Bài 2: Bài toán chọn - cho
Các giải pháp hỗ trợ, kích thích nền kinh tế dù không ít, song dường như vẫn đang lúng túng bởi bài toán chọn đối tượng nào, dành nguồn lực ra sao, kéo dài bao lâu, khi khó khăn trải trên diện rộng, không từ bất cứ doanh nghiệp nào. Vấn đề là, nếu chậm, sức tăng trưởng sẽ hao hụt nhiều.
Cần tiền hay cơ chế?
Cho đến thời điểm này, Tập đoàn Sơn Hà vẫn ổn, dù có thiệt hại không nhỏ.
“Chúng tôi đã trải qua đủ các cung bậc. Vào đỉnh dịch khu vực phía Nam, 2 nhà máy ở Bình Dương, Cần Thơ phải dừng. Trước đó, các nhà máy ở Bắc Ninh, Nghệ An từng phải tạm nghỉ. Nhà máy ở Hà Nội có thời gian thực hiện 3 tại chỗ…”, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà nhớ lại thời gian hơn nửa tháng trước.
Các quyết định giãn cách của hàng loạt địa phương trong cao điểm của đợt dịch thứ tư khiến Sơn Hà mất khoảng 30% doanh thu từ thị trường nội địa. Để bù đắp, Sơn Hà chọn đối sách là tăng xuất khẩu.
Tuy nhiên, việc lựa chọn này không dễ, dù điểm rơi rất tốt, đúng lúc thị trường thế giới bước vào kỳ phục hồi. Tuy nhiên, theo ông Sơn, chi phí logistics tăng rất cao, có lúc gấp hơn 10 lần so với giai đoạn trước, nên khá khó chịu khi phải lựa chọn xuất khẩu.
“Chúng tôi chọn xuất khẩu, dù biết là không có lợi nhuận. Đổi lại, chúng tôi sẽ có dòng tiền, giải được bài toán thâm hụt. Đặc biệt, sau đợt này, có thể thị phần của chúng tôi sẽ tăng vì nhiều doanh nghiệp ngần ngừ khi chi phí tăng quá cao. Giờ thì đơn hàng trở lại khá nhiều”, ông Sơn kể.
Tất nhiên, Sơn Hà có thể chọn trong bối cảnh này vì các hoạt động kinh doanh đa dạng, có thể đỡ cho nhau. Nhưng quan trọng hơn, Sơn Hà có tiềm lực tài chính và đặc biệt là quỹ tiền mặt được chuẩn bị với chiến lược “tiền mặt là vua” ngay khi đợt dịch đầu tiên xuất hiện, vào tháng 4/2020. Nhờ vậy, ngay lúc cao điểm của dịch bệnh, Công ty không phải cắt giảm lao động. Việc mở cửa trở lại hai nhà máy tại Bình Dương và Cần Thơ từ ngày 24/9 cũng thuận lợi hơn.
|
Tuy nhiên, ông Sơn thẳng thắn, cho dù tình hình đã tốt hơn, ở cả góc độ kiểm soát dịch bệnh và điều hành chính sách, song Sơn Hà vẫn trong trạng thái sẵn sàng nếu tình hình xấu kéo dài.
Rõ ràng, cơ chế chính sách rõ ràng, minh bạch, được thực thi thống nhất giúp doanh nghiệp dự liệu được tình hình có lẽ là điều mà những doanh nghiệp còn sức chịu đựng như Sơn Hà đang cần. Trong cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tuần trước, ông Sơn và nhiều doanh nhân tên tuổi đã kiến nghị các giải pháp tầm vĩ mô, trung và dài hạn, nhằm đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch...
Nhưng dòng tiền là điều các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa cần hơn cả. Ông Trần Anh Vương, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Bắc Việt nhắc đi nhắc lại vấn đề này trong bài toán phục hồi mà các doanh nghiệp đang bàn. Lúc này, doanh nghiệp chắt chiu từng đồng để chuẩn bị cho các đơn hàng mới, nhưng các giải pháp giãn, hoãn các khoản phải nộp của doanh nghiệp mà Chính phủ đang áp dụng là không đủ.
Ông Vương đã nhắc đến gói hỗ trợ lãi suất mà ông Sơn từng khuyến nghị tới Chính phủ. Cụ thể là sử dụng ngân sách nhà nước cấp tiền hoặc cho vay ưu đãi... “Ngân hàng không thể giảm lãi suất cho vay mãi được, vì còn các điều kiện an toàn của ngành, nhưng Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp bằng cấp bù lãi suất”, ông Vương phân tích.
Nhiều nước ASEAN đang áp dụng cách này. Thái Lan hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành du lịch và các ngành có liên quan để giảm lãi vay xuống 2%/năm; cơ cấu lại nợ, nhóm nợ đối với khoản vay của doanh nghiệp. Indonesia hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng và cơ cấu lại các khoản vay từ quỹ nhà nước cho doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Hơn 10 năm trước, ông Vương và nhiều doanh nghiệp đã vượt qua khủng hoảng nhờ nhận được dòng vốn rẻ từ gói kích thích kinh tế lên tới 8 tỷ USD của Việt Nam, trong đó có 17.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng.
Nhưng, bài học “doanh nghiệp đổ vỡ, kinh tế tan hoang” khi gói kích thích kinh tế bị lạm dụng cũng được ông Vương nhắc lại với sự cẩn trọng cho cả doanh nghiệp và Chính phủ.
Bài toán chọn - cho
TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đau đáu với con số chỉ 30-40% doanh nghiệp có khả năng phục hồi ngay sau giãn cách mà Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) đưa ra hồi đầu tháng 9/2021.
“Trong số 60-70% còn lại, bao nhiêu doanh nghiệp không thể trở lại, dù có hỗ trợ? Các ngành khác thì sao, vì sự phục hồi không ngành nào giống ngành nào? Doanh nghiệp quy mô lớn cần gì, quy mô nhỏ cần gì? Các chính sách hỗ trợ phục hồi cần rõ đối tượng, chứ không thể chung chung”, ông Thiên nói.
Thực ra, năm ngoái, khi các đợt dịch đầu tiên xuất hiện, đề nghị hỗ trợ theo nhóm ngành, phân loại quy mô doanh nghiệp đã được đặt ra. Nhưng nhìn lại, các chính sách hỗ trợ gần như rải đều cho doanh nghiệp, như cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, giãn thời gian nộp thuế, phí... Tuy nhiên, lần này, nền kinh tế đang suy yếu, không đủ sức cứu toàn bộ doanh nghiệp.
“Tôi chia sẻ áp lực của các nhà hoạch định chính sách, vì doanh nghiệp nào cũng cần đứng dậy. Với nguồn lực có hạn, Chính phủ phải chọn, dành ưu tiên cho các doanh nghiệp phục hồi nhanh, nhóm doanh nghiệp gắn kết các chuỗi đang đứt gãy và các doanh nghiệp có tác động lan tỏa tới sự đứng dậy của ngành, chuỗi sản xuất, dịch vụ....”, ông Thiên thẳng thắn.
Với tư duy này, việc hỗ trợ doanh nghiệp lớn sẽ được nhìn nhận là hỗ trợ các đầu kéo, các động lực của ngành, chứ không đơn thuần là cứu doanh nghiệp có tên cụ thể nào đó. Nhưng để xác định được điểm cần kích hoạt mà không rơi vào vòng xoáy đạo đức, theo cách nói của ông Thiên, thì cần có sự tham gia rất trách nhiệm của các hiệp hội ngành hàng trong xác định doanh nghiệp đầu đàn, nhận diện thực trạng sức khỏe doanh nghiệp, cũng như đề xuất nhu cầu cụ thể. Khi đó, sẽ có nhóm doanh nghiệp cần bơm máu trực tiếp qua giải pháp hỗ trợ lãi suất; có nhóm cần hỗ trợ thủ tục đầu tư, xây dựng; có nhóm cần kích cầu mua sắm, kết nối thị trường, thúc đầu tư công; hay có lĩnh vực chỉ cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin...
“Trong tình thế cấp bách, Chính phủ phải sử dụng hết thẩm quyền của mình, sử dụng hết cỡ ‘thượng phương bảo kiếm’ mà Quốc hội đã trao. Lúc này, có thể sử dụng các quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ dự phòng tài chính để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Không thể để vì vướng quy định, quy trình mà không kịp hỗ trợ doanh nghiệp. Lúc này, các chỉ số kinh tế vĩ mô đang khá tốt, đủ dư địa cho các quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ hơn”, ông Thiên khuyến nghị.
Tất nhiên, các khoản vay của doanh nghiệp sẽ phải do ngân hàng kiểm soát, nhưng ông Thiên cũng nói, các quy định cần đủ chặt chẽ, an toàn, nhưng đừng nghiệt ngã quá, để doanh nghiệp có thể tiếp cận, thêm sức đứng dậy.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã có hình dung khá cụ thể về sự lựa chọn. Theo đó, chương trình tín dụng đặc biệt, hỗ trợ lãi suất dành cho nhóm doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng không và du lịch. Giải pháp chuyển lỗ về trước bằng cách hạch toán lỗ kinh doanh ròng phát sinh trong năm tài chính 2020, 2021 vào thu nhập tính thuế doanh nghiệp được báo cáo trong năm 2018, 2019 có thể áp dụng với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp du lịch...
Các cơ sở lưu trú du lịch, kho bảo quản, cơ sở chế biến nông sản, thủy sản cần được hỗ trợ giảm tiền điện đến hết năm 2022, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ chi phí chống dịch, hỗ trợ thanh khoản tiếp cận tín dụng... đang thực hiện.
“Cũng đã đến lúc bỏ trần tín dụng, miễn các loại thuế, phí đang hoãn, giãn nộp, giảm các loại chi phí không phụ thuộc vào kết quả và mức độ kinh doanh như phí cảng biển, tiền thuê đất, phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ...”, ông Cung chia sẻ.
Ngoài ra, ông Cung tính toán, nhóm giải pháp kích cầu đầu tư tư nhân thông qua miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cần được mở rộng đến 2-3 năm (kể từ khi có lợi nhuận) cho các khoản đầu tư thay thế, nâng cấp thiết bị, dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô thực hiện trong 2 năm tới; 3-4 năm cho doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, phát triển mô hình kinh tế mới...
Tuy nhiên, nhiều giải pháp vượt thẩm quyền của Chính phủ, phải trình Quốc hội xem xét. Có ý kiến, nếu không có những thay đổi về cách làm, cách thực hiện, nguyên tắc nhanh, có tác động ngay, thì khó đạt được mục tiêu phục hồi và đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, yêu cầu đổi mới quy trình, cách thức thực hiện, quan điểm và cách thức giám sát các giải pháp phục hồi kinh tế sẽ không thể dựa chủ yếu vào giấy tờ, thủ tục hành chính truyền thống đã được đặt ra. Do đó, có thể phải chấp nhận rủi ro, xác định đánh giá theo mục tiêu, bỏ qua một số sai sót kỹ thuật, vụ việc trong quá trình thực hiện.
“Chúng ta đang có mức tăng trưởng thấp nhất khi bước vào thập kỷ thứ tư của cải cách. Áp lực của hiện tại, của tương lai phát triển đất nước đang rất lớn, đòi hỏi những thay đổi lớn”, ông Cung nhấn mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp, động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, bất cứ quyết định chậm trễ, hành chính, giấy tờ nào vào lúc này sẽ lại bào mòn cả sức lực và niềm tin vốn đang bấp bênh.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!
(Còn tiếp)