VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Ba đột phá trong chiến lược phát triển

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

28/09/2021 - 134 Lượt xem

 

Giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới là tập trung kiểm soát dịch bệnh để sớm phục hồi, triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh bình thường, trong đó có đầu tư công.
 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm suy giảm các động lực tăng trưởng từ các nguồn vốn khác, tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến động lực và tốc độ tăng trưởng kinh tế chung.

Được biết, vốn đầu tư kế hoạch trong năm nay là hơn 500.000 tỷ đồng, nhưng sau 9 tháng mới giải ngân được gần 1 nữa. Vẫn còn 250.000 tỷ đồng nữa cần được giải ngân. Do đó, phải thảo luận, tìm ra các giải pháp khả thi để có thể giải ngân đúng tiến độ, bởi đây là biện pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ nay tới cuối năm, tạo tiền đề cho năm 2022.

Đồng thời, đảm bảo giải ngân đúng tiến độ, nhưng phải hiệu quả, tránh nhũng nhiễu, tiêu cực.

Liên quan đến vấn đề này, khi đề xuất các biện pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới là cần tập trung vào việc kiểm soát dịch bệnh để sớm phục hồi và triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh bình thường, trong đó có đầu tư công.

Cùng với đó, thực hiện điều chỉnh ngay các quy định pháp lý, giảm thủ tục hành chính quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, trong đó có hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài để đẩy mạnh hơn việc giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn ngoại tệ cho đất nước. 

Để thúc đẩy giải ngân, thời gian tới, các bộ ngành, địa phương phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đầu tư tư nhân…

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, kết quả giải ngân là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ..

Bên cạnh phải hoàn thành việc giao vốn, các bộ ngành, địa phương phải ban hành các kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu..., đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án; ban hành kế hoạch giải ngân cho từng chủ đầu tư, yêu cầu chủ đầu tư cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án…

Cùng với đó, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án; chủ động rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn…

Phải tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch. Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Một giải pháp quan trọng khác là tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư các bộ, ngành và địa phương; kịp thời hướng dẫn để thống nhất cách hiểu, cách triển khai đối với những vấn đề vướng mắc; phổ biến cách làm hay, kinh nghiệm tốt của các cơ quan, đơn vị có tiến độ giải ngân cao.

Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật đang còn chồng chéo, cản trở đến hoạt động đầu tư công để tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án sử dụng vốn ODA.

Trong nhóm 5 giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, có một giải pháp quan trọng liên quan đến việc kiểm soát dịch bệnh.

 Bộ Y tế cần khẩn trương ban hành Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới, hướng dẫn đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, người nhiễm Covid-19 nhưng đã khỏi bệnh và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Các biện pháp khác là, thực hiện kiểm soát giá và chất lượng nguyên, vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm; Kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng làm cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư dự án theo quy định.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát chi. Cụ thể, Bộ Tài chính ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để rút ngắn thời gian, không để tồn đọng hồ sơ mà không rõ lý do.

 

Theo baodautu.vn