VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Cách mạng công nghiệp 4.0

Nâng tầm nhân lực công nghệ cao: Kỳ 2 - Đào tạo cần đáp ứng chuẩn mực quốc tế

24/01/2022 - 177 Lượt xem

 

(Chinhphu.vn) - Theo PGS. TS. Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM, muốn phát triển nguồn nhân lực CNC, bước đầu tiên cần làm ngay là đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo theo hướng liên ngành và đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.

 

Nâng tầm nhân lực công nghệ cao: Kỳ 2 - Đào tạo cần đáp ứng chuẩn mực quốc tế - Ảnh 1.

Công ty TMA Solutions đầu tư khá nhiều kinh phí cho việc đào tạo bổ sung nguồn nhân lực công nghệ cao. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Sự kết hợp của "hai nhà"

Là công ty phần mềm hàng đầu Việt Nam, đến thời điển hiện tại TMA Solutions có gần 3.000 kỹ sư công nghệ thông tin và viễn thông. Đây là đội ngũ được chọn lọc từ các trường đại học trong và ngoài nước trong 24 năm qua, sau đó được đào tạo chuyên sâu về công nghệ, kỹ năng mềm, quy trình chất lượng và quản lý dự án. Đội ngũ này cũng được thử thách trong các dự án công nghệ cao (CNC) lớn và phức tạp với các tập đoàn hàng đầu thế giới tại gần 30 quốc gia. Từ năm 2002, công ty này thành lập trung tâm đào tạo nội bộ và cung cấp hàng trăm khóa học mỗi năm cho các nhân viên với mức chi phí khá cao.

Theo Phó Tổng Giám đốc TMA Solutions Trần Phúc Hồng, công ty ông không phải "đào tạo lại" mà là "đào tạo bổ sung" cho nhu cầu cụ thể của phía doanh nghiệp. Để tăng chất lượng các kỹ sư mới ra trường, hiện TMA Solutions đang hợp tác với gần 50 trường đại học trong và ngoài nước về đào tạo và nghiên cứu khoa học với trên 500 sinh viên thực tập mỗi năm.

Ông Hồng cho rằng, để đạt mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa thì trước tiên, nguồn nhân lực lĩnh vực công nghệ tại nước ta phải tăng mạnh về số lượng và chất lượng. Nếu Việt Nam muốn trở thành một trung tâm CNC và đổi mới sáng tạo ở Đông Nam Á, châu Á thì nguồn nhân lực phải dồi dào, không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu trong nước mà còn có khả năng cung cấp cho thị trường thế giới.

"Chúng ta cần hướng nghiệp và giới thiệu công nghệ ngay từ phổ thông để giúp các em học sinh sớm tiếp cận khoa học kỹ thuật, yêu thích công nghệ và chọn ngành nghề phù hợp. Đào tạo đại học cần toàn diện hơn để các sinh viên có trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành, tính chuyên nghiệp và kỷ luật. Hệ thống giáo dục Việt Nam cần tăng số lượng các chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học nước ngoài để tăng số lượng nhân lực đạt chuẩn quốc tế. Đồng thời chúng ta cần thu hút các chuyên gia Việt kiều cho các chương trình đào tạo và chuyển giao công nghệ", Phó Tổng Giám đốc TMA Solutions cho biết quan điểm cần để có được đội ngũ nhân lực chất lượng.

Trong khi đó, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM cho rằng đã đến lúc phải tổng rà soát các cơ sở giáo dục đào tạo xem có đạt được những tiêu chuẩn, chất lượng như đã cam kết. Nếu chưa thì ngành giáo dục - đào tạo phải quyết liệt sắp xếp lại sao cho chất lượng nguồn nhân lực thực sự đồng đều. Cùng với đó phải xác định các "đầu tàu" đào tạo đủ sức hỗ trợ kéo chất lượng các trường tốp sau lên chứ các trường không thể "tự bơi" mãi. Muốn vậy, hệ thống giáo dục - đào tạo phải được sự hỗ trợ của nhà nước vì bản thân các trường phục vụ cho chính mình đã mệt, giờ yêu cầu họ làm thêm nhiều hoạt động khác thì áp lực rất lớn.

Công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cần chuẩn mực và rõ ràng hơn, đồng thời phải dự báo cho người lao động thấy được xu hướng ngành nghề chứ không phải dành phần lớn thời lượng các chương trình tư vấn, hướng nghiệp cho các trường nói về… thế mạnh của mình. Các cơ sở giáo dục-đào tạo có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, từ đó người học có những phân tích, so sánh biết nên chọn ngành nào. "Doanh nghiệp ngày nay đã thấy rõ trách nhiệm của mình trong sự đồng hành cùng các trường, thế nhưng, họ vẫn cần nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa. Đặc biệt, nếu được giảm ngay thuế cho những dịch vụ, hoạt động liên quan đến công tác đào tạo nguồn nhân lực CNC thì chắc chắn họ sẽ tham gia tích cực hơn, mạnh mẽ hơn. Chúng ta tận dụng lợi thế trong việc ứng dụng công nghệ mới, cùng với đó là các chính sách kích thích cho phía nhà trường và doanh nghiệp, như vậy, chất lượng nguồn nhân lực CNC sẽ sớm được nâng cấp, tăng tính cạnh tranh", ông Long cho biết.

 

Nâng tầm nhân lực công nghệ cao: Kỳ 2 - Đào tạo cần đáp ứng chuẩn mực quốc tế - Ảnh 2.

Cần sự chung tay giữa nhà trường và doanh nghiệp để nâng chất đầu ra cho nhân lực công nghệ cao, đảm bảo yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Nắm bắt trào lưu mới

PGS. TS. Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM nhận định, đây là giai đoạn thuận lợi nhất để nguồn nhân lực CNC tại Việt Nam tiếp cận nền khoa học công nghệ của thế giới: "Nếu chúng ta cứ đi theo con đường cũ, cứ đợi nước ngoài làm rồi mình lẳng lặng theo sau thì không bao giờ trở thành người dẫn đầu được. Cách mạng số cho phép chúng ta nắm bắt những trào lưu mới và lập tức đi tiên phong vào. Chính việc chuyển đổi số sẽ giúp nguồn nhân lực CNC của Việt Nam theo kịp thế giới với điều kiện chúng ta có định hướng tốt. Trí tuệ nhân tạo, Blockchain, Máy học, Dữ liệu lớn… với những lĩnh vực này chúng ta hoàn toàn theo kịp thời đại. Tuy nhiên, muốn theo kịp, chúng ta phải có chiến lược rõ ràng: Đó là sự đầu tư về con người và tiền bạc".

Cũng theo ông Dũng, nếu Việt Nam tiếp tục thiếu những chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này để định hướng và giảng dạy cho sinh viên trong các trường đại học thì không thể nào nắm bắt hay theo kịp công nghệ mới. Hiện nay, nguồn chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là các Việt kiều làm việc cho các tập đoàn công nghệ lớn rất nhiều, các trường, các doanh nghiệp trong nước có thể thu hút họ về Việt Nam giảng dạy trong thời gian ngắn. Các trường tùy điều kiện nên cử giảng viên ra nước ngoài học tập về công nghệ mới để kịp thời cập nhật trong chương trình giảng dạy hiện hành. Ngoài ra, cần có đầu vào tốt tại các trường đại học đối với lĩnh vực CNC, cụ thể là các chương trình đào tạo nhân tài. Khi có nguồn nhân lực rồi thì kế đó phải đầu tư về trang thiết bị, phòng thí nghiệm, cái này có thể đẩy mạnh xã hội hóa để kéo giảm chi phí, tăng tương tác với doanh nghiệp. Và quan trọng nhất, cơ chế chính sách phải có để thu hút người tài, khuyến khích họ làm ra tiền từ chất xám và sáng tạo công nghệ.

PGS. TS. Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM cho rằng, hiện nay có 3 thách thức lớn khi thực hiện chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực. Thứ nhất là tốc độ thay đổi công nghệ theo số mũ, không còn theo tuyến tính như trước. Thứ hai là xuất hiện hình thức giao tiếp mới với sự trợ giúp của công nghệ tiên tiến, như công nghệ 5G, giao tiếp mạng xã hội. Thứ ba là xuất hiện câu hỏi mới như ảnh hưởng của con người trong quá trình phát triển công nghệ. Những thách thức kể trên đặt ra các vấn đề lớn đòi hỏi một quy trình  đồng bộ hơn. Trước hết, muốn phát triển nguồn nhân lực CNC, cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong đào tạo, liên kết.  Một mô hình hợp tác lý tưởng cho lĩnh vực này sẽ gồm 6 thành phần: đào tạo, nghiên cứu, trung tâm khởi nghiệp, trung tâm thử nghiệm, trung tâm dữ liệu, kiểm định - đánh giá.

Theo Giám đốc ĐHQG TPHCM, bước đầu tiên cần làm ngay là đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo theo hướng liên ngành và đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Các trường phải biết cách tận dụng công nghệ số trong giảng dạy. Cùng với đó là việc nâng chất, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên, đặc biệt là những vấn đề về công nghệ thông tin, tiếng Anh, quy trình tiếp cận kiến thức mới nhất. Muốn vậy, hệ thống cơ sở vật chất phải đảm bảo được tính thực hành, thực tiễn của người học. Thế nhưng, mấu chốt vẫn là phát huy mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần có thêm các đơn đạt hàng đào tạo giúp các trường không đi quá xa nhu cầu thực tế. Và bản thân các trường cũng phải biết lắng nghe, thay đổi, không thể cứ dạy mãi những cái cho là "thế mạnh" của mình mà chưa chú trọng đến nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động.

Thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, hiện có khoảng 51% nhân lực làm công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đang làm việc trong các cơ sở giáo dục đại học, tương đương 90.000 người. Các chính sách khuyến khích sự hình thành và phát triển của các nhóm nghiên cứu mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đối với số lượng lớn các nhà khoa học có trình độ cao. Nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao có vai trò quyết định đối với sự phát triển của công nghệ. Với nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao như hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng chỉ tập trung đào tạo, bồi dưỡng là không đủ mà chúng ta cần có cơ chế, chính sách thu hút các nhà khoa học giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài, thậm chí các nhà khoa học nước ngoài tham gia vào quá trình này./.

 

Theo báo tphcm.chinhphu.vn