Số liệu thống kê
Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành Xây dựng quý III và dự báo quý IV năm 2021
30/09/2021 - 122 Lượt xem
Điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh (SXKD) hàng quý bao gồm 6.500 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và 6.975 doanh nghiệp ngành xây dựng được chọn mẫu điều tra, đại diện cho toàn ngành chế biến, chế tạo và xây dựng của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng số doanh nghiệp trả lời trong kỳ điều tra quý III/2021 là 5.663 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo (chiếm 87,1% số doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra) và 6.174 doanh nghiệp ngành xây dựng (chiếm 88,0% số doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra). Báo cáo kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh gồm hai phần:
“Phần I: Xu hướng SXKD ngành công nghiệp chế biến, chế tạo”, phản ánh nhận định của doanh nghiệp về: (1) Tổng quan chung hoạt động SXKD; (2) Biến động của các yếu tố đầu vào (số lượng đơn đặt hàng, lao động, chi phí sản xuất, công suất sử dụng máy móc, thiết bị); (3) Dự kiến kết quả đầu ra (khối lượng sản xuất, giá bán bình quân của một sản phẩm) và (4) Biến động tồn kho (tồn kho thành phẩm, tồn kho nguyên vật liệu).
“Phần II: Xu hướng SXKD ngành xây dựng”, phản ánh nhận định của doanh nghiệp về: (1) Tổng quan chung hoạt động SXKD; (2) Biến động của các yếu tố đầu vào (lao động, tổng chi phí sản xuất, chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công); (3) Hỗ trợ chính sách và tiếp cận vốn vay và (4) Kiến nghị của doanh nghiệp.
PHẦN I. XU HƯỚNG SẢN XUẤT KINH DOANH NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN, CHẾ TẠO
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 làm cho hoạt động SXKD của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn; chỉ có 38,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý III/2021 so với quý II/2021 tốt lên và giữ ổn định (13,2% tốt lên và 25,4% giữ ổn định)[1], trong khi 61,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.
Về chỉ số đơn đặt hàng mới, sử dụng lao động, khối lượng sản phẩm sản xuất cho thấy tình trạng khó khăn tương tự. Trong bối cảnh khó khăn chung nhưng các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học và sản xuất trang phục vẫn có kết quả hoạt động SXKD tốt hơn quý trước.
Dự báo quý IV/2021, tình hình khả quan hơn nhiều so với quý III/2021 khi có tới 73,7% doanh nghiệp nhận định tình hình SXKD của doanh nghiệp tốt hơn và giữ ổn định (43,4% tốt hơn, 30,3% giữ ổn định), tỷ lệ doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn giảm xuống chỉ còn 26,3%.
1. Tổng quan chung về hoạt động sản xuất kinh doanh
Trong quý III/2021, dịch Covid-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động SXKD của các doanh nghiệp trên cả nước, đặc biệt là 19 tỉnh, thành phố phía Nam. Các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang gánh chịu nhiều tác động tiêu cực. Dưới đây là một số nhận định chung về hoạt động SXKD của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III và dự báo quý IV năm 2021.
(1) Các yếu tố ảnh hưởng đến SXKD
Nhận định về các yếu tố ảnh hưởng đến SXKD của doanh nghiệp trong quý III/2021: có 50,9% doanh nghiệp lựa chọn nhu cầu thị trường trong nước thấp là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp; 46,0% doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng trong nước cao; 35,0% doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính; 33,0% doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 24,2% doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 23,9% doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu; 18,8% doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao; 18,1% doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao; 15,1% doanh nghiệp đánh giá do thiết bị công nghệ lạc hậu; 11,5% doanh nghiệp đánh giá do chính sách pháp luật của nhà nước; 4,8% doanh nghiệp cho rằng không có khả năng tiếp cận vốn vay và thiếu năng lượng là nhân tố ít ảnh hưởng đến SXKD của doanh nghiệp với 1,9% doanh nghiệp lựa chọn.
Nhận định về các yếu tố ảnh hưởng đến SXKD của các doanh nghiệp tại 4 tỉnh, thành phố phía Nam bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid-19:
Tại thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có 9,7% doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD quý III/2021 so với quý II/2021 tốt hơn và giữ ổn định (2,1% tốt hơn và 7,6% giữ ổn định); 90,3% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn. Dự báo quý IV/2021 khả quan hơn quý III/2021 với 49,4% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và giữ ổn định (26,6% tốt hơn, 22,8% giữ ổn định), 50,6% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.
Tại Bình Dương, đánh giá khả quan hơn với 50,7% doanh nghiệp cho rằng tình hình SXKD quý III/2021 so với quý II/2021 tốt hơn và giữ ổn định (10,7% tốt hơn, 40,0% giữ ổn định), 49,3% khó khăn hơn. Dự báo quý IV/2021 so với quý III/2021, có 87,2% doanh nghiệp dự báo tốt hơn và giữ ổn định (47,3% tốt hơn, 39,9% giữ ổn định) và 12,8% khó khăn hơn.
Tại Đồng Nai, chỉ có 0,4% doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD quý III/2021 so với quý II/2021 tốt hơn, 9,3% đánh giá giữ ổn định và 90,3% đánh giá khó khăn hơn. Dự báo quý IV/2021 lạc quan hơn với 75,8% tốt hơn và giữ ổn định (69,1% tốt hơn và 6,7% giữ ổn định), 24,2% khó khăn hơn.
Tại tỉnh Long An không có doanh nghiệp nào đánh giá tình hình SXKD của doanh nghiệp quý III/2021 tốt hơn quý II/2021, 28,1% doanh nghiệp đánh giá giữ ổn định và 79,9% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn. Dự báo quý IV/2021 so với quý III/2021 lạc quan hơn với 56,1% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, 33,4% giữ nguyên và chỉ còn 10,5% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.
(2) Chỉ số cân bằng
Chỉ số cân bằng thể hiện số phần trăm doanh nghiệp nhận định tăng trừ đi số phần trăm doanh nghiệp nhận định giảm.
Chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng SXKD của doanh nghiệp. Các chỉ số cân bằng thành phần (đơn đặt hàng mới, sử dụng lao động, khối lượng sản xuất và tồn kho thành phẩm) đánh giá về từng hoạt động SXKD cụ thể của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể:
Chỉ số cân bằng chung
Chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng SXKD quý III/2021 so với quý II/2021 là -48,2% (13,2% tăng, 61,4% giảm). Chỉ số cân bằng ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cao nhất với -43,8% (14,7% tăng, 58,5% giảm); khu vực doanh nghiệp nhà nước -48,2% (14,2% tăng, 62,4% giảm); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -49,8% (12,6% tăng, 62,4% giảm).
Chỉ số cân bằng quý IV/2021 so với quý III/2021 là 17,1% (43,4% tăng, 26,3% giảm), khu vực doanh nghiệp FDI cao nhất với 27,5% (48,1% tăng, 20,6% giảm); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 13,7% (41,9% tăng, 28,2% giảm); khu vực doanh nghiệp nhà nước 7,0% (38,2% tăng, 31,2% giảm).
Trong quý III/2021, 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam chịu tác động mạnh của dịch Covid-19. Hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu lao động, chi phí lớn cho hoạt động SXKD theo mô hình sản xuất 3 tại chỗ. Chỉ có 02/19 tỉnh chỉ số cân bằng lớn hơn chỉ số cân bằng chung toàn quốc là Bình Dương và Bạc Liêu. Còn lại 17/19 tỉnh có chỉ số cân bằng thấp hơn nhiều so với bình quân chung cả nước gồm: Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau.
Dự báo tình hình SXKD quý IV/2021 của 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam đều lạc quan hơn so với III/2021. Có tới 15/19 tỉnh, thành phố phía Nam chỉ số cân bằng quý IV/2021 so với quý III/2021 lớn hơn bình quân chung của cả nước gồm: Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Chỉ có 04/19 tỉnh, thành phố phía Nam chỉ số cân bằng quý IV/2021 so với quý III/2021 thấp hơn mức bình quân chung cả nước nhưng vẫn cao hơn quý trước gồm: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Phước và Bến Tre.
Các chỉ số cân bằng thành phần gồm đơn đặt hàng mới, sử dụng lao động, khối lượng sản xuất và tồn kho thành phẩm như sau:
Chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới
Chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới quý III/2021 so với quý II/2021 là -42,6% (12,8% doanh nghiệp nhận định tăng và 55,4% doanh nghiệp nhận định giảm). Trong đó, chỉ số cân bằng của khu vực doanh nghiệp FDI đạt cao nhất với -38,9%; khu vực doanh nghiệp nhà nước -42,8%; thấp nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước với -44,1%.
Chỉ số cân bằng quý IV/2021 so với quý III/2021 là 14,9% (39,2% doanh nghiệp dự báo tăng và 24,3% doanh nghiệp dự báo giảm); khu vực doanh nghiệp FDI có chỉ số cân bằng đạt cao nhất với 22,8%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 12,0% và khu vực doanh nghiệp nhà nước 9,3%.
Chỉ số cân bằng sử dụng lao động
Chỉ số cân bằng sử dụng lao động quý III/2021 so với quý II/2021 là -30,5% (5,7% doanh nghiệp nhận định tăng và 36,2% doanh nghiệp nhận định giảm). Chỉ số cân bằng cao nhất của khu vực doanh nghiệp nhà nước -26,5% (5,0% doanh nghiệp nhận định tăng, 31,5% doanh nghiệp nhận định giảm); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -30,2% (4,3% tăng, 34,5% giảm); thấp nhất là khu vực doanh nghiệp FDI với -31,6% (9,6% tăng, 41,2% giảm).
Chỉ số cân bằng quý IV/2021 so với quý III/2021 là 6,5% (22,2% tăng và 15,7% giảm); khu vực doanh nghiệp FDI có chỉ số cân bằng đạt cao nhất với 19,1%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 2,6% và khu vực doanh nghiệp nhà nước -7,3%.
Chỉ số cân bằng khối lượng sản xuất
Chỉ số cân bằng khối lượng sản xuất quý III/2021 so với quý II/2021 là -42,4% (15,0% tăng và 57,4% giảm). Chỉ số cân bằng ở khu vực doanh nghiệp FDI cao nhất với -39,3% (16,2% tăng, 55,5% giảm); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -43,4% (14,6% tăng, 58,0% giảm) và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước -43,9% (15,2% tăng, 59,1% giảm).
Chỉ số cân bằng quý IV/2021 so với quý III/2021 là 19,6% (43,5% tăng, 23,9% giảm); khu vực doanh nghiệp FDI có chỉ số cân bằng đạt cao nhất với 30,5%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 15,8% và khu vực doanh nghiệp nhà nước 12,3%.
Chỉ số cân bằng tồn kho thành phẩm
Chỉ số cân bằng tồn kho thành phẩm quý III/2021 so với quý II/2021 là -5,7% (26,0% tăng và 31,7% giảm). Chỉ số cân bằng ở khu vực doanh nghiệp nhà nước cao nhất với -2,6% (27,6% tăng, 30,2% giảm); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -5,3% (25,2% tăng, 30,5% giảm) và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp FDI -7,5% (27,5% tăng, 35,0% giảm).
Chỉ số cân bằng quý IV/2021 so với quý III/2021 là -16,1% (16,7% tăng, 32,8% giảm); khu vực doanh nghiệp FDI có chỉ số cân bằng đạt cao nhất với -9,9%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -18,0% và khu vực doanh nghiệp nhà nước -24,1%.
2. Biến động của các yếu tố đầu vào
2.1. Số lượng đơn đặt hàng
Số lượng đơn đặt hàng mới không lạc quan như các quý trước. Theo kết quả khảo sát quý III/2021, chỉ có 44,6% số doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn hàng mới tăng và giữ nguyên so với quý II/2021 (12,8% tăng và 31,8% giữ nguyên), trong khi 55,4% doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn hàng mới giảm[2].
Theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn đặt hàng quý III/2021 tăng so với quý II/2021 như: ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 29,1%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 24,7%; ngành sản xuất trang phục 19,3%… Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn đặt hàng quý III/2021 giảm so với quý II/2021 như: ngành sản xuất thuốc lá 71,4%; ngành sản xuất xe có động cơ 68,2%; ngành sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu 61,9%….
Dự báo số lượng đơn hàng mới quý IV/2021 so với quý III/2021 khả quan hơn với 75,7% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (39,2% tăng và 36,5% giữ nguyên), chỉ có 24,3% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng mới giảm.
Đơn đặt hàng xuất khẩu mới
Trong tổng số các doanh nghiệp được khảo sát, có 48,8% doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn hàng xuất khẩu mới quý III/2021 tăng và giữ nguyên so với quý II/2021 (11,7% tăng và 37,1% giữ nguyên); tỷ lệ doanh nghiệp dự báo có đơn hàng xuất khẩu mới giảm là 51,2 %[3].
Theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý III/2021 tăng so với quý II/2021 như: ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 26,3%; ngành sản xuất đồ uống 20,8%; ngành sản xuất trang phục 18,5%… Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá đơn đặt hàng xuất khẩu quý III/2021 giảm so với quý II/2021 như: ngành sản xuất thuốc lá 66,7%; ngành sản xuất giường tủ bàn ghế 62,4%; ngành sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu 61,7%… .
Các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng xuất khẩu mới quý IV/2021 khả quan hơn với 77,6% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý III/2021 (34,6% tăng và 43,0% giữ nguyên); 22,4% doanh nghiệp dự báo giảm.
2.2. Sử dụng lao động
Lao động trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2021 giảm so với quý II/2021. Cụ thể, chỉ có 5,7% doanh nghiệp đánh giá số lượng lao động quý III/2021 so với quý II/2021 tăng; 58,1% doanh nghiệp đánh giá giữ nguyên và 36,2% doanh nghiệp đánh giá giảm[4].
Theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá số lượng lao động quý III/2021 tăng so với quý II/2021 như: ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 15,8%; ngành sản xuất trang phục 11,6%; ngành sản xuất thuốc lá 11,1%… Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá số lượng lao động quý III/2021 giảm so với quý II/2021 như: ngành sản xuất thiết bị điện 44,8%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan 44,0%; ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế 42,6%… .
Dự báo sử dụng lao động ở quý IV/2021 so với quý III/2021 khả quan hơn với 84,3% số doanh nghiệp dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên (22,2% tăng và 62,1% giữ nguyên), 15,7% doanh nghiệp dự kiến lao động giảm.
2.3. Chi phí sản xuất
Tương ứng với sự sụt giảm của các chỉ tiêu trên, tỷ lệ doanh nghiệp có chi phí sản xuất tăng trong quý III/2021 khá cao, tương đương quý II/2021[5]. Theo nhận định của các doanh nghiệp về chi phí sản xuất, có tới 89,8% số doanh nghiệp đánh giá chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm chính quý III/2021 so với quý II/2021 tăng và giữ nguyên (39,2% tăng và 50,6% giữ nguyên); 10,2% doanh nghiệp đánh giá giảm.
Theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá chi phí sản xuất quý III/2021 tăng so với quý II/2021 như: ngành sản xuất thuốc lá 50,0%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 48,4%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 45,5%… Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá chi phí sản xuất quý III/2021 giảm so với quý II/2021 như: ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế 15,2%; ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 15,0%; ngành sản xuất thiết bị điện và ngành sản xuất xe có động cơ 13,8%… .
Dự báo quý IV/2021 so với quý III/2021 có tới 87,2% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất cho một đơn vị sản phẩm chính tăng và giữ nguyên (26,7% tăng và 60,5% giữ nguyên); chỉ có 12,8% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất giảm.
2.4. Công suất sử dụng máy móc, thiết bị
Trong quý III/2021, công suất sử dụng máy móc, thiết bị bình quân của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo là 66,2%[6]. Trong số những doanh nghiệp tham gia đánh giá công suất sử dụng máy móc, thiết bị quý III/2021, có 40,3% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng máy móc, thiết bị trong khoảng từ 70% đến dưới 90%; 25,1% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng từ 50% đến 70%; 17,6% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng từ 90 đến dưới 100% và 17,0% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng dưới 50%.
Theo ngành kinh tế, một số ngành có công suất sử dụng máy móc, thiết bị quý III/2021 cao như: ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 73,2%; ngành sản xuất sản phẩm thuốc lá 70,9%; ngành sản xuất trang phục 70,3%… Một số ngành có công suất sử dụng máy móc, thiết bị quý III/2021 thấp như: ngành sản xuất chế biến thực phẩm 63,2%; ngành sản xuất phương tiện vận tải khác 59,7%; ngành sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị 57,8%…
3. Dự kiến kết quả đầu ra
3.1. Khối lượng sản xuất
Kết quả khảo sát quý III/2021, có 42,6% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất tăng và giữ nguyên so với quý II/2021 (15,0% tăng và 27,6% giữ nguyên); 57,4% doanh nghiệp đánh giá giảm[7].
Theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất quý III/2021 tăng so với quý II/2021 như: ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 30,8%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 27,5%; ngành sản xuất trang phục 21,0%… Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất quý III/2021 giảm so với quý II/2021 như: ngành sản xuất xe có động cơ 67,8%; ngành sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu 64,2%; ngành sản xuất đồ uống 63,6%… .
Khối lượng sản xuất của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo quý IV/2021 so với quý III/2021, có 76,1% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (43,5% tăng và 32,6% giữ nguyên); 23,9% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm.
3.2. Giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm
Giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý III/2021 của nhiều doanh nghiệp vẫn tương đương với quý II/2021[8]. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên là 88,4% (20,5% tăng và 67,9% giữ nguyên), 11,6% doanh nghiệp nhận định giảm.
Theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định giá bán bình quân một đơn vị sản xuất quý III/2021 tăng so với quý II/2021 như: ngành sản xuất kim loại 33,1%; ngành sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị 31,0%; ngành sản xuất thiết bị điện 28,5%… Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý III/2021 giảm so với quý II/2021 như: ngành sản xuất xe có động cơ 23,0%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường tủ, bàn ghế) 15,5%; ngành sản xuất giường, tủ, bàn ghế 15,2%…
Tỷ lệ doanh nghiệp dự báo giá bán bình quân trên một đơn vị sản xuất quý IV/2021 so với quý III/2021 tăng và giữ nguyên là 91,3% (19,8% tăng và 71,5% giữ nguyên), có 8,7% doanh nghiệp dự báo giá bán bình quân giảm.
4. Biến động tồn kho
4.1. Tồn kho thành phẩm
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, có 26,0% số doanh nghiệp nhận định khối lượng thành phẩm tồn kho quý III/2021 tăng so với quý II/2021; 42,3% doanh nghiệp đánh giá giữ nguyên và 31,7% đánh giá giảm[9].
Theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tồn kho thành phẩm quý III/2021 tăng so với quý II/2021 như: ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 34,6%; ngành sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác 33,9%; ngành sản xuất đồ uống 32,3%… Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tồn kho thành phẩm quý III/2021 giảm so với quý II/2021 như: ngành sản xuất thuốc lá 55,6%; ngành sản xuất thiết bị điện 41,4%; ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế 38,9%…
Dự báo quý IV/2021 so với quý III/2021, có 16,7% doanh nghiệp dự báo tăng; 50,5% doanh nghiệp dự báo giữ nguyên khối lượng thành phẩm tồn kho; 32,8% doanh nghiệp dự báo giảm khối lượng thành phẩm tồn kho.
4.2. Tồn kho nguyên vật liệu
Có 68,5% doanh nghiệp đánh giá tồn kho nguyên vật liệu quý III/2021 so với quý II/2021 tăng và giữ nguyên (23,5% tăng và 45,0% giữ nguyên); 31,5% doanh nghiệp đánh giá giảm[10].
Theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tồn kho nguyên vật liệu quý III/2021 tăng so với quý II/2021 như: ngành sản xuất xe có động cơ 33,3%; ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 30,1%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 28,3%… Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tồn kho nguyên vật liệu quý III/2021 giảm so với quý II/2021 như: ngành sản xuất thuốc lá 44,4%; ngành sản xuất thiết bị điện 43,5%; ngành sản xuất giường, tủ, bàn ghế 39,5%….
Quý IV/2021 so với quý III/2021, có 67,7% doanh nghiệp dự báo khối lượng tồn kho nguyên vật liệu tăng và giữ nguyên (15,6% tăng và 52,1% giữ nguyên); 32,3% doanh nghiệp dự kiến giảm khối lượng tồn kho nguyên vật liệu.
PHẦN II. XU HƯỚNG SẢN XUẤT KINH DOANH NGÀNH XÂY DỰNG
Các doanh nghiệp ngành xây dựng nhận định tình hình SXKD khó khăn hơn so với các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Quý III/2021, có tới 68,6% số doanh nghiệp xây dựng nhận định tình hình SXKD khó khăn hơn quý II/2021; 21,4% số doanh nghiệp nhận định tình hình SXKD vẫn ổn định, chỉ có 10,0% số doanh nghiệp nhận định tình hình SXKD thuận lợi hơn.
Dự báo quý IV/2021, chỉ có 13,6% doanh nghiệp nhận định tình hình SXKD thuận lợi hơn; 22,5% số doanh nghiệp nhận định giữ ổn định; trong khi đó có tới 63,9% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn. Doanh nghiệp của 30/63 địa phương nhận định tình hình SXKD quý IV/2021 khả quan hơn quý III/2021.
Chỉ số cân bằng[11] xu hướng SXKD ngành xây dựng quý III/2021 giảm sâu với mức -58,6%. Trong đó, 31/63 địa phương có chỉ số cân bằng xu hướng SXKD thấp hơn mức bình quân chung cả nước. Các tỉnh có chỉ số cân bằng giảm mạnh nhất gồm: TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Đồng Nai, Cà Mau, TP. Cần Thơ.
Theo nhận định của doanh nghiệp, quý IV/2021 hoạt động SXKD của các doanh nghiệp ngành xây dựng có dấu hiệu khả quan hơn quý III/2021 với chỉ số cân bằng xu hướng SXKD là -50,3%.
1. Tổng quan chung về hoạt động sản xuất kinh doanh
Quý III/2021, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tiếp tục có những diễn biến phức tạp trên cả nước đã ảnh hưởng mạnh tới hoạt động SXKD của các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt là 19 tỉnh, thành phố phía Nam và Hà Nội. Việc đánh giá hoạt động SXKD của doanh nghiệp xây dựng có thể dựa trên các chỉ số cân bằng. Chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng SXKD của doanh nghiệp, các chỉ số cân bằng thành phần (chi phí sản xuất, sử dụng lao động) đánh giá về từng hoạt động SXKD cụ thể của các doanh nghiệp ngành xây dựng.
Chỉ số cân bằng chung
Chỉ số cân bằng xu hướng SXKD ngành xây dựng quý III/2021 so với quý II/2021[12] là -58,6% (10% doanh nghiệp nhận định tốt hơn và 68,6% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn).
Hoạt động SXKD của doanh nghiệp được dự báo khả quan hơn trong quý IV/2021 với chỉ số cân bằng xu hướng SXKD so với quý III/2021 là -50,3% (13,6% doanh nghiệp dự báo tốt hơn và 63,9% doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn).
Hoạt động SXKD của doanh nghiệp xây dựng ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam và Hà Nội chịu tác động mạnh của dịch Covid-19. Có tới 15/19 tỉnh, thành phố phía Nam và Hà Nội chỉ số cân bằng xu hướng SXKD ngành xây dựng quý III/2021 so với quý II/2021 thấp hơn mức bình quân chung cả nước; chỉ có 04/19 tỉnh có chỉ số cân bằng cao hơn mức bình quân chung cả nước gồm: Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bạc Liêu.
Dự báo tình hình hoạt động SXKD quý IV/2021, 11/19 tỉnh, thành phố phía Nam và Hà Nội đánh giá hoạt động SXKD lạc quan hơn quý III/2021 gồm: Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Có 06/19 tỉnh đánh giá hoạt động SXKD vẫn còn khó khăn hơn quý III/2021 gồm: Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang. Có 02/19 tỉnh đánh giá hoạt động SXKD vẫn duy trì như quý III/2021, gồm: Trà Vinh, Cần Thơ.
Chỉ số cân bằng xu hướng SXKD của một số tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nhiều nhất bới dịch Covid-19 cụ thể như sau:
Hồ Chí Minh, việc áp dụng các biện pháp giãn cách theo chỉ thị 15, 15+ và 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 31 tháng 5 đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động SXKD của các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn thành phố. Trong quý III/2021, chỉ số cân bằng xu hướng SXKD là -82,0% (có tới 84,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD khó khăn hơn quý II/2021, chỉ có 2,8% đánh giá tình hình SXKD thuận lợi hơn). Nhận định về tình hình SXKD quý IV/2021 vẫn còn nhiều khó khăn nhưng lạc quan hơn quý III/2021 với chỉ số cân bằng xu hướng SXKD là -76,5% (79,8% số doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn, 3,3% nhận định thuận lợi hơn).
Đồng Nai, quý III/2021 chỉ số cân bằng xu hướng SXKD là -63,1% (73,8% số doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD khó khăn hơn, 10,7% đánh giá tình hình SXKD thuận lợi hơn quý II/2021). Dự báo quý IV/2021, chỉ số cân bằng xu hướng SXKD là -59,1% (72,9% số doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn, 13,8% số doanh nghiệp đánh giá thuận lợi hơn).
Kiên Giang, quý III/2021 chỉ số cân bằng xu hướng SXKD là -94,2% (94,2% số doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD khó khăn hơn, không có doanh nghiệp nào đánh giá tình hình SXKD thuận lợi hơn quý II/2021). Dự báo quý IV/2021, chỉ số cân bằng xu hướng SXKD là -75,0% (-75,0% số doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn, không có doanh nghiệp nào đánh giá thuận lợi hơn quý III/2021).
Hà Nội, quý III/2021 chỉ số cân bằng xu hướng SXKD là -77,1% (80,9% số doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD khó khăn hơn, 3,8% đánh giá tình hình SXKD thuận lợi hơn quý II/2021). Dự báo quý IV/2021, tình hình SXKD khả quan hơn với chỉ số cân bằng xu hướng SXKD là -57,5% (70,4% số doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn, 12,9% số doanh nghiệp đánh giá thuận lợi hơn quý III/2021).
Bình Dương, quý III/2021 chỉ số cân bằng xu hướng SXKD của Bình Dương cao hơn mức bình quân chung toàn quốc với mức -53,7% (60,3% số doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD khó khăn hơn, 6,6% đánh giá tình hình SXKD thuận lợi hơn quý II/2021). Dự báo quý IV/2021, chỉ số cân bằng xu hướng SXKD là -44,6% (53,7% số doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn, 9,1% số doanh nghiệp đánh giá thuận lợi hơn quý III/2021).
Các chỉ số cân bằng chi phí sản xuất:
Chỉ số cân bằng tổng chi phí cho hoạt động xây dựng[13] quý III/2021 so với quý II/2021 là 30,1% (48,3% doanh nghiệp nhận định tăng và 18,2% doanh nghiệp nhận định giảm)[14]. Chỉ số này quý IV/2021 so với quý III/2021 có xu hướng giảm với 16,2% (43,5% doanh nghiệp dự báo tăng và 27,3% doanh nghiệp dự báo giảm).
Chỉ số cân bằng chi phí nguyên vật liệu trực tiếp quý III/2021 so với quý II/2021 là 32,3% (49,6% doanh nghiệp nhận định tăng và 17,3% nhận định giảm)[15]. Dự báo quý IV/2021 so với quý III/2021 chỉ số này có xu hướng giảm với 19,5% (45,2% doanh nghiệp dự báo tăng và 25,7% dự báo giảm).
Chỉ số cân bằng chi phí nhân công trực tiếp quý III/2021 so với quý II/2021 là 22,1% (39,8% doanh nghiệp nhận định tăng và 17,7% nhận định giảm)[16] và dự báo quý IV/2021 so với quý III/2021 là 7,7% (34,7% doanh nghiệp dự báo tăng và 27,0% dự báo giảm).
Các chỉ cố cân bằng sử dụng lao động:
Chỉ số cân bằng sử dụng lao động chung quý III/2021 so với quý II/2021 là -3,2% (19,3% doanh nghiệp nhận định tăng và 22,5% nhận định giảm)[17].. Dự báo quý IV/2021 chỉ số cân bằng này so với quý III/2021 có xu hướng giảm mạnh với -21,5% (13,2% doanh nghiệp dự báo tăng và 34,7% dự báo giảm).
Chỉ số cân bằng sử dụng lao động thường xuyên quý III/2021 so với quý II/2021 là -4,3% (10,2% doanh nghiệp nhận định tăng và 14,5% nhận định giảm)[18] và dự báo quý IV/2021 so với quý III/2021 là -16,3% (5,9% doanh nghiệp dự báo tăng và 22,2% dự báo giảm).
Chỉ số cân bằng sử dụng lao động thời vụ quý III/2021 so với quý II/2021 là -5,1% (19,4% doanh nghiệp nhận định tăng và 24,5% nhận định giảm)[19] và dự báo quý IV/2021 so với quý III/2021 là -24,2% (12,9% doanh nghiệp dự báo tăng và 37,1% dự báo giảm).
2. Biến động của các yếu tố đầu vào
2.1. Sử dụng lao động
Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ lao động chung làm việc trong các doanh nghiệp xây dựng quý III/2021 giảm 19,2% so với quý III/2020 (lao động thường xuyên giảm 10,8%, lao động thời vụ giảm 26,1%) và giảm 10,4% so với quý II/2021 (lao động thường xuyên giảm 7,7%, lao động thời vụ giảm 12,9%).
Quý III/2021, có 19,3% doanh nghiệp nhận định lao động chung trong doanh nghiệp xây dựng tăng so với quý II/2021; 58,2% doanh nghiệp nhận định lao động chung không đổi và 22,5% doanh nghiệp nhận định lao động chung giảm[20]. Về lao động thường xuyên trong doanh nghiệp, có 10,2% doanh nghiệp nhận định tăng; 75,3% doanh nghiệp nhận định không đổi và 14,5% doanh nghiệp nhận định giảm. Tỷ lệ này của lao động thời vụ tương ứng là: 19,4% doanh nghiệp nhận định tăng; 56,1% doanh nghiệp nhận định không đổi và 24,5% doanh nghiệp nhận định giảm.
2.2. Chi phí sản xuất
Kết quả khảo sát quý III/2021 cho thấy, có 48,3% doanh nghiệp nhận định tổng chi phí sản xuất trên 1 đơn vị sản phẩm tăng so với quý II/2021; 33,5% doanh nghiệp nhận định không thay đổi, chỉ có 18,2% doanh nghiệp nhận định tổng chi phí trên 1 đơn vị sản phẩm giảm[21].
Dự báo quý IV/2021 so với quý III/2021 với 43,5% doanh nghiệp dự báo tổng chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng; 29,2% doanh nghiệp dự báo không đổi và 27,3% doanh nghiệp dự báo tổng chi phí trên 1 đơn vị sản phẩm giảm.
a) Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp
Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp dùng cho hoạt động sản xuất trong các doanh nghiệp xây dựng luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí sản xuất của doanh nghiệp với 51,9% trong quý III/2021. Kết quả khảo sát quý III/2021 cho thấy, có 49,6% doanh nghiệp nhận định chi phí nguyên vật liệu trực tiếp tăng, 33,1% doanh nghiệp nhận định chi phí nguyên vật liệu trực tiếp không đổi và 17,3% doanh nghiệp nhận định chi phí nguyên vật liệu trực tiếp giảm so với quý II/2021.
Dự báo quý IV/2021 so với quý III/2021, có 45,2% doanh nghiệp dự báo chi phí nguyên vật liệu trực tiếp tăng; 29,1% doanh nghiệp cho rằng chi phí nguyên vật liệu trực tiếp không đổi và 25,7% doanh nghiệp dự báo chi phí nguyên vật liệu trực tiếp giảm.
b) Chi phí nhân công trực tiếp
Quý III/2021, có 39,8% doanh nghiệp nhận định chi phí nhân công trực tiếp tăng, 42,5% doanh nghiệp nhận định chi phí nhân công trực tiếp không đổi và 17,7% doanh nghiệp nhận định chi phí nhân công trực tiếp giảm so với quý II/2021.
Dự báo quý IV/2021 so với quý III/2021, có 34,7% doanh nghiệp dự báo chi phí nhân công trực tiếp tăng, 38,3% doanh nghiệp cho rằng chi phí nhân công trực tiếp không đổi, 27% doanh nghiệp dự báo chi phí nhân công trực tiếp giảm.
3. Tiếp cận chính sách hỗ trợ và vốn vay
Những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã và đang tác động không nhỏ tới hoạt động SXKD của các doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp xây dựng. Trong thời gian qua, Chính phủ đã triển khai kịp thời các gói hỗ trợ tới doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp phục hồi, duy trì và phát triển hoạt sản xuất kinh doanh. Quý III/2021 khi dịch bệnh bùng phát trở lại, các doanh nghiệp đánh giá việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước gặp khó khăn hơn quý II/2021[22], với 25,8% số doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn, 55% số doanh nghiệp đánh giá không thay đổi và 19,2% số doanh nghiệp đánh giá thuận lợi hơn.
Về tình hình vay vốn phục vụ SXKD, quý III/2021, có 63,3% doanh nghiệp xây dựng có vay vốn phục vụ SXKD, trong đó có 95,8% số doanh nghiệp vay vốn từ hệ thống ngân hàng và 4,2% số doanh nghiệp vay từ nguồn vốn khác. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có tỷ lệ doanh nghiệp vay vốn từ hệ thống ngân hàng cao nhất với 97%, tỷ lệ này của khu vực doanh nghiệp nhà nước là 92,9% và khu vực doanh nghiệp FDI là 67,7%.
Việc tiếp cận vốn vay từ hệ thống ngân hàng quý III/2021 không thuận lợi như quý II/2021 với 24,9% doanh nghiệp đánh giá tình hình vay vốn ngân hàng thuận lợi hơn, 48,3% doanh nghiệp nhận định tình hình vay vốn ngân hàng giữ nguyên và 26,8% doanh nghiệp nhận định vay vốn ngân hàng khó khăn hơn[23].
4. Kiến nghị của doanh nghiệp
Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư kéo dài từ đầu tháng 5 đến nay làm cho các doanh nghiệp xây dựng gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, không có công trình mới, có công trình nhưng không thể thi công; nhiều công trình thi công chậm tiến độ và nhiều công trình bị tạm dừng thi công do yêu cầu về giãn cách xã hội của chính quyền địa phương,…
Cá biệt có một số nhà thầu xây dựng trong nước đã ký hợp đồng xây dựng với các doanh nghiệp nước ngoài nhưng do không đảm bảo tiến độ thi công phải đền bù hợp đồng với mức phí cao. Hơn nữa, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian dài, nhiều doanh nghiệp xây dựng dừng hoạt động nhưng vẫn phải trả tiền lãi vay ngân hàng. Tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm làm cho doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn về vốn. Với những khó khăn trên, nhiều doanh nghiệp xây dựng đã phải ngừng hoạt động hoặc dự định ngừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp đã làm thủ tục giải thể hoặc chuyển ngành nghề kinh doanh khác.
Trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp xây dựng đang hoạt động đó là khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn nguyên, vật liệu và vốn cho sản xuất kinh doanh. Để các doanh nghiệp xây dựng có thể phục hồi và tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, các nhà thầu xây dựng kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, giảm bớt khó khăn do dịch Covid-19. Cụ thể:
(1) Trước hết, kiểm soát tình hình dịch bệnh, nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội để doanh nghiệp sớm trở lại hoạt động bình thường; mở rộng vận chuyển, giao nhận hàng hoá, bưu phẩm, giao thông giữa các địa phương. Nếu tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội, doanh nghiệp sẽ không có lao động và không thể tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
(2) Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng tiếp cận với những dự án tại các địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động để doanh nghiệp có thể phát huy các thế mạnh và tiềm năng sẵn có.
(3) Tạo điều kiện về pháp lý và các thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiến hành sản xuất kinh doanh thuận lợi. Cụ thể, giải quyết, tháo gỡ ngay vướng mắc khi doanh nghiệp có đề xuất, báo cáo; giảm thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng và thanh quyết toán công trình xây dựng; đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng thực hiện đúng tiến độ, giúp doanh nghiệp có mặt bằng sạch để thi công.
(4) Hỗ trợ kịp thời và đầy đủ nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn bằng cách tiếp tục kéo dài thời gian giảm lãi suất vay ngân hàng, hỗ trợ vay ngân hàng lãi suất thấp; giảm lãi suất cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải tạm ngừng hoạt động; thủ tục vay vốn ngân hàng thuận lợi, nhanh chóng hơn.
(5) Miễn giảm thuế, phí, kéo dài thời gian nộp thuế, lệ phí; gia hạn, lùi thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp; giảm mức tính lãi chậm nộp thuế cho doanh nghiệp.
(6) Hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp như kéo dài thời gian giảm tiền điện và các chi phí khác phải nộp cho người lao động.
(7) Có ngay các chính sách để bình ổn giá nguyên, vật liệu xây dựng, không để giá nguyên vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép xây dựng tăng cao như thời gian vừa qua; có chính sách hỗ trợ điều chỉnh chi phí vật tư đầu vào phù hợp với doanh nghiệp xây dựng.
[1] Chỉ số tương ứng của quý II/2021: Có 31,8% doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD khó khăn hơn, 68,2% doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD tốt lên và giữ ổn định (30,5% tốt lên và 37,7% giữ ổn định).
[2] Chỉ số tương ứng của quý II/2021: Có 70,0% doanh nghiệp đánh giá đơn hàng mới tăng và giữ nguyên (29,6% tăng; 40,4% giữ nguyên) và 30,0% đánh giá giảm.
[3] Chỉ số tương ứng của quý II/2021: Có 70,7% doanh nghiệp đánh giá đơn hàng xuất khẩu mới tăng và giữ nguyên (27,0% tăng; 43,7% giữ nguyên) và 29,3% đánh giá giảm.
[4] Chỉ số tương ứng của quý II/2021: Có 11,9% doanh nghiệp đánh giá lao động tăng, 67,5% giữ nguyên và 20,6% đánh giá giảm.
[5] Chỉ số tương ứng của quý II/2021: Có 91,0% doanh nghiệp nhận định chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm chính tăng và giữ nguyên (30,8% tăng; 60,2% giữ nguyên) và 9,0% nhận định giảm.
[6] Chỉ số tương ứng của quý II/2021: Tỷ lệ sử dụng công suất máy móc, thiết bị bình quân 74,0%.
[7] Chỉ số tương ứng của quý I/2021: Có 68,0% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất tăng và giữ nguyên (31,0% tăng; 37,0% giữ nguyên) và 32,0% doanh nghiệp đánh giá giảm.
[8] Chỉ số tương ứng của quý II/2021: Có 91,2% doanh nghiệp nhận định giá bình quân một một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên (18,3% tăng; 72,9% giữ nguyên) và 8,8% giảm.
[9] Chỉ số tương ứng của quý II/2021: Có 21,4% doanh nghiệp đánh giá tồn kho thành phẩm tăng, 49,1% doanh nghiệp đánh giá giữ nguyên; 29,5% doanh nghiệp đánh giá giảm.
[10] Chỉ số tương ứng của quý II/2021: Có 18,9% doanh nghiệp đánh giá tồn kho nguyên vật liệu tăng, 51,8% đánh giá giữ nguyên; 29,3% đánh giá giảm.
[11] Chỉ số cân bằng thể hiện số phần trăm doanh nghiệp đánh giá tăng (hoặc tốt hơn) trừ đi số phần trăm doanh nghiệp đánh giá giảm (hoặc khó khăn hơn).
[12] Chỉ số tương ứng của quý II/2021 là -31,3% (17,3% doanh nghiệp nhận định tốt hơn và 48,6% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn).
[13] Tổng chi phí cho hoạt động xây dựng gồm: chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sử dụng máy móc thi công, chi phí sản xuất chung, chi phí thực hiện hạng mục công trình do nhà thầu phụ thi công, chi phí quản lý kinh doanh, chi trả lãi tiền vay cho hoạt động xây dựng, chi phí khác chưa liệt kê ở trên.
[14] Chỉ số tương ứng của quý II/2021 là 20,5% (43,5% doanh nghiệp nhận định tăng và 23,0% doanh nghiệp nhận định giảm).
[15] Chỉ số tương ứng của quý II/2021 là 22,2% (44,0% doanh nghiệp nhận định tăng và 21,8% doanh nghiệp nhận định giảm).
[16] Chỉ số tương ứng của quý II/2021 là 15,6% (38,0% doanh nghiệp nhận định tăng và 22,4% doanh nghiệp nhận định giảm).
[17] Chỉ số tương ứng của quý II/2021 là -4,5% (20,5% doanh nghiệp nhận định tăng và 25,0% doanh nghiệp nhận định giảm).
[18] Chỉ số tương ứng của quý II/2021 là -4,8% (10,4% doanh nghiệp nhận định tăng và 15,2% doanh nghiệp nhận định giảm).
[19] Chỉ số tương ứng của quý II/2021 là -7,2% (20,9% doanh nghiệp nhận định tăng và 28,1% doanh nghiệp nhận định giảm).
[20] Chỉ số tương ứng quý II/2020: có 20,5% doanh nghiệp nhận đinh tăng; 54,5% không đổi và 25,0% doanh nghiệp nhận định giảm.
[21] Chỉ số tương ứng của quý II/2021: Toàn ngành có 43,5% nhận định tăng so với quý I/2021; 33,5% doanh nghiệp đánh giá tổng chi phí trên một đơn vị sản phẩm không thay đổi và 23% nhận định giảm.
[22] Chỉ số tương ứng quý II/2021: có 23,0% doanh nghiệp nhận định thuận lợi; 58,4% doanh nghiệp nhận định giữ nguyên và 18,6% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn.
[23] Chỉ số tương ứng quý I/2021: có 81,2% doanh nghiệp nhận định thuận lợi và giữ nguyên (25,2% thuận lợi hơn; 56,0% giữ nguyên) và 18,8% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn.
Theo GSO.GOV.VN