VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Hội nhập kinh tế quốc tế

Lần đầu tiên công bố Báo cáo thường niên về FDI

11/05/2022 - 128 Lượt xem

 

Báo cáo do Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) soạn thảo và công bố. GS-TSKH. Nguyễn Mại là người chủ biên.
 

Ngày 10/5, Hiệp hội Doanh nghiệp FDI đã chính thức công bố Báo cáo thường niên về FDI năm 2021. Đây là lần đầu tiên, Báo cáo này được công bố tại Việt Nam, và sẽ tiếp tục được thực hiện thường niên trong thời gian tới.

Báo cáo do Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) soạn thảo và công bố. GS-TSKH. Nguyễn Mại là người chủ biên.

 

Báo cáo này, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội, được xây dựng theo cách tiếp cận của Báo cáo thường niên của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) và Báo cáo thường niên FDI ASEAN của Ban thư ký ASEAN và UNCTAD để đánh giá toàn diện kết quả thu hút, sử dụng vốn FDI, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp FDI.

“Cùng với đó, phân tích môi trường đầu tư, gắn với cuộc cải cách nền hành chính quốc gia, tham khảo ý kiến các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư, chủ sở hữu các doanh nghiệp FDI. Từ đó, kiến nghị với nhà nước định hướng, chính sách, luật pháp theo hướng đổi mới và sáng tạo để gia tăng số lượng dự án và vốn FDI, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của khu vực FDI”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói. 

Là báo cáo toàn diện, nên Báo cáo thường niên FDI 2021 đã đề cập đầy đủ về xu hướng FDI toàn cầu và khu vực ASEAN, và tất nhiên là Việt Nam.

“Việt Nam là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ ba trong khu vực và là một trong số các nước ASEAN vẫn duy trì được tăng trưởng dòng vốn FDI qua nhiều năm”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói và nhấn mạnh con số 31,15 tỷ USD mà Việt Nam đạt được trong năm 2021, tăng 9,2% so với năm 2020. Cùng với đó, vốn thực hiện đạt 19,74 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm 2020.

Việt Nam là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ ba trong khu vực và là một trong số các nước ASEAN .

 

Những nhận định quan trọng được GS-TSKH. Nguyễn Mại đưa ra trong báo cáo là đầu tư mới vẫn là loại hình chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong 3 năm 2019-2021. Các địa phương thu hút nhiều vốn FDI mới là Long An, Cần Thơ, Bắc Ninh và Quảng Ninh.

Điều quan trọng, đầu tư mới chiếm tỷ trọng tới 99% năm 2020 và 93,1% trong năm 2021 trong tổng vốn đăng ký vào lĩnh vực chế tạo, phân phối điện, khí, cấp nước và điều hòa.

Trong khi đó, số lượt điều chỉnh tăng vốn giảm từ 1.381 năm 2019 xuống 1.140 năm 2000 và 985 năm 2021, nhưng vốn điều chỉnh có xu hướng tăng cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ trọng trong tổng vốn đăng ký của cả 3 năm. Năm 2019 là 15,3%, năm 2020 là 22,5% và năm 2021 là 28,9%.

“Điều này chứng tỏ môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện, làm cho các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào sự thành công trong kinh doanh tại Việt Nam bằng cách điều chỉnh tăng vốn đầu tư để mở rộng kinh doanh và tăng lợi nhuận”, GS. Nguyễn Mại nhận định. 

Trong khi đó, theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, M&A tiếp tục là hình thức quan trọng thu hút đầu tư nước ngoài. Hình thức đầu tư mới - NEM đang có xu hướng gia tăng...

Tuy tình hình thu hút đầu tư là tích cực, song theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong tạo hiệu ứng lan tỏa; số lượng dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn từ Mỹ và châu Âu chỉ chiếm 5%; FDI chủ yếu tập trung ở một số ngành có trình độ công nghệ thấp để tận dụng chi phí lao động rẻ, hưởng ưu đãi đầu tư;

Số lượng doanh nghiệp FDI thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) còn ít; hiệu quả kinh tế của nhiều doanh nghiệp FDI chưa tương xứng với quy mô vốn, năng lực và những ưu đãi đầu tư được hưởng... Chưa kể, vẫn còn tình trạng chuyển giá, trốn thuế, ảnh hưởng đến môi trường... 

Một lần nữa đánh giá cao việc Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50/NQ-TW, sau đó Chính phủ ban hành chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết này, song GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, mục tiêu về số lượng hoàn toàn có thể thực hiện được, trong khi mục tiêu về chất lượng khó thực hiện, nhất là về thu hút đầu tư các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ 4.0, FDI xanh...

Từ nhận định này, Báo cáo thường niên FDI năm 2021 đã đề xuất một loạt giải pháp quan trọng để không chỉ tăng về số lượng mà còn nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn FDI, đúng theo Nghị quyết 50/NQ-TW.

Theo đó, có 3 giải pháp trọng tâm được đề xuất, bao gồm hoàn thiện thể chế, luật pháp có liên quan đến FDI; nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng FDI; nâng cao hiệu năng quản lý nhà nước về FDI.

“Chúng ta cần hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về đầu tư và kinh doanh; nghiên cứu các mô hình như khu thương mại tự do, trung tâm tài chính; quan tâm cả vấn đề áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói và đặc biệt nhấn mạnh các giải pháp để nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng FDI. 

“Chính phủ cần sớm ban hành quyết định về bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả khu vực FDI, chỉ đạo các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương thực hiện nghiêm túc trong quá trình thu hút và sử dụng vốn FDI”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.

Trước đó, phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trong 35 năm thu hút FDI, khu vực FDI đã không ngừng phát triển, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đến nay, khu vực FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; 55% tổng giá trị sản xuất công nghiệp; hơn 70% kim ngạch xuất khẩu; tạo việc làm trực tiếp cho 4,6 triệu người và hàng triệu lao động gián tiếp khác...

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, năm 2021, kinh tế thế giới và Việt Nam chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng thu hút và sử dụng FDI và hoạt động của khu vực FDI được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh kinh tế Việt Nam.

 

Theo baodautu.vn