Bộ trưởng Công thương: Thị trường đang rộng mở cho nông sản Việt
08/06/2022
- 504 Lượt xem
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên chất vấn chiều 7/6. (Ảnh: LINH KHOA)
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, nông sản nước ta hoàn toàn có thể trở thành hàng hóa và bán ra thị trường thế giới, với thị trường rất rộng mở khi Việt Nam đang là thành viên của 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Chuyển đổi sang nền nông nghiệp hàng hóa
Tham gia giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 7/6, Bộ trưởng Công thương nêu rõ, từ một nền nông nghiệp truyền thống chuyển sang tư duy nông nghiệp hàng hóa, tức sản xuất thị trường, rồi chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp đòi hỏi nỗ lực lớn chứ không phải làm theo cách truyền thống hay theo thói quen.
“Hướng đi thì đương nhiên là phải chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang hàng hóa, từ nông nghiệp hàng hóa sang tư duy kinh tế nông nghiệp là tất yếu, nhưng rõ ràng những gì chúng ta đã làm được trong thời gian vừa qua cũng chưa thấm tháp gì”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Bộ trưởng phân tích, nền nông nghiệp nước ta tuy đã có chuyển động theo hướng kinh tế thị trường nhưng vẫn mang đậm tính tự túc, tự cấp, sản xuất quy mô manh mún, nhỏ lẻ. Sản phẩm chất lượng chưa đạt được tiêu chuẩn của thị trường, kể cả thị trường trong nước ở một số sản phẩm chứ chưa nói đến xuất ra nước ngoài.
Tuy nhiên, trước các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên chất vấn liên quan nhóm vấn đề nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, nông sản của nước ta hoàn toàn có thể trở thành hàng hóa và bán ra thị trường thế giới.
Lấy dẫn chứng nông sản Việt đã vào được các thị trường rất khó tính như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản hay các nước phát triển khác, Bộ trưởng cho rằng, điều đó chứng tỏ những sản phẩm xuất được sang các thị trường này là những sản phẩm đạt được tiêu chuẩn của thị trường.
“Như vậy, người sản xuất đã quán triệt tinh thần bán những thứ thị trường cần chứ không phải bán cái mình có, sản xuất này đã đáp ứng được nhu cầu thị trường, đã theo tín hiệu thị trường”, Bộ trưởng khẳng định.
Đồng thời, Bộ trưởng Công thương cũng cho rằng, cơ hội cho nông sản Việt vươn ra thế giới là rất lớn, khi Việt Nam hiện là thành viên của 17 FTA với hơn 65 quốc gia, vùng lãnh thổ, với số lượng người tiêu dùng lên tới khoảng gần 7 tỷ người, nên thị trường rất rộng mở.
Xây dựng thị trường quốc tế cho nông sản Việt
Theo Bộ trưởng, thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp cũng đã phối hợp rất tốt để chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang hàng hóa, đặc biệt là vấn đề khuyến cáo các địa phương quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất theo yêu cầu của thị trường.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã làm rất tốt việc cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất, sử dụng hiệu quả lực lượng cán bộ thương vụ của Việt Nam và ngoài nước để thường xuyên cung cấp thông tin thị trường của các nước, khuyến cáo vùng trồng, vùng nuôi, khuyến cáo người sản xuất và doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng sản xuất theo tín hiệu thị trường.
Đồng thời, Bộ Công thương cũng đã phối hợp trên cơ sở các hiệp định thương mại đã ký để đàm phán đưa các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vào thị trường nước ngoài. Theo Bộ trưởng, để đưa được một sản phẩm trái cây hay vật nuôi vào thị trường các nước là rất khó khăn, vất vả, “đấu nhau” từng chút một.
“Trong đàm phán thì theo công thức rất vui là “bia kèm lạc”, tức họ chấp nhận một sản phẩm này của ta thì ta cũng phải chấp nhận sản phẩm khác của họ. Việc này chúng tôi đã làm khá tốt”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Thời gian tới, để hàng hóa nông sản Việt Nam vào được thị trường thế giới, Bộ trưởng Công thương cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành chức năng làm tốt thông tin thị trường để định hướng sản xuất cho các vùng trồng, vùng nuôi và các địa phương.
Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán để đưa các sản phẩm nước ta vào thị trường quốc tế và khai thác lợi thế của 17 FTA thế hệ mới đã ký, tháo gỡ các vướng mắc để thuận lợi hóa các thủ tục hành chính, thuận lợi hóa thương mại cho hàng hóa xuất khẩu, giảm chi phí, cùng với đẩy mạnh thực hiện đề án xuất khẩu nông sản chính ngạch và thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị các địa phương làm tốt quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức sản xuất đạt chuẩn và theo tín hiệu thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Khuyến cáo cần có sự liên kết trong tổ chức sản xuất để tránh manh mún, nhỏ lẻ và hướng tới sản xuất hàng hóa, Bộ trưởng Công thương cũng nhấn mạnh, trong quá trình này, vai trò của cấp ủy chính quyền địa phương là rất quan trọng và đây là điều thực tiễn đã chứng minh.
“Thực tiễn đã chứng minh là vừa qua, nếu ở đâu cấp ủy chính quyền vào cuộc mạnh mẽ thay cho vai trò của hợp tác xã truyền thống trước đây thì ở đó sản phẩm nông sản trở thành hàng hóa được”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.