện tử và điều hành. Tất cả thủ tục hành chính được kịp thời nâng lên trực tuyến mức độ 3, 4 vừa tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, vừa hạn chế tiếp xúc, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; triển khai hệ thống họp trực tuyến phục vụ điều hành phòng, chống dịch. Tới đây, Ðà Nẵng sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động.
Ðối với tỉnh Thừa Thiên Huế, chuyển đổi số là một trong những nội dung được các cấp, ngành quan tâm thực hiện để tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội. Tỉnh xác định, việc thực hiện tổng thể, toàn diện chương trình chuyển đổi số quốc gia phải bắt đầu từ sự thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ, công chức; ưu tiên chuyển đổi số từ cấp xã một cách đồng bộ; số hóa dữ liệu đất đai, quy hoạch.
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện, Trung tâm Ðiều hành Ủy ban nhân dân tỉnh, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (Hue-S) vận hành hiệu quả. Việc gửi, nhận văn bản điện tử được liên thông cả bốn cấp hành chính, hơn 75% số dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4. Những nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số vào mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội không chỉ tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư mà còn tác động tích cực, lan tỏa đến mỗi người dân.
Thừa Thiên Huế hiện có gần 70 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số, hơn 200 doanh nghiệp có website tích hợp chức năng cho phép đặt hàng trực tuyến, 100% các cơ quan cấp huyện có cán bộ được giao phụ trách công tác phát triển xã hội số, thúc đẩy chuyển đổi số cho người dân. Ðến năm 2025, tỉnh phấn đấu hằng năm tất cả cán bộ trong cơ quan nhà nước được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số; người dân trong độ tuổi lao động biết và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác.
Là địa phương còn nhiều khó khăn, tỉnh Hà Giang xác định lấy chuyển đổi số làm đòn bẩy phát triển kinh tế, xã hội. Năm 2022, Hà Giang tiếp tục triển khai đề án Trung tâm Ðiều hành thông minh. Các cơ quan, đơn vị xây dựng Cổng dữ liệu dùng chung trên địa bàn tỉnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với nền tảng của tỉnh. Trong xây dựng chính quyền số, mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Ðảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh được duy trì, nâng cấp; tất cả các sở, ban, ngành, huyện đã có mạng nội bộ, kết nối internet. Ðặc biệt, việc ứng dụng chữ ký số trong gửi và nhận văn bản điện tử đã có sự chuyển biến rõ rệt, 18 trong số 20 cơ quan cấp tỉnh sử dụng chữ ký số cá nhân đạt hơn 80%. Năm nay, Hà Giang đẩy mạnh khảo sát hiện trạng và đăng ký nhu cầu bổ sung hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính nhà nước.
Mặc dù các địa phương nêu trên có điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội khác nhau, tiến trình chuyển đổi số cũng không đồng đều, nhưng điểm chung trong sự thành công bước đầu đều là nhờ nêu cao vai trò chỉ đạo, dẫn dắt của cấp ủy, chính quyền. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Chúng tôi đưa ra chính sách khuyến khích doanh nghiệp tạo ra các nền tảng công nghệ để người dân tiếp cận một cách thuận lợi, đưa người dân từ đối tượng được thụ hưởng trở thành người tham gia, hợp lực với chính quyền để thực hiện các giải pháp tăng cường năng lực quản lý của chính quyền. Bên cạnh đó tỉnh đẩy mạnh chính quyền số, kinh tế số, xây dựng xã hội số để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp… Ðây là công cụ đột phá để các ngành, các lĩnh vực phát triển nhanh và bền vững, tiến nhanh đến mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm đặc sắc của khu vực Ðông Nam Á về văn hóa, du lịch…
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số TP Ðà Nẵng chia sẻ: Chuyển đổi số cũng như xây dựng thành phố thông minh tại Ðà Nẵng có ba thành phần hết sức quan trọng, gồm: chính quyền, doanh nghiệp, công dân. Vai trò của cấp ủy, chính quyền thành phố trong việc kết nối ba thành phần đó đóng vai trò quyết định. Trong giai đoạn ban đầu, khi chuyển đổi số còn sơ khai, gặp nhiều khó khăn thì vai trò dẫn dắt của lãnh đạo địa phương là quan trọng nhất.
Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, năm 2022 là giai đoạn vàng để hợp lực chuyển đổi số. Vì vậy, các địa phương trong cả nước đang tăng tốc chuyển đổi số nhằm đạt các mục tiêu đã đề ra về hồi phục kinh tế, ổn định xã hội. PGS, TS Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho rằng: Chuyển đổi số là sự nghiệp của toàn dân. Muốn lĩnh vực chuyển đổi số ở một tỉnh, thành phố đạt được thành công thì cần sự hợp lực của tỉnh ủy, chính quyền nơi đó, cần kết nối nhân dân hợp lực với doanh nghiệp. Ðây là công việc khó nhất vì phải chạm đến được từng người dân để mọi người thay đổi thói quen trong kinh doanh và các lĩnh vực khác của đời sống.
Theo baonhandan.vn