VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Hội nhập kinh tế quốc tế

Tìm giải pháp cho những thách thức chung trong nông nghiệp châu Á

24/01/2022 - 306 Lượt xem

 

(Chinhphu.vn) - Ngày 20/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đồng tổ chức Hội thảo tham vấn quốc gia xem xét và hoàn thiện các tài liệu kỹ thuật sẽ được thảo luận trong Hội nghị khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APRC) lần thứ 36 của FAO.

 

Đối diện những thách thức chung trong nông nghiệp châu Á - Ảnh 1.

FAO cam kết thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp và sử dụng các giải pháp đổi mới để chấm dứt nạn đói và cải thiện chất lượng cuộc sống tại châu Á và Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam

Đại diện FAO tại Việt Nam cho biết, APRC là nơi các Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và các quan chức cấp cao khác từ tất cả các quốc gia thành viên của khu vực châu Á-Thái Bình Dương gặp gỡ để thảo luận về những thách thức liên quan đến lương thực và nông nghiệp, từ đó thúc đẩy sự gắn kết trong khu vực. Được tổ chức hai năm một lần, APRC đưa ra các khuyến nghị, định hướng các hoạt động của FAO tại các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả Việt Nam và cung cấp thêm định hướng cho hội nghị toàn cầu của FAO tại Rome vào tháng 6/2023.

Tại buổi tham vấn quốc gia ngày hôm nay, có ba vấn đề chính được trình bày và cùng đưa ra thảo luận.

Thứ nhất là Chương trình Một sức khỏe tập trung chủ yếu vào bệnh truyền lây từ động vật sang người, kháng kháng sinh và an toàn thực phẩm. Do tác động của đại dịch COVID-19, nhân loại ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của quản lý tài nguyên thiên nhiên, động vật hoang dã và môi trường đối với chương trình Một sức khỏe. Mọi hình thức suy thoái môi trường đều gây ra những hậu quả tiêu cực trực tiếp hoặc gián tiếp đối với sức khỏe con người và động vật.

Từ kết luận này, Bộ NN&PTNT và FAO mong muốn thu thập thông tin từ các đại biểu về nhu cầu đào tạo và phát triển năng lực; các lĩnh vực ưu tiên mà FAO cần chú trọng như một phần của Chương trình Một sức khỏe.

Thứ hai là việc hành động thúc đẩy hệ thống lương thực thực phẩm xanh và chống chịu khí hậu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Những tác động của biến đổi khí hậu liên tục gia tăng đáng kể và lớn hơn nhiều so với dự báo. 

Thứ ba là việc mở rộng quy mô số hóa bao trùm trong chuỗi giá trị nông nghiệp. FAO cam kết thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp và sử dụng các giải pháp đổi mới để chấm dứt nạn đói và cải thiện chất lượng cuộc sống tại châu Á và Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam. Số hóa mang lại tiềm năng to lớn để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của các chuỗi giá trị, đồng thời đạt được các mục tiêu phát triển bền vững như: Giảm nghèo; không còn nạn đói; hành động vì khí hậu.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số cũng bộc lộ một số rủi ro như mất cơ hội việc làm và các quan ngại về quản trị dữ liệu. Các đại biểu được đề nghị chia sẻ thông tin về cách FAO có thể hỗ trợ các nước thành viên như Việt Nam một cách tốt nhất trong việc thúc đẩy chuyển đổi số bao trùm và bền vững trong các chuỗi giá trị nông sản và thực phẩm.

Tại Hội thảo tham vấn, ông Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã trình bày dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi sang Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam, giai đoạn 2021-2030.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NN&PTNT cho biết: "Chính phủ Việt Nam đặc biệt coi trọng và cam kết thực hiện việc chuyển đổi và phát triển Hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam minh bạch - trách nhiệm - bền vững trong bối cảnh bình thường mới. Ba tài liệu kỹ thuật tham vấn của FAO rất phù hợp với các ưu tiên của Việt Nam trong việc chuyển đổi và phát triển Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch - trách nhiệm và bền vững".

Các Bộ trưởng và đại biểu của hơn 40 quốc gia thành viên trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, sẽ tham gia APRC lần thứ 36 do Bangladesh đăng cai tổ chức tại Dhaka từ ngày 8 đến ngày 11/3/2022.

 

Theo baochinhphu.vn