Ba đột phá trong chiến lược phát triển
5G - nhân tố đột phá cho kinh tế Việt Nam
14/12/2021 - 241 Lượt xem
Động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược thông tin và truyền thông, tỷ lệ đóng góp của 5G vào tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo đạt 7,34% vào năm 2025. Chính vì vậy, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 đã rất nhiều lần nhắc tới chuyển đổi số, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số, chính phủ số…
“Làn sóng phát triển kinh tế - xã hội tiếp theo của Việt Nam sẽ đến từ đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, được thúc đẩy bởi nền kinh tế số, thông qua dữ liệu”, ông Denis Brunetti, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào nhận định.
Còn bà Mary Hallward-Driemeier, cố vấn kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, nền kinh tế số là công cụ hướng tới tăng khả năng cạnh tranh và phục hồi sau Covid-19, Việt Nam cần đặt ra mục tiêu tham vọng cho nền kinh tế số là 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
“Việt Nam cần một khung khổ về chính sách cạnh tranh và sáng tạo để thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới, năng lực chuyển đổi số. Hiện là thời điểm lý tưởng để thực hiện quyết liệt công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam”, bà Driemeier chia sẻ.
Tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số” mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội là cách mạng công nghiệp 4.0 và đổi mới sáng tạo. Để phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, cần có chiến lược phát triển hạ hầng, trong đó có hạ tầng chuyển đổi số (hạ tầng viễn thông, mạng lưới điện…), phủ sóng viễn thông tới các vùng trũng, biên giới, hải đảo. “Không có điện, không có sóng, thì không có công nghệ số, không có công dân số”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo với 5G
5G là nền tảng cho đổi mới sáng tạo, cho sự phát triển đột phá của nền kinh tế số ở mọi quốc gia. 5G sẽ phục vụ người tiêu dùng, doanh nghiệp và đưa Internet vạn vật (IoT) lên một tầm cao mới. 5G sẽ tạo ra các ngành và dịch vụ hoàn toàn mới, với dự báo tạo ra khoảng 13.100 tỷ USD và 2 triệu việc làm mới vào năm 2035.
Theo ông Denis Brunetti, các nghiên cứu của Ericsson cho thấy, các ngành sản xuất, năng lượng/tiện ích, y tế và an ninh là những ngành có cơ hội tận dụng tốt nhất các lợi ích của 5G tại Việt Nam. Khả năng số hóa của doanh nghiệp thông qua 5G sẽ nâng cao đáng kể năng suất lao động và định nghĩa lại toàn bộ hệ sinh thái số hóa.
Tại Việt Nam, Viettel đã xác định mạng 5G là nền tảng hạ tầng cho cuộc chuyển đổi số và cách mạng 4.0. Theo đó, 5G không còn là viễn thông nữa, mà là hạ tầng số cho nhà máy được tự động hoá, xe tự lái, robot hóa, nhà máy thông minh, thiết bị IoT… Viettel đang thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo các ứng dụng trên nền tảng 5G.
“Viettel đang tiên phong trong R&D và làm chủ công nghệ nền, công nghệ cốt lõi, tạo ra các sản phẩm công nghệ cao đẳng cấp quốc tế. Mục tiêu chính của chúng tôi là đưa Việt Nam sánh ngang với thế giới trong lĩnh vực chuyển đổi kỹ thuật số, R&D cho ngành công nghệ cao”, ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Viettel nhấn mạnh.
Còn VNPT cũng cho biết, công nghệ 5G đang giúp VNPT dần hiện thực hóa các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, IoT, robot... cho các thành phố thông minh, vào các lĩnh vực như y tế, giáo dục, nhà máy thông minh…
“Chuyển đổi số, 5G có vai trò rất lớn trong phục hồi kinh tế. Là doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang môi trường số, chúng tôi hiểu và sẽ đưa ra những chính sách cụ thể giúp họ phục hồi nhanh chóng, sản xuất hiệu quả hơn sau đại dịch”, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc VNPT cho biết.
Còn ông Vaibhav Saxena, nguyên đồng Chủ tịch Phòng Kinh doanh Ấn Độ tại Việt Nam nhận xét, công nghệ 5G sẽ mang lại một nền kinh tế mới, giúp đất nước tạo ra một loạt sản phẩm mới cho các thành phố thông minh và một số lĩnh vực có giá trị cao như sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm và giáo dục - đào tạo.
“Việt Nam đã có một tầm nhìn vượt trội khi trở thành nền kinh tế Internet phát triển nhanh thứ hai ở Đông Nam Á. Tốc độ phát triển này sẽ giúp đất nước đạt được những mục tiêu lớn hơn và chuyển mình thành trung tâm công nghệ trong khu vực”, ông Vaibhav Saxena nhận định.
Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận về xu hướng chuyển đổi số, vai trò của 5G đối với tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo, những cơ chế chính sách nhằm “dọn đường” cho thương mại hóa 5G, cũng như bài học kinh nghiệm từ các nước chuyển đổi số thành công.
Độc giả có thể theo dõi livestream sự kiện trên Zoom, fanpage: www.facebook.com/tinnhanhchungkhoan; phản ánh trên www.baodautu.vn, www.tinnhanhchungkhoan.vn và vir.com.vn.
Tin tức khác
Chất lượng thể chế đang ở đâu?
24/02/2014