Cách mạng công nghiệp 4.0
Nâng tầm nhân lực công nghệ cao: Kỳ 1 - Vẫn là bài toán khó
24/01/2022 - 178 Lượt xem
(Chinhphu.vn) - Đánh giá mặt bằng chung của nguồn nhân lực công nghệ cao (CNC) hiện nay, đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng chất lượng của lực lượng quan trọng này đã phát triển nhiều so với 5-10 năm về trước. Thế nhưng, để so sánh với khu vực và thế giới, vẫn còn độ vênh khá lớn đòi hỏi những chiến lược dài hơi.
Thiếu sự tập trung
Quay trở lại Việt Nam từ đầu năm 2020 sau nhiều năm công tác tại Google và dẫn dắt doanh nghiệp chuyên về blockchain, ông Huy Nguyễn (Giám đốc công nghệ, đồng sáng lập Công ty KardiaChain) đã có trong tay khá nhiều nhân sự lành nghề. Ông đánh giá cao về sự năng động, nhiệt tình và ham học hỏi của đội ngũ nhân sự trẻ. Thế nhưng, nhìn nhận khách quan, giám đốc Huy Nguyễn cho rằng phần lớn nhân sự trẻ trong lĩnh vực CNC nói chung hiện nay vẫn thiếu sự tập trung cần thiết nên năng suất không tương xứng với công sức bỏ ra. Một người trẻ làm việc trong lĩnh vực công nghệ thường thích chọn cùng lúc 2-3 công việc để tăng thu nhập. Chính điều này khiến năng lực của họ dàn trải, thiếu độ sâu cần có. Khi bị áp lực thời gian chi phối, rất khó có chỗ cho sự sáng tạo, thăng hoa. Mà những ý tưởng mới trong thế giới công nghệ rất cần sự sáng tạo, đột phá, khác biệt. Theo ông Huy, thời gian qua, Việt Nam mạnh về gia công công nghệ cũng không khó hiểu vì khi gia công, các vấn đề chuyên sâu đã có người khác lo và giải thích quy trình, mọi thứ còn lại khá nhẹ nhàng. Thế nhưng, nếu cứ mãi gia công, chúng ta sẽ không đủ sâu để tách các bí quyết, đi vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới.
Cái thiếu thứ hai mà ông Huy cảm nhận được từ đội ngũ nhân sự trẻ là quy trình hoạt động bài bản. Một số người không đặt mình vào vị trí "chủ nhân của sản phẩm" nên thiếu sự tỉ mỉ và tinh thần trách nhiệm đủ sâu với những khó khăn phát sinh. "Làm sao để thay đổi, tập trung vào chuyên sâu? Theo tôi, giáo dục trong trường là chưa đủ mà cần thêm những kênh bỗ trợ khác. Thực sự, chúng ta đang thiếu những chuyên gia chuyên sâu về các lĩnh vực, trong đó có CNC. Chúng ta đang có rất nhiều chuyên gia "cái gì cũng biết một chút". Nhiều trường đại học thiếu những trung tâm chuyên sâu về thực tiễn trong khi tập trung vào lý thuyết quá nhiều. Nhiều giảng viên cũng chưa thực sự chuyên sâu, chưa cọ xát thực tiễn nhiều. Đáng ra, những trường đại học lớn phải là "bộ não" chứ không phải chỉ trên giấy, lý thuyết. Các giáo sư của các trường đại học lớn tại Mỹ, ngoài chuyện là những chuyên gia hàng đầu thế giới, đạt nhiều giải thưởng lớn, họ còn là cố vấn cho các công ty hàng đầu", ông Huy Nguyễn chia sẻ thêm.
Theo thống kê của TopDev - nền tảng tuyển dụng chuyên về ngành công nghệ hàng đầu ở Việt Nam - hiện nay Việt Nam thiếu khoảng 20.000 nhân lực trong ngành Công nghệ thông tin. Thế nhưng, chẳng phải thị trường "khát" lao động mà thực tế cho thấy chỉ khoảng 30% trong tổng số hơn 55.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm đáp ứng được những kỹ năng và chuyên môn mà doanh nghiệp cần. Các chuyên gia cho rằng, việc thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ cao có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn do chưa cân bằng được bài toán chất lượng. Theo bà Nguyễn Thị Điệp, Giám đốc nghiệp vụ Công ty DIGI-TEXX, thêm một cái khó khác mà nhiều doanh nghiệp CNC hiện nay đang đối mặt chính là "lọc ảo" nguồn nhân sự đầu vào. Có tình trạng lao động thổi giá cao, tức năng lực không tương xứng với mức lương đề ra khiến nhiều công ty phải mất thời gian chọn lựa.
Là doanh nghiệp thường xuyên làm việc với các đối tác nước ngoài, do đó, nguồn nhân lực tại DIGI-TEXX đòi hỏi nhiều yếu tố như: Kỹ thuật vững, chuyên môn cao, thông thạo nhiều ngoại ngữ, có nhiều kỹ năng mềm cần thiết như giao tiếp, đàm phán, thích ứng môi trường mới… Vậy nên, với những nhân viên chưa có kinh nghiệm hoặc thiếu kỹ năng, đơn vị này sẽ tổ chức các khóa học trực tuyến/trực tiếp hoặc đào tạo tại chỗ để đào tạo lại, trang bị thêm kiến thức. Việc sử dụng nguồn lực nội bộ để đào tạo nhân viên mới là hướng mà doanh nghiệp này đã và đang triển khai để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả.
Phải biết tận dụng thế mạnh
Nói về khoảng cách giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung cho rằng đây là tình hình chung của các quốc gia chứ không riêng gì Việt Nam. Vấn đề còn lại là chính sách của Nhà nước để hai bên đến gần với nhau. Còn chuyện tái đào tạo, đào tạo mới là "rất bình thường". Do vậy, các doanh nghiệp cần coi đó là trách nhiệm xã hội và là một phần trong hoạt động của họ. Xét cho cùng, nhà trường chỉ có thể cung cấp cho người học phần nền tảng cơ bản chứ không thể đem những gì mới nhất vào đào tạo được. Trách nhiệm của doanh nghiệp là cập nhật cho người lao động các điểm mới để phục vụ cho chính họ.
Muốn nâng chất lượng nguồn nhân lực CNC cần sớm có những biện pháp để tạo ra nguồn kỹ sư công nghệ thông tin vừa dồi dào về số lượng, vừa đảm bảo về chất lượng mà giá thành lại cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Và bài toán chất lượng chỉ được giải khi có hệ thống chính sách khuyến khích từ Nhà nước. "Làm sao để thu hút người ta vào những ngành công nghệ nhiều hơn. Muốn làm việc này phải có định biên, chỉ tiêu như cơ sở vật chất nhà trường phải được phát triển, đội ngũ giảng viên phải được đáp ứng theo một tỉ lệ nhất định, phải có cơ chế hỗ trợ… Những cái đó mới giúp các cơ sở đào tạo phát triển nhanh được và từ đó mới gắn với doanh nghiệp nhiều hơn", ông Long phân tích thêm.
Theo ông Long, Việt Nam chỉ có con đường duy nhất là tiến lên theo sự phát triển của công nghệ, trong đó tập trung vào vào những ngành tương lai như Trí tuệ nhận tạo, Lập trình nhúng… Chính Công viên phần mềm Quang Trung cũng đã, đang và sẽ tiếp tục chuyển đổi từ mô hình chuyên cung cấp hạ tầng sang cung cấp dịch vụ công nghệ với sự góp mặt của hơn 160 doanh nghiệp phần mềm và công nghệ thông tin. Năm năm trở lại đây, Công viên phần mềm Quang Trung có những công trình liên kết tạo thành hệ sinh thái để các doanh nghiệp cùng nhau nghiên cứu, phát triển sản phẩm như: Khu Ứng dụng Công nghệ thông tin cho nông nghiệp, Trung tâm Đào tạo STEAM, Khu nghiên cứu & phát triển R&D Labs… Nhờ sự chủ động thay đổi này mà số sản phẩm công nghệ đã tăng gần ba lần so với giai đoạn trước, nhiều sản phẩm "Make in QTSC" đã ra thị trường thế giới, tham gia vào hệ thống chuỗi cung ứng.
Về đường dài, ông Long cho rằng lý tưởng nhất vẫn là một tỉnh có một khu công nghệ số, đóng vai trò vừa chuyển giao, hấp thu công nghệ, vừa làm dịch vụ và thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số của địa bàn. Điều này cần được ưu tiên và chính sách cho những khu này phải thực sự mạnh. Bên cạnh đó, việc cần làm trong thời điểm hiện tại là tìm mọi cách quyết liệt nhất để tạo ra những doanh nghiệp công nghệ tầm vóc của Việt Nam. Ông Long đào sâu vấn đề: "Nếu chúng ta không tự tạo ra thì chắc chắn nước ngoài sẽ nhảy vào. Đó là chuyện đương nhiên. Vì vậy, bằng mọi giá chúng ta phải tạo ra những "con chim đầu đàn" về công nghệ và đầu đàn trong từng lĩnh vực, đủ khả năng nói chuyện sòng phẳng với quốc tế. Cái này rất cần sự chung tay của Nhà nước chứ một mình doanh nghiệp sẽ không làm nổi. Phải có sứ mệnh mới. Chúng ta nói rất nhiều về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thì bây giờ cần tập trung thực thi càng nhiều càng tốt. Chính sách của chúng ta luôn đúng nhưng thực thi là khâu yếu nên cần thực thi nhiều hơn rồi tiến tới đánh giá. Đôi lúc chúng ta phải chấp nhận những cái sai để mở ra cái mới chứ nếu trong bối cảnh hiện nay mà làm gì cũng sợ thì không làm được".
Cùng suy nghĩ, Giám đốc Công nghệ KardiaChain Huy Nguyễn cho rằng muốn sớm tiếp cận nền công nghệ thế giới, Việt Nam cần có những công ty vươn tầm quốc tế, mang được những tài năng công nghệ ở nước ngoài về nước. "Mình phải có những ứng dụng công nghệ hoặc công ty đi đầu thành công, tạo ra sự khác biệt lớn, từ đó tiếp tục tạo ra những tiền đề. Muốn thành công trong lĩnh vực công nghệ hiện nay, chúng ta nên đi vào những lĩnh vực thế giới chưa có nhiều thành công, những mảnh đất công nghệ mới cần được khai phá. Đó chính là cơ hội lớn, là "blue ocean" cho tất cả mọi người. Nếu chúng ta tiếp tục tiếp cận công nghệ theo cách cũ thì mãi chỉ là người đi sau trên thị trường. Khi nào doanh nghiệp Việt có những bài toán "Nếu mình không giải thì không ai giải" thì chúng ta sẽ phát huy tốt thế mạnh hiện có của mình"./.
>> Kỳ 2 - Đào tạo cần đáp ứng chuẩn mực quốc tế
Theo báo tphcm.chinhphu.vn