Kinh nghiệm cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của các nước
Trung Quốc sẽ "hãm phanh" các biện pháp kích thích kinh tế
10/09/2021 - 108 Lượt xem
Trước đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã hạ 50 điểm cơ bản tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với tất cả các ngân hàng từ ngày 15/7. |
"Chính sách tiền tệ của Trung Quốc vẫn nằm trong ngưỡng bình thường", ông Pan Gongsheng, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) kiêm người đứng đầu Cơ quan quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc nhận xét.
Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng cho biết thêm rằng nước này sẽ không theo đuổi các gói kích thích quy mô lớn, ồ ạt.
Sau thông tin từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tiếp tục phản ứng im ắng và dao động quanh mức 3.675,51 điểm trong phiên giao dịch sáng nay 9/9, sau hai ngày liên tiếp tăng hơn 1%.
Trong khi đó, lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc đạt gần 2,86%. Ông Ting Lu, chuyên gia kinh tế trưởng về thị trường Trung Quốc tại Tập đoàn tài chính Nomura cho biết lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc đã tăng từ mức 2,85% vào cuối ngày 7/9 lên 2,87% sau khi các nhà hoạch định chính sách phát đi tín hiệu rằng khả năng nới lỏng tiền tệ là thấp.
Theo lý giải của ông Pan Gongsheng, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, các điều kiện hiện nay có thể không đòi hỏi nhiều thanh khoản như trước đây để giữ cho lãi suất thị trường tiền tệ ổn định.
Đại diện Ngân hàng Trung ương Trung Quốc khẳng định cơ quan này có "đủ công cụ" để đảm bảo tính thanh khoản của thị trường.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang sử dụng nhiều công cụ thay vì chính sách một tỷ giá chính, để điều chỉnh chính sách tiền tệ. Lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với tất cả các ngân hàng kể từ ngày 15/7. Tuy nhiên, lãi suất cơ bản cho vay vẫn được giữ nguyên trong suốt 16 tháng qua.
Dẫu vậy, động thái này của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn được kỳ vọng giải phóng khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 154 tỷ USD) thanh khoản dài hạn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuần trước, Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết Ngân hàng Trung ương nước này sẽ phát hành thêm 300 tỷ nhân dân tệ (tương đương 46,5 tỷ USD) để các ngân hàng bơm vốn vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Những bình luận của (Ngân hàng Trung ương Trung Quốc) đã hạ thấp khả năng xảy ra một đợt nới lỏng chính sách tích cực bởi PBoC dường như thấy hài lòng với tình hình thanh khoản và mức lãi suất hiện tại", ông Aidan Yao, chuyên gia kinh tế cao cấp tại AXA Investment Managers nhận định.
"Nhìn chung, các nhận định của Phó thống đốc Sun cho thấy PBoC đã không thay đổi lập trường chính sách thận trọng của mình, bất chấp những khó khăn về kinh tế", ông Yao nói.
Trong khi đó, hoạt động thương mại của Trung Quốc trong tháng 8 đã được cải thiện nhiều so với kỳ vọng. Số liệu mới nhất cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 đã tăng 25,6% và còn nhập khẩu - một thước đo về nhu cầu nội địa - đã tăng 33,1% so với cùng kỳ năm trước.
Các báo cáo kinh tế khác cho thấy tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại trong vài tháng qua, đặc biệt là vào cuối tháng 7 và tháng 8 do quốc gia này phải đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 lớn nhất kể từ khi đại dịch bùng lên vào đầu năm 2020.
Ông Xu Hongcai, Phó chủ nhiệm Ủy ban chính sách kinh tế tại Hiệp hội khoa học chính sách Trung Quốc trả lời phỏng vấn đài CNBC qua điện thoại rằng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chịu áp lực trong quý III/2021.
Theo ông Xu Hongcai, xuất khẩu của Trung Quốc không thể duy trì tăng trưởng trong dài hạn và nền kinh tế này cần phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng và đầu tư công nghiệp trong khi cả hai ngành này đều đã suy giảm.
Những đánh giá từ phía Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mới toát lên sự ổn định tổng thể của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và ông Xu Hongcai hy vọng chi tiêu chính phủ và các biện pháp chính sách tài khóa khác sẽ đóng góp nhiều hơn vào việc kích thích nền kinh tế Trung Quốc trong vài tháng tới.
Theo baodautu.vn