VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Nông nghiệp - Nông thôn - Nông dân

Chuyển hướng tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

08/06/2022 - 913 Lượt xem

 

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn nhóm vấn đề đầu tiên tại phiên chất vấn chiều 7/6. (Ảnh: LINH KHOA)

Để phát triển nền nông nghiệp bền vững, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

 

Chiều 7/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ ba. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan là người đăng đàn đầu tiên trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

Dẫn dắt thay đổi tư duy

Đặt câu hỏi chất vấn tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đắk Nông) và Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) bày tỏ băn khoăn khi tình trạng được mùa mất giá và những cuộc giải cứu nông sản chưa có hồi kết, hay tình trạng ùn tắc hàng nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu khu vực phía bắc đã gây nên rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Chuyển hướng tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp -0

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nêu câu hỏi tại phiên chất vấn chiều 7/6. (Ảnh: NGUYÊN KHOA)

Các đại biểu đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra những giải pháp căn cơ để giải quyết các vấn đề này, giúp người nông dân nâng cao chất lượng, giá trị nông sản và qua đó tăng cường xuất khẩu và xây dựng 1 nền xuất khẩu bền vững.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững được Thủ tướng phê duyệt đã xác định rõ chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố thị trường.

Chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà bà con nông dân cùng doanh nghiệp đã phải đối mặt trong thời gian vừa qua, từ góc độ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, khi đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 và nhất là cao điểm ùn ứ nông sản ở cửa khẩu phía bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao cùng vào cuộc dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nông dân.

Đề cập đến một trong những nguyên nhân gây ùn ứ nông sản như đại biểu Hoàng Anh Công đã chỉ ra, đó là do chính sách nhập khẩu liên quan đến tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa nông sản phía Trung Quốc có nhiều thay đổi, đòi hỏi chất lượng nhập khẩu ngày càng cao hơn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, đây là trường hợp bất khả kháng do khác biệt trong quy định chống dịch của 2 bên.

Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của các Bộ, ngành Trung ương, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc chậm thông tin cho người dân biết liên quan thực tế Trung Quốc thay đổi biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho biết, bà con nông dân hiện cũng chưa quan tâm đến lĩnh vực này, mặc dù Bộ cũng đã tổ chức nhiều đợt truyền thông và tập huấn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, về giải pháp lâu dài không thể chỉ dùng biện pháp truyền thông, mà cần tổ chức lại sản xuất, thị trường, các hiệp hội ngành hàng để dẫn dắt thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Chuẩn hóa nông sản Việt

Chuyển hướng tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp -0

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: NGUYÊN KHOA)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Ngoại giao cũng đang xây dựng dự thảo thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc để chuyển dần xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Theo Bộ trưởng, hiện nay, hàng hóa của Việt Nam chủ yếu trao đổi với cư dân biên giới. Nếu muốn chuẩn hóa để đi sâu vào nội địa - thị trường cấp cao hơn của Trung Quốc, chúng ta vẫn cần rất nhiều biện pháp để chuẩn hóa lại.

Dẫn thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, hiện có hàng nghìn thông tin liên quan thay đổi biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm của các quốc gia trên thế giới đối với mặt hàng nông sản, với trung bình 1 tháng có gần 100 thay đổi như vậy, trong đó có những yêu cầu bắt buộc phải thực hiện ngay nhưng chúng ta vẫn phải chấp nhận để chuẩn hóa nông sản Việt, nhằm đáp ứng theo từng loại thị trường trong bối cảnh các yêu cầu thay đổi rất nhanh chóng.

Về câu hỏi đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) liên quan các giải pháp, chính sách để tăng tỷ lệ nông sản đã qua chế biến đưa ra thị trường, tăng xuất khẩu nông sản chính ngạch, mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt, Bộ trưởng cho biết, thực tế một số ngành của nước ta chế biến rất tốt, thậm chí không đủ nguyên liệu trong nước để chế biến như ngành thủy sản, chế biến gỗ, cao-su.

Bộ trưởng nêu rõ, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản thì chất lượng nông sản phải tốt và sản lượng nông sản cũng cần ổn định. Do đó, địa phương cần chủ động liên kết thu hút doanh nghiệp, bảo đảm cho doanh nghiệp an tâm với nguồn cung nguyên liệu sản xuất tại địa phương. Bộ trưởng cho rằng, lãnh đạo địa phương cần phải sâu sát, cùng ngồi lại với nông dân và doanh nghiệp để xây dựng niềm tin thị trường trước.

Liên quan những tín hiệu tốt về xuất khẩu nông sản ra nước ngoài, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, hiện chưa thể quá háo hức, bởi để đưa 1 mặt hàng nông sản lên kệ siêu thị tại nước ngoài thì chi phí logistics và chi phí thị trường vẫn chiếm tỷ trọng cao. Điều quan trọng là giá bán cao đó có phân bổ lại được cho người nông dân hay không. Bộ trưởng nhấn mạnh, trước hết phải làm tốt việc xây dựng thương hiệu trong nước, tạo niềm tin vào nông sản trong nước, qua đó xây bệ đỡ để đưa nông sản Việt ra nước ngoài.

 

Theo baonhandan.vn