VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Chính sách tài khóa - Chính sách tiền tệ

Không “bẻ lái” chính sách tiền tệ

21/03/2022 - 175 Lượt xem

 

Ngân hàng Nhà nước đang tỏ ra khá bình tĩnh trước động thái nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
 

Phản ứng này khá dễ hiểu, bởi khác với Mỹ, câu chuyện hiện tại của Việt Nam là phục hồi, tăng trưởng, chứ không phải là lạm phát, việc đảo chiều chính sách tiền tệ từ nới lỏng sang thắt chặt khó có thể xảy ra.

Thị trường tài chính toàn cầu đang biến động mạnh khi Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - tăng lãi suất lần đầu tiên kể khi dịch bệnh xảy ra. Không ít quốc gia, vùng lãnh thổ buộc phải tăng lãi suất theo động thái của Fed.

Thách thức lớn nhất của chính sách tiền tệ hiện nay là làm sao để kiểm soát dòng tiền đi vào đúng hướng, chảy vào sản xuất - kinh doanh, thay vì đầu cơ. (Ảnh minh họa)

 

Với Việt Nam, việc Fed tăng lãi suất lần này tác động chưa đáng kể, song với 7 lần tăng lãi suất dự kiến năm nay và khoảng 3-4 lần năm 2023 của Fed, tác động tiêu cực tới tỷ giá, lãi suất, gánh nặng nợ nước ngoài, dòng vốn ngoại… là khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Việt Nam đang có nhiều bệ đỡ tốt, giúp trung hòa các yếu tố rủi ro, đó là nguồn dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, thặng dư thương mại dự kiến khá lớn.

Hơn nữa, triển vọng tăng trưởng sáng sủa của nền kinh tế cũng khiến dòng tiền nước ngoài tiếp tục ở lại Việt Nam, thay vì tháo chạy, kể cả vốn trực tiếp và gián tiếp.

Điều quan trọng nhất là khác với Mỹ, tổng cầu Việt Nam vẫn khá yếu, lạm phát thấp, CPI 2 tháng đầu năm chỉ tăng 1,68%. Vì vậy, bài toán lớn nhất lúc này là phục hồi, tăng trưởng, chứ không phải là lạm phát. Căn cứ vào sức cầu khá yếu của nền kinh tế hiện nay, không có cơ sở nào cho thấy, Ngân hàng Nhà nước sẽ “quay xe”, đảo chiều chính sách tiền tệ sang hướng thắt chặt.

Việt Nam có sự lệch nhịp tăng trưởng so với các nước phát triển trên thế giới. Năm 2021, khi các nước phát triển trên thế giới (Mỹ, châu Âu) phục hồi mạnh mẽ, thì GDP Việt Nam lại giảm sâu vì làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư. Chính vì phục hồi muộn hơn các nước phát triển, nên lạm phát Việt Nam chưa phải là vấn đề đáng lo.

Hơn nữa, nhìn vào gốc rễ lạm phát của Mỹ hiện nay, có thể thấy, Việt Nam khó có khả năng rơi vào tình cảnh lạm phát phi mã này. Năm 2008, khi khủng hoảng kinh tế nổ ra, Mỹ cũng ào ạt bơm tiền ra nền kinh tế, nhưng chủ yếu bơm cho hệ thống tài chính, lạm phát suốt cả thập kỷ sau đó chỉ xoay quanh 2%, thậm chí có lúc còn âm. Tuy nhiên, hai năm qua, đối mặt với khủng hoảng kinh tế do Covid-19, Fed bơm tiền kích cầu mạnh, nhưng bơm trực tiếp cho người tiêu dùng, nên lạm phát vọt tăng nhanh chóng.

Trong khi đó, tại Việt Nam, yếu tố lạm phát từ tiền tệ hoàn toàn không có. Các gói hỗ trợ nền kinh tế 2 năm qua quy mô nhỏ bé và hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt rất ít. Gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế 350.000 tỷ đồng sắp được triển khai chỉ có phần nhỏ là hỗ trợ về tiền tệ. Hơn nữa, gói hỗ trợ tiền tệ này được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt trong tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm.

Chính vì lạm phát của Việt Nam không xuất phát từ cung tiền và không có yếu tố cung tiền, nên Ngân hàng Nhà nước không có lý do để thay đổi chính sách tiền tệ. Thực tế, những năm gần đây, NHNN luôn điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng, việc nới lỏng tiền tệ ở mức nhất định mới được thực hiện vài năm gần đây.

Không chỉ Việt Nam, mà nhiều nước châu Á khác cũng tỏ ra bình tĩnh với động thái tăng lãi suất của Fed. Nguyên nhân là nhiều nước châu Á đều đang phải đối mặt với lạm phát thấp, nền kinh tế phục hồi chậm, buộc phải duy trì lãi suất thấp. 

Với Việt Nam, thời gian qua, chính sách tiền tệ luôn hướng tới sự ổn định. Ngân hàng Nhà nước nhiều lần khẳng định, mục tiêu xuyên suốt và nhất quán của chính sách tiền tệ là đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.  

Có thể thấy, sự liên thông giữa việc Fed tăng lãi suất với nền kinh tế trong nước nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng là không lớn. Thách thức lớn nhất của chính sách tiền tệ hiện nay là làm sao để kiểm soát dòng tiền đi vào đúng hướng, chảy vào sản xuất - kinh doanh, thay vì đầu cơ.

 

Theo baodautu.vn