VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Nông nghiệp - Nông thôn - Nông dân

Định vị vai trò, sứ mệnh của nông nghiệp, nông thôn

18/02/2022 - 208 Lượt xem

 

Sản xuất rau thủy canh tại trang trại Đức Tín, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: MAI VĂN BẢO)

Với quan điểm xuyên suốt “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nông nghiệp là lợi thế, nền tảng bền vững của quốc gia. Nông thôn là địa bàn phát triển kinh tế quan trọng, là nền tảng văn hóa, xã hội. Nông dân là lực lượng lao động và nguồn tài nguyên con người quan trọng”, chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nhiều điểm mới mang tính đột phá.

Sáng 17/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp báo về các nội dung quan trọng của chiến lược cũng như lộ trình thực hiện trong thời gian tới, nhằm định vị rõ hơn vai trò, sứ mệnh của nông nghiệp, nông thôn.

Khát vọng về nền nông nghiệp hàng đầu thế giới

Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Trần Công Thắng cho biết: Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 2,5 đến 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 5,5 đến 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 5 đến 6%/năm… Đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn Việt Nam không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp.

Với mục tiêu đó, chiến lược có rất nhiều điểm đổi mới mang tính đột phá quan trọng về thể chế và chính sách. Trong đó, thể hiện rõ đổi mới về tư duy, định hướng phát triển cho các ngành, các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; thể hiện rõ tính toàn diện, bao trùm liên ngành trong định hướng và giải pháp để xây dựng nền nông nghiệp bền vững theo hướng sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân trí thức, văn minh. Theo đó, sẽ chuyển đổi nông nghiệp từ việc tăng sản lượng sang nền nông nghiệp chất lượng, hiệu quả, nông nghiệp xanh, giảm khí thải, thích ứng biến đổi khí hậu; chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị, kết nối vùng miền, phát huy tối đa lợi thế địa phương. 

Về tổ chức sản xuất, lấy kinh tế hợp tác làm động lực để phát triển kinh tế hộ, gắn kết với doanh nghiệp xây dựng các chuỗi giá trị, hạn chế việc chỉ làm gia công. Đối với khu vực nông thôn, sẽ xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu hơn song song với việc phát triển công nghiệp và kinh tế phi nông nghiệp tại nông thôn để thực hiện chủ trương “ly nông bất ly hương”, tiến tới xây dựng “nền kinh tế dịch vụ” ở nông thôn. Riêng đối với đội ngũ nông dân, chiến lược nhấn mạnh và nâng cao vai trò, vị trí chủ thể của người nông dân, khẳng định việc trao quyền cho người dân để họ trở thành lực lượng chính trong phát triển kinh tế-xã hội; từng bước hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp. Đồng thời có chính sách hỗ trợ để nông dân tại các vùng chuyên canh tham gia các chương trình đào tạo có chứng chỉ để sản xuất sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu mới của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tập trung nguồn lực cho “tam nông”

Trao đổi về những kỳ vọng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ chiến lược này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết: “Chiến lược kỳ vọng được lan tỏa để định vị đúng lại trong tâm thức lãnh đạo, người dân về vai trò, vị trí, sứ mệnh của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thực tế, tăng trưởng của nông nghiệp không thể nhanh, mạnh như tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nhưng chúng ta đừng nhìn vào con số mà xem nhẹ nó bởi dù con số nhỏ nhưng lại có vai trò, vị trí to lớn trong việc bình ổn xã hội vì hơn 60% dân số Việt Nam đang là nông dân và ở nông thôn. Chỉ khi định vị đúng vai trò, sứ mệnh nông nghiệp thì mới có thể tập trung phát triển; còn khi không quan tâm thì tất cả các nguồn lực sẽ chuyển sang khu vực khác. Hiện tượng dòng người từ nông thôn bỏ ruộng vườn đi làm ăn ở Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh…, rồi khi dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát thì đã diễn ra tình trạng một dòng người quay trở về nông thôn. Dòng người này có thể ở lại nông thôn, làm ăn và phát triển kinh tế nông nghiệp nhưng cũng có thể hết dịch, họ sẽ trở lại các thành phố lớn. Nếu không định vị lại được vị trí, vai trò, sứ mệnh của nông nghiệp, nông thôn thì vô hình trung chúng ta lại đẩy dòng người hồi hương này ra đi. Vì vậy, thông qua chiến lược, tôi cũng mong muốn các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế cần cân nhắc, tập trung nhiều nguồn lực hơn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.

Trên tinh thần đó, để hiện thực hóa chiến lược phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, trước hết phải thống nhất từ nhận thức đến hành động và sự vào cuộc chủ động, tích cực, quyết liệt từ Chính phủ, các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Ông Trần Công Thắng nhấn mạnh: Để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, các chính sách về sử dụng đất đai sẽ cần được sửa đổi linh hoạt, phát triển thị trường giao dịch, thúc đẩy tập trung đất đai. Về tín dụng, sẽ phát triển tín dụng chính thức cho doanh nghiệp, hợp tác xã; tín dụng theo chuỗi ngành hàng. Bên cạnh đó, đặc biệt chú trọng đầu tư hạ tầng thương mại như: xây dựng hệ thống chợ, trung tâm đầu mối; hạ tầng logistics: cầu cảng, trung tâm kết nối vùng, giao thông kết nối vùng chuyên canh. Đồng thời hình thành hệ thống các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành hàng chiến lược, liên kết với nông dân thông qua kinh tế hợp tác. Trong giai đoạn mới, muốn nâng cao quy mô sản xuất, vị thế của người nông dân thì bắt buộc phải hợp tác. Với nông dân thì kinh tế hợp tác, tổ hợp tác, các câu lạc bộ… là mô hình tốt đã được khẳng định, cần thúc đẩy phát triển hơn. Việc phát triển theo chuỗi liên kết không chỉ với ngành hàng chủ lực mà kể cả ngành hàng nhỏ có lợi thế của địa phương cũng chuyển theo hướng từ sản lượng sang chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đang đứng trước những thời cơ mới để đổi mới, phát triển toàn diện và ấn tượng theo hướng tiếp cận dòng chảy, xu thế tiêu dùng của nền kinh tế toàn cầu, xu thế tiêu dùng xanh của thế giới. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, chúng ta cứ cân nhắc quá nhiều về cái giá phải trả khi thay đổi, mà quên tính đến cái giá phải trả khi chúng ta không thay đổi, chúng ta không làm gì. Thay đổi trong nông nghiệp cũng vậy, bây giờ, không còn sức ép bên trong, mà là sức ép toàn cầu. “Ngoài kia gió đang thổi, mỗi người trong chúng ta không chấp nhận đứng yên, dừng lại, rồi bị xô ngã. Ngoài kia gió đang thổi, mỗi người chúng ta chủ động mượn sức gió để đi xa, bay cao. Ngoài kia gió đang thổi, mỗi người, mỗi tổ chức, đơn vị cần mạnh dạn đề xuất những ý tưởng mới, sáng kiến mới, thí điểm triển khai những mô hình mới”- mong muốn đó của Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng thể hiện quyết tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong nỗ lực chung nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để nông thôn Việt Nam “mới” hơn, phát triển hơn; để nông dân thật sự chuyên nghiệp trong sản xuất và kinh doanh; để nông nghiệp thật sự trở thành một nghề - nghề “nuôi cái ăn chung” cho cả nước và cũng là nghề làm giàu cho đất nước hôm nay.

 

Định vị vai trò, sứ mệnh của nông nghiệp, nông thôn -0

 Xuất khẩu quả vải vào thị trường Mỹ đem lại giá trị gia tăng cao. (Ảnh: MINH ANH)

 

Theo baonhandan.vn