VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Cải cách hành chính

Sửa Thông tư 03/2021/TT-NHNN: Kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng

19/08/2021 - 138 Lượt xem

 

Theo dự thảo sửa đổi Thông tư 03, thời gian cơ cấu nợ sẽ được kéo dài đến 30/6/2022 thay vì 31/12/2021. Dự thảo cũng bổ sung quy định tạm hoãn trả nợ cho khách hàng ở vùng phong tỏa.
 
f
Khách hàng không thuộc diện cơ cấu nợ nhưng vẫn được tạm hoãn trả nợ nếu nằm trong vùng phong tỏa.

 

Kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021.  

Theo đó, Điều 4 của Thông tư quy định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung) khi đáp ứng đầy đủ một số điều kiện:

Thứ nhất, dư nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính (quy định theo Thông tư 03 là 10/6/2020). Lý do là dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, với phạm vi, mức độ ảnh hưởng rộng và nghiêm trọng hơn các đợt dịch trước, tình hình sản xuất, kinh doanh, cuộc sống của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực; doanh thu, thu nhập bị sụt giảm; ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng đối với các số dư nợ đến hạn sau ngày 17/7/2021 (ngày Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 969/TTg-KGVX áp dụng các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội phòng để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân). Theo đó: các số dư này thuộc các khoản nợ của khách hàng phát sinh đến cuối tháng 7/2021 sẽ chịu ảnh hưởng từ việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch.

Thứ hai, số dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/06/2022 (quy định hiện hành theo Thông tư 03 là kéo dài đến 31/12/2021).

Có ba lý do được Ngân hàng Nhà nước đưa ra khi gia hạn thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng.

Thứ nhất, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2021, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế với Chính phủ về lộ trình nhập khẩu vaccine Covid-19 và kế hoạch tiêm chủng: Các bộ, cơ quan đang tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực hiện chiến dịch tiêm chủng trên quy mô toàn quốc, phấn đấu đạt 70-75% người dân được tiêm vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Theo đó, Việt Nam cần một khoảng thời gian (từ nay đến cuối năm 2021) để nhận đủ lượng vaccine cần thiết để tiêm chủng cho người dân, thông qua đó giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế.

Thứ hai, ngày 6/8/2021, Chính phủ đã có Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV, trong đó đã đặt mục tiêu TP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9/2021. Các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 01/9/2021. Các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8/2021.

Thứ ba, căn cứ vào kế hoạch tiêm chủng và kế hoạch kiểm soát dịch bệnh nêu trên, tại dự thảo thông tư lần 1 lấy ý kiến các đơn vị trong Ngân hàng Nhà nước, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng đã đánh giá và đề xuất việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/01/2020 đến ngày 30/6/2022 là phù hợp nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng với dịch, theo đó, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ có thêm khoảng thời gian 06 tháng để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc miễn giảm phí cho khách hàng cũng được gia hạn đến 30/6/2022.

Tạm hoãn trả nợ cho vùng phong tỏa

So với Thông tư 03, dự thảo Thông tư sửa đổi có bổ sung thêm điều khoản: Số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 01/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước ngày dự thảo Thông tư có hiệu lực thi hành.

Ban soạn thảo cho biết, việc bổ sung để phù hợp với nguyên tắc xây dựng của Thông tư 01 và Thông tư 03 (đã có quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các số dư nợ quá hạn trước ngày Thông tư 01 và Thông tư 03 có hiệu lực thi hành).

Thực tế ngày 17/7/2021, TTgCP có Công văn số 969/TTg-KGVX về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch tại một số địa phương, trong đó cho phép 19 tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về việc thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất, kinh doanh, cuộc sống của người dân, doanh nghiệp; làm sụt giảm doanh thu, thu nhập, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng đối với các số dư nợ đến hạn trong khoảng thời gian từ ngày 17/7/2021 đến ngày dự thảo thông tư có hiệu lực thi hành (vì số dư nợ này không thuộc phạm vi áp dụng của Thông tư 01 và Thông tư 03 để được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nhà nước thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ nên dẫn đến số dư nợ này sẽ bị tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước chuyển thành nợ quá hạn).

Trước đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt nam cũng có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép khách hàng trong vùng phong tỏa hoãn trả nợ. Theo quy định tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN, điều kiện để được xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng là khách hàng phải có đề nghị và được tổ chức tín dụng đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều trường hợp khách hàng có khả năng trả nợ nhưng không thể ký được giấy đề nghị cơ cấu và (hoặc) không thể nộp tiền thanh toán nợ do đang bị cách ly (theo diện F1, F2) hoặc không được di chuyển ra khỏi địa phương theo quy định của pháp luật do không phải là nhu cầu thiết yếu, cấp bách hoặc thậm chí khách hàng đang điều trị bệnh ở bệnh viện.

Việc chậm thanh toán trong những trường hợp này vẫn bị chuyển sang nhóm nợ cao hơn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín giao dịch của khách hàng khi thể hiện thông tin trên CIC và chất lượng nợ của tổ chức tín dụng.

Chính vì vậy, các tổ chức tín dụng và Hiệp hội ngân hàng đề xuất Ngân hàng Nhà nước có giải pháp hỗ trợ. Theo đó, nếu khách hàng có khoản nợ đến hạn trong thời gian phong tỏa (gốc và/hoặc lãi), cho phép tạm hoãn việc trả nợ trong thời gian phong tỏa và dời thời gian trả nợ của các khoản đến hạn này tới sau thời gian đáo hạn. Nếu khách hàng có khoản nợ đáo hạn trong thời gian phong tỏa, thời gian đáo hạn sẽ được dời tới sau thời gian phong tỏa; Không thu các khoản phí, lãi phạt trong thời gian hoãn trả nợ.

Không giãn trích lập dự phòng rủi ro ra 5 năm

Dự thảo Thông tư trên của Ngân hàng Nhà nước không đề cập đến việc giãn thời gian trích lập dự phòng rủi ro. Theo quy định tại Thông tư 03, tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi ro cho toàn bộ nợ cơ cấu lại trong 3 năm, thực hiện từ năm nay.

Mới đây, Hiệp hội ngân hàng đề nghị, NHNN xem xét điều chỉnh kéo dài thời hạn trích lập bổ sung (có thể trong 5 năm) và giảm tỷ lệ phân bổ trích lập dự phòng rủi ro để giảm tải áp lực tài chính cho ngân hàng, giúp ngân hàng có thêm nguồn lực phát triển kinh doanh, hỗ trợ khách hàng.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn hệ thống, Ngân hàng Nhà nước vẫn quyết tâm siết chặt trích lập dự phòng rủi ro.

 

Theo baodatu.vn