VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Số liệu thống kê

Thương mại Việt - Mỹ và những con số ấn tượng

26/08/2021 - 100 Lượt xem

 

Thương mại song phương Việt - Mỹ gần như không có gì vào năm 1995 đã tăng lên 90 tỷ USD vào cuối năm 2020 và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ.
 
Dệt may là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ, với giá trị 14 tỷ USD trong năm 2020.
Dệt may là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ, với giá trị 14 tỷ USD trong năm 2020.

 

Thương mại song phương Việt - Mỹ đã có bước tăng trưởng nhảy vọt đầy ấn tượng sau 26 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực (Tháng 12/2001), thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ liên tục tăng trưởng cao, tăng tới 47 lần, từ 220 triệu USD năm 1994 (năm Mỹ bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam) lên gần 1,5 tỷ USD năm 2001 và đạt khoảng 50,8 tỷ USD vào cuối năm 2017. 

Bộ Công Thương cho biết, tốc độ tăng xuất khẩu trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2017 bình quân đạt 28,1%/năm, từ 732 triệu USD năm 2000 đến 41,61 tỷ USD năm 2017. Tốc độ tăng của hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ cũng đạt mức bình quân 22,2%, từ 352 triệu USD năm 2000 lên đến 9,2 tỷ USD năm 2017.

Năm 2020, dù xuất nhẩu sang nhiều thị trường chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19 nhưng thương mại Việt – Mỹ vẫn đạt 90,8 tỷ USD, tăng 19,8% so với năm 2019. Trong đó, Việt Nam xuất sang Mỹ 77,1 tỷ USD, tăng 25,7% so với năm 2019; nhập khẩu từ Mỹ khoảng 13,7 tỷ USD, giảm 5%, xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ ghi nhận 63,4 tỷ USD.

Phó tổng thống Mỹ, Kamala Harris đến Singapore vào ngày 22/8, sau đó sẽ đến Việt Nam vào ngày 24/8.

Trọng tâm chuyến đi lần này là khả năng phục hồi chuỗi cung ứng. Được biết, ưu tiên hàng đầu của bà Harris là tìm kiếm các giải pháp nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt trong chuỗi cung ứng. Đáng chú ý, Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng, với làn sóng dịch chuyển của các doanh nghiệp ra khỏi Trung Quốc trong những năm gần đây.

Riêng xuát khẩu hàng dệt may ghi nhận sụt giảm 5,8% so với 2019 nhưng vẫn đạt 14 tỷ USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác khoảng 12,2 tỷ USD, tăng 141,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 10,4 tỷ USD, tăng 71,7%; điện thoại và linh kiện khoảng 8,8 tỷ USD, giảm 1,1%; Ggỗ và sản phẩm gỗ 7,2 tỷ USD, tăng 33,8%; giày dép 6,3 tỷ USD, giảm 5,2%…

Thương mại song phương tiếp tục được duy trì trong 7 tháng 2021, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,7 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều nhập khẩu, Việt Nam nhập từ Mỹ 8,97 tỷ USD, tăng 10,6%.

"26 năm kể từ khi 2 bên thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại song phương của chúng ta hầu như không có gì vào năm 1995 đã tăng vọt lên 90 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ mười của Mỹ trên toàn thế giới, vượt qua cả Ấn Độ và Pháp", bà Lynne Gadkowski, Tham tán Kinh tế, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết.

Đồng thời Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh chóng đối với các doanh nghiệp Mỹ. Kể từ năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam đã tăng gần 40%.

Trong khi đó, cơ hội xuất khẩu hàng sang Mỹ của Việt Nam tiếp tục đánh giá là rộng mở, theo nhận định được đưa ra tại sự kiện về thúc đẩy thương mại Việt - Mỹ gần đây. Thực tế, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng nhanh và không có dấu hiệu chậm lại nhờ hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhu cầu cao về hàng hóa của Mỹ khi kinh tế phục hồi. 

Việt Nam cũng là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu khi các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam để sản xuất hàng đi Mỹ. 

Sau khi giảm nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ đang chuyển hướng nhập khẩu hàng hoá từ nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam.

Hồi đầu năm nay, Trang Material Handling & Logistics của Mỹ cho biết, 43% doanh nghiệp Mỹ được hỏi đều khẳng định Việt Nam nằm trong số 3 điểm đến họ ưu tiên tìm kiếm nguồn cung trong đầu năm 2021, tăng gấp đôi so với năm 2019.

Theo Tổng cục Hải quan, Mỹ tăng mua hầu hết những nhóm mặt hàng mà Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn. Đơn cử, với nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sang Mỹ trong 6 tháng 2021 đã tăng tăng 105,2% so với cùng kỳ năm 2020, trijh giấ 7,73 tỷ USD.

"Mỹ là thị trường xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ tăng liên tục trong giai đoạn 2016 – 2020; đáng chú ý, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sang Mỹ trong năm 2020 vẫn tăng mạnh ở mức 3 con số, đạt 12,2 tỷ USD, tăng 141,5% so với năm 2019. Tính chung trong giai đoạn 2016 – 2020, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sang Mỹ tăng bình quân 54,8%/năm", đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho hay.

Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sang thị trường Mỹ tăng từ 21,0% trong năm 2016 lên 44,9% trong năm 2020 và trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng lên 45,2%.

Rõ ràng, Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nhiều loại hàng hóa cho nhiều thị trường toàn cầu, trong đó có  Mỹ. Tuy nhiên, đợt dịch Covid-19 đang bùng phát tại Việt Nam đã và đang làm đứt gãy chuỗi cung ứng, do nhiều nhà máy phải tạm dừng sản xuất.

Được biết, trong chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đến châu Á từ 22/8  và tới Việt Nam vào ngày 24 - 25/8/2021, một trong những ưu tiên hàng đầu của bà Harris là tìm kiếm các giải pháp nhằm giải quyết tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng để giảm bớt ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ.

 

Theo baodautu.vn