Giá trị các thương vụ mua bán và sáp nhập toàn cầu tăng cao kỷ lục
23/12/2021
- 507 Lượt xem
Lần đầu tiên giá trị của các hoạt động M&A trên toàn cầu đã vượt mốc 5 nghìn tỷ USD. (Ảnh minh họa: Reuters)
Bất chấp đại dịch Covid-19, tổng giá trị từ các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) toàn cầu trong năm 2021 đã đạt 5,63 nghìn tỷ USD, mức cao nhất mọi thời đại, xô đổ mốc kỷ lục cũ cách đây gần 15 năm.
Theo số liệu từ nền tảng dịch vụ tài chính Dealogic, tính đến ngày 16/12, tổng giá trị các thương vụ M&A trên toàn thế giới đạt 5,63 nghìn tỷ USD, tăng 63% so với mức kỷ lục trước đó là 4,42 nghìn tỷ USD, được thiết lập trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2007.
Mảng công nghệ và chăm sóc sức khỏe tiếp tục chiếm thị phần lớn nhất của thị trường M&A trong năm 2021, một phần do nhu cầu tăng cao sau khi các hoạt động M&A giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm gần nhất vào năm ngoái, chủ yếu do khủng hoảng tài chính toàn cầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Cũng theo Dealogic, tổng khối lượng giao dịch M&A ở Mỹ đã tăng gần gấp đôi trong năm, lên mức 2,61 nghìn tỷ USD, trong khi hoạt động M&A ở châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương cũng tăng mạnh, lần lượt đạt 1,26 nghìn tỷ USD (tăng 47%) và 1,27 nghìn tỷ USD (tăng 37%).
Một số giao dịch lớn trong năm có thể kể đến thỏa thuận sáp nhập trị giá 43 tỷ USD giữa 2 tập đoàn AT&T và Discovery, cùng thương vụ Blackstone, Carlyle và Hellman & Friedman mua lại hãng sản xuất và phân phối thiết bị y tế Medline Industries trị giá 34 tỷ USD.
Cả 2 thương vụ trên đều được công bố hồi nửa đầu năm nay, song hoạt động M&A vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt trong nửa cuối năm, cho thấy nguồn vốn trên thị trường đang khá dồi dào.
Lý giải cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động M&A, ông Chris Roop, giám đốc mảng M&A khu vực Bắc Mỹ của ngân hàng JPMorgan cho biết, tình hình tài chính doanh nghiệp đang rất “khỏe mạnh”, khi được hưởng lợi từ 2.000 tỷ USD vốn tiền mặt chỉ riêng ở Mỹ, cùng với đó là khả năng tiếp cận nguồn vốn dễ dàng với lãi suất ở mức thấp kỷ lục.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, kết quả lợi nhuận doanh nghiệp khả quan và triển vọng kinh tế về tổng thể vẫn có nhiều gam màu tươi sáng đang giúp giới lãnh đạo doanh nghiệp tự tin theo đuổi các thương vụ lớn, mang tính chuyển đổi cao, bất chấp những rủi ro tiềm ẩn như áp lực lạm phát.
Ông Tom Miles, người đứng đầu mảng M&A khu vực châu Mỹ của ngân hàng Morgan Stanley, nhận định các thị trường chứng khoán hoạt động mạnh mẽ là động lực chính cho các thương vụ M&A. Giá cổ phiếu cao tương ứng với triển vọng kinh tế tích cực và niềm tin của giới lãnh đạo doanh nghiệp cũng cao.
Theo các chuyên gia, bất chấp đại dịch Covid-19 và các rủi ro từ lạm phát, năm 2022 vẫn mang lại nhiều cơ hội cho các hoạt động M&A, khi thị trường cho các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) gần đây đã mở cửa trở lại.