Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa
Tháng 7/2022 sẽ trình Nghị định sửa đổi cơ chế khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp
09/06/2022 - 1248 Lượt xem
Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời tại phiên chất vấn sáng 8/6 |
Thế giới không còn đánh giá nông sản ngon hay rẻ mà là quy trình có tổn hại môi trường không
Nhắc tới cái giá phải trả nếu không thay đổi, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận trách nhiệm lan tỏa mô hình sản xuất nông nghiệp tiết kiệm thông qua cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nhưng cũng cần các doanh nghiệp và người nông dân chấp nhận thay đổi.
Trong phần trả lời chất vấn các đại biểu sáng 8/6 về các vấn đề của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan một lần nữa nhắc tới mô hình sản xuất chuyển từ sử dụng phân vô cơ chuyển sang phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Nhờ đó, bà con tiết kiệm được từ 30 tới 40% chi phí đầu vào, cũng đỡ được áp lực khi thị trường vật tư nông nghiệp tăng giá như hiện tại.
Mặc dù việc tăng giá là vấn đề thị trường, nhưng Bộ trưởng cũng cám ơn Bộ Công thương đã vào cuộc rất nhanh, vừa hợp tác, vừa thông qua liên tịch và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo rất nhiều hội nghị để vừa siết chặt công tác quản lý thị trường, tránh lợi dụng "tát nước theo mưa" tích trữ, hàng gian, hàng giả, chỉ đạo một hệ thống quản lý thị trường cả nước và cũng đã chỉ đạo các hệ thống, các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất cũng như là kinh doanh vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, cho rằng sự tăng giá thì cũng theo quy luật thị trường mà chúng ta chỉ là giảm thiểu, nên việc quan trọng hơn là thay đổi được thói quen canh tác lâu nay để chuyển từ một nền nông nghiệp truyền thống không chất lượng sang một chuẩn sản phẩm sinh thái. Quy trình sản xuất, từ phân bón, vật tư nguyên liệu đầu vào, từ phân tới thuốc và những quy trình khác sẽ phải thay đổi để không làm tổn hại môi trường.
“Trên thế giới, người tiêu dùng đang có xu hướng đánh giá không phải qua chất lượng ngon hay rẻ, hay là an toàn vệ sinh thực phẩm nữa mà người ta xem quy trình đó có tác động tới hệ sinh thái, vào biến đổi khí hậu hay không. Các đại biểu nói làm sao lan tỏa được mô hình này, đây là vấn đề trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, Bộ trưởng nhận trách nhiệm.
Cụ thể, Bộ sẽ cung cấp những mô hình này và sẽ đánh giá, tổng kết từng mô hình, so sánh chi phí giữa sản xuất truyền thống và sản xuất theo những mô hình mới. Đồng thời, kiến nghị với Chính phủ những điều kiện hỗ trợ để tiếp cận mô hình mới, bởi vì từ mô hình cũ sang mô hình mới ít nhất cũng phải có một cơ chế để hỗ trợ, tạo động lực thêm cho bà con để bà con thay đổi.
“Tôi muốn nói một câu mà nhà tài trợ quốc tế đã nhắn nhủ với tôi rằng, chúng ta cân nhắc quá nhiều về giá phải trả cho sự thay đổi, nhưng chúng ta ít cân nhắc về giá phải trả cho sự không thay đổi. Bởi vì, xu thế tiêu dùng bắt buộc chúng ta phải có những nông sản đáp ứng chuẩn của thị trường, đó là chuẩn sinh thái”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích thêm.
Đặc biệt, ông nhắc tới những động thái mới trong quá trình chuyển từ một nền nông nghiệp truyền thống không chất lượng sang một chuẩn sản phẩm sinh thái, đó là sẽ minh bạch tất cả những vấn đề phân danh mục, vấn đề thuốc, thậm chí sẽ công bố tất cả những doanh nghiệp làm ăn không chân chính trong thời gian vừa qua.
Như vậy, cơ chế sẽ khuyến khích những doanh nghiệp mà vì cộng đồng trách nhiệm đến xã hội, cộng đồng trách nhiệm với Việt Nam, kể cả những doanh nghiệp ở nước ngoài đầu tư ở Việt Nam kinh doanh những mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... liên quan tới nông nghiệp Việt Nam.
"Trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng để chung tay với chúng ta chuyển đổi một mô hình, chuyển đổi một thiết chế", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Tháng 7 sẽ trình nghị định sửa đổi Nghị định 57/2018/NĐ-CP
Về cậu hỏi của đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) về giải pháp thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xem lại để sửa đổi Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Liên quan đến nội dung này, khi tham gia phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin thêm, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 57/2018/NĐ-CP đang hoàn thiện và khả năng sẽ sớm trình với Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2022 này.
"Việc xây dựng một luật liên quan đến thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa được tính đến, nhưng Nghị định 57/2018/NĐ-CP đang được sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ cũng như các chính sách phải lồng ghép được, phải có nguồn lực để thực hiện", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết chi tiết.
Theo đánh giá của Bộ trưởng, các chính sách trong Nghị định 57/2018/NĐ-CP đã tương đối đầy đủ, nhưng không có nguồn lực, không bố trí đi kèm được nguồn lực.
"Việc này có cả phần khuyết điểm, trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình tham mưu", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận trách nhiệm.
Trước đó, trong phiên chất vấn chiều 7/6, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đã hai lần đăng ký để hỏi Bộ trưởng Lê Minh Hoan về việc có phải cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp chưa đủ hấp dẫn, nhất là với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan một mặt chờ đợi vào những thay đổi của Nghị định sửa đổi Nghị định 57/2018/NĐ-CP mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham gia đóng góp trên cơ sở tìm hiểu thực tế nhu cầu, hoạt động của doanh nghiệp và đòi hỏi phát triển ngành nông nghiệp, một mặt ông cho rằng, cần sự sẵn lòng, sự sẵn sàng của các doanh nghiệp và các địa phương trong liên kết, lan tỏa và kết nối các hoạt động.
“Nếu một một doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao mà đóng khung lại 1.000 ha, 2.000 ha để tạo ra vùng nguyên liệu thì cá nhân tôi không khuyến khích mô hình đó. Làm sao một doanh nghiệp có thể từ lõi nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao, như công nghệ giống, công nghệ sinh học, công nghệ hữu cơ... rồi lan tỏa cho người nông dân ở xung quanh cùng làm, cùng phát triển. Đó là hướng mà chúng ta tìm kiếm”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ quan điểm.
Theo baodautu.vn