VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Chính sách tài khóa - Chính sách tiền tệ

Cần lãi suất vay đặc biệt để hỗ trợ doanh nghiệp

05/08/2021 - 206 Lượt xem

 

(ĐTCK) Từng ngành nghề chịu tác động của dịch Covid-19 nên có mức lãi suất cho vay ưu đãi khác nhau, trong đó Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM cần những chính sách đặc biệt.
 

Doanh nghiệp cần lãi suất cho vay 0%/năm!

Tháng 5/2021, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Bắc Giang và Bắc Ninh, Vietcombank triển khai chương trình giảm 1%/năm lãi suất cho vay đối với VND và giảm 0,5%/năm đối với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu cũng như cho vay mới của doanh nghiệp và người dân tại hai tỉnh này.

Chương trình giảm lãi suất nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp, nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ, không cần đến sự hỗ trợ này bởi mức tác động của dịch chưa quá lớn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo của hai công ty may lớn tại Bắc Giang là Hà Bắc và Hà Phong cho biết, doanh nghiệp được vay ngoại tệ với lãi suất 2%/năm, nhưng không có nhu cầu.

Việc ngân hàng có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về lãi vay là rất cần thiết, nhưng thực tế cho thấy sự hỗ trợ không nhất thiết phải như nhau. Có những doanh nghiệp cần ít sự hỗ trợ hoặc thậm chí không, nhưng có doanh nghiệp cần sự hỗ trợ rất lớn mới có thể phục hồi sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường.

Ghi nhận ở khu vực 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang giãn cách theo Chỉ thị 16, nhu cầu hỗ trợ cũng tương tự.

Doanh nghiệp cần vay với lãi suất 0% trong 1 năm, nhưng nếu như vậy thì các ngân hàng sẽ lỗ nặng.

Lãnh đạo một doanh nghiệp cung ứng thuốc bảo vệ thực vật tại Đồng Nai cho hay: “Sản phẩm phục phụ nông nghiệp vẫn đang có đầu ra, vấn đề là tổ chức sản xuất sao cho an toàn, điều này cũng có nghĩa doanh nghiệp phải tăng các chi phí liên quan tới nhân công, phòng dịch”.

Tương tự, chủ một doanh nghiệp may mặc tại Bình Dương chia sẻ: “Giãn cách toàn tỉnh, không chỉ người dân mà chủ các doanh nghiệp cũng đang lo. Trong bối cảnh ai cũng có thể là F0, F1, làm thế nào đảm bảo an toàn cho gia đình mình cũng như những công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu, nên hoạt động sản xuất - kinh doanh đình trệ là điều đương nhiên. Chúng tôi cũng vô cùng sốt ruột trước tình cảnh như ở dưới chân núi chịu lũ quét về”.

Trao đổi với lãnh đạo một số doanh nghiệp khu vực miền Nam, thời điểm này, họ không quan tâm đến câu chuyện hạ lãi suất cho vay là bao nhiêu, mà là gia đình họ và người xung quanh cần an toàn đi qua đại dịch. Nếu các ngân hàng thực sự muốn chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, sẵn sàng cùng doanh nghiệp gây dựng lại hoạt động sản xuất - kinh doanh, thì thậm chí cần tính đến giải pháp cho vay “cứu trợ” với lãi suất 0%/năm.

Kinh nghiệm trải qua đợt dịch tại Bắc Giang, lãnh đạo hai doanh nghiệp dệt may tại Bắc Giang nêu trên cho rằng, chính sách hạ lãi suất cho vay ngay trong đại dịch không có nhiều giá trị khi xã cách ly xã, phường cách ly phường, thậm chí tỉnh này cách ly tỉnh kia. Quan trọng là sau dịch, khi doanh nghiệp định hình lại được hoạt động ổn định, chủ doanh nghiệp khi đó mới có thể biết chính xác họ cần làm gì, cần sự hỗ trợ nào cả về thuế, tiền thuê đất, lãi vay…

Cũng theo 2 doanh nghiệp này, riêng về hạ lãi vay không nên cào bằng mức hỗ trợ mà cần phân định từng khu vực, từng ngành nghề chịu tác động của dịch bệnh nên có những mức lãi suất khác nhau, trong đó Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM cần những chính sách đặc biệt.

Đây cũng là nhận định của lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật tại Đồng Nai: “Chính sách về lãi suất trên cả nước cần giảm, nhưng riêng khu vực miền Nam phải là mức lãi suất thấp, thậm chí về sát mức 0%/năm mới có thể cứu được doanh nghiệp đang hấp hối, theo đó cứu được sự tăng trưởng của nền kinh tế”.

Vị lãnh đạo này cũng cho biết thêm, nếu về 0% thì chắc cần có thêm sự hỗ trợ của Chính phủ, nhưng với riêng các ngân hàng thương mại, nên triển khai các chương trình ưu đãi, gói hỗ trợ riêng với lãi suất cho vay giảm mạnh, nhằm chia sẻ với doanh nghiệp, để tất cả cùng “sống”, nếu không là cùng “chết”. Thời gian hỗ trợ ít nhất là 1 năm tài chính.

“Đây là một hướng đi có lẽ chưa có tiền lệ, nhưng cần phải tạo ra chính sách lãi suất vùng, may ra mới có thể cứu vãn được nền kinh tế khu vực miền Đông Nam Bộ - nơi đóng góp 40% ngân sách cho đất nước”, lãnh đạo doanh nghiệp tại Bình Dương nói.

Các ngân hàng nói gì?

Một lãnh đạo cao cấp TPBank nhận định, chuyển khó khăn sang ngân hàng thì ngân hàng cũng “chết”. Doanh nghiệp và người dân cần hệ thống ngân hàng mạnh làm điểm tựa. Nếu cho vay với lãi suất 0%/năm thì các ngân hàng lỗ nặng, dần dà thành suy yếu.

Chính phủ cần thận trọng khi sử dụng chính sách tiền tệ, tín dụng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế

“Tiếp sức cho doanh nghiệp không cần lãi suất quá thấp, chỉ cần 50% so với mức hiện tại, đồng thời tăng khả năng vay vốn, kỳ hạn cho vay dài hơn là hoạt động của các doanh nghiệp sẽ dần khởi sắc. Riêng với lĩnh vực trọng yếu, tình hình quá tệ mà cần vay với lãi suất 0%/năm thì Nhà nước phải có gói kích cầu riêng”, lãnh đạo TPBank nói.

Về quan điểm lãi suất cho vay nên giảm xuống 0%/năm với doanh nghiệp và vùng miền đặc thù, một lãnh đạo cao cấp SCB cho rằng, câu chuyện này khó thực hiện được. Ngân hàng là doanh nghiệp kinh doanh và cũng có giá vốn, cho vay lãi suất 0%/năm thì rất khó để ngân hàng cân đối nguồn cung, nếu không có cơ chế từ Chính phủ.

“Bên cạnh đó, việc quản lý cho vay rất khó vì phải đảm bảo đúng đối tượng và doanh nghiệp cần chứng minh phương án kinh doanh khả thi. Ân hạn gốc, lãi sẽ là phương án khả thi hơn và nếu cần gói hỗ trợ sẽ phải được triển khai từ chính sách khác một cách quyết liệt, nhưng không phải là chính sách tiền tệ”, lãnh đạo SCB nêu quan điểm.

Cần tránh “vết xe đổ”

Trước đây, giai đoạn 2008-2009, khủng hoảng tài chính toàn cầu lan rộng và Việt Nam không là ngoại lệ. Để ngăn chặn đà suy giảm của nền kinh tế, nhiều quốc gia trên thế giới triển khai các gói kích thích kinh tế với quy mô lớn và tại Việt Nam là các gói kích thích có tổng trị giá khoảng 145.000 tỷ đồng (tương đương 9% GDP). Trong đó, gói hỗ trợ lãi suất vay tín dụng 17.000 tỷ đồng, gói chính sách giảm thuế 28.000 tỷ đồng, gói tăng đầu tư công hơn 90.000 tỷ đồng và gói bổ sung an sinh xã hội gần 10.000 tỷ đồng.

Theo đó, ngày 23/1/2009, Quyết định số 131/QĐ-TTg về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất - kinh doanh được ban hành. Nội dung của quyết định nêu rõ, nguyên tắc hỗ trợ lãi suất là các ngân hàng thương mại cho vay các nhu cầu vốn lưu động để hoạt động sản xuất - kinh doanh theo cơ chế tín dụng thông thường và thực hiện hỗ trợ lãi suất theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước; không được từ chối hỗ trợ lãi suất, nếu khoản vay thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất; định kỳ báo cáo Ngân hàng Nhà nước để kiểm tra, giám sát tình hình hỗ trợ lãi suất.

Thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 8 tháng đối với các khoản vay theo hợp đồng tín dụng được ký kết và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1/2/2009 đến ngày 31/12/2009. Mức lãi suất hỗ trợ cho khách hàng vay là 4%/năm, tính trên số tiền vay và thời hạn cho vay thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định; khi thu lãi cho vay, các ngân hàng thương mại giảm trừ số tiền lãi phải trả cho khách hàng vay.

Ngày 3/2/2009, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02/2009/TT-NHNN quy định chi tiết thi hành việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức và cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất - kinh doanh, Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Đến ngày 31/12/2009, Thủ tướng quyết định dừng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay vốn lưu động theo Quyết định 131. Thông tin được đưa trên các phương tiện truyền thông do một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước thời điểm đó cho biết: “Số tiền hỗ trợ lãi suất dự kiến thực hiện theo Quyết định 131/QĐ-TTg đến hết năm 2009 khoảng 400.000 tỷ đồng”.

Liên quan đến việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn để thực hiện đầu tư mới nhằm phát triển sản xuất - kinh doanh (theo Quyết định số 443/QĐ-TTG ngày 4/4/2009) và khoản vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp (theo Quyết định 497/QĐ-TTg ngày 17/4/2009) tiếp tục được triển khai thực hiện trong năm 2010, chứ không chấm dứt tại thời điểm 31/12/2009. Trong năm 2010, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ lãi suất 2%/năm, thay vì 4%/năm như trong năm 2009 cho các khoản vay trung và dài hạn để thực hiện đầu tư mới phát triển sản xuất - kinh doanh.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế, nếu xét theo tỷ lệ so với GDP, các gói kích thích của Việt Nam giai đoạn đó thuộc mức cao so với nhiều nước trên thế giới. Tổng số tín dụng được hỗ trợ bù lãi suất của gói kích cầu 17.000 tỷ đồng khoảng trên 400.000 tỷ đồng nghĩa là tỷ lệ tăng dư nợ vô cùng lớn trong một thời gian ngắn.

TS. Nghĩa đặt vấn đề, ngân hàng giải ngân tiền cho vay đến doanh nghiệp và doanh nghiệp “xoay xở” thế nào trong số tiền “khủng” này? Rồi ông giải đáp luôn: thứ nhất, tạm chuyển qua tài khoản tiết kiệm có thời hạn để được hưởng lãi suất huy động (thời điểm đó khoảng 8 - 8,5%/năm - PV); thứ hai, đảo nợ - tạm trả những khoản nợ cũ đã vay với lãi suất cao; thứ ba, tham gia thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản…

“Tóm lại là dùng vào những việc ngoài mục đích của chính sách hỗ trợ lãi suất. Cách sử dụng số vốn vay như trên đã có những tác động xấu đối với thị trường tài chính và nền kinh tế. Đối với hệ thống ngân hàng, đến năm 2011 là đống nợ xấu khủng khiếp, chính các ngân hàng cũng không tưởng tượng được”, TS. Nghĩa nói.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nêu quan điểm: “Chính sách này đã đẩy một lượng tín dụng rất lớn vào thị trường và tạo ra nợ xấu lớn, một hậu quả của chính sách hỗ trợ lãi suất. Nguy hiểm hơn là lạm phát tăng trở lại, kích cầu kém hiệu quả, không đúng đối tượng, khiến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế yếu đi và nền kinh tế xấu đều”.

Được biết, tín dụng tăng 37,5% năm 2009 và 31,2% năm 2010, cung tiền tăng 33,3% trong năm 2010. Nguy cơ lạm phát tái xuất hiện vào cuối năm 2010 đã kích hoạt chính sách tiền tệ thắt chặt mới, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất chính sách lên 700 điểm phần trăm vào cuối năm 2010 và 2011. Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2012 đã chậm lại tại mức 5%, thấp nhất kể từ năm 2000, bởi việc thắt chặt chính sách tiền tệ do lạm phát cao và tăng trưởng tín dụng quá cao làm hạ nhiệt hoạt động đầu tư và đầu cơ.

Lo ngại về nợ xấu ngân hàng và hoạt động kinh doanh chậm chạp đồng thời tăng lên khi Ngân hàng Nhà nước đột ngột thắt chặt chính sách tiền tệ bằng việc tăng lãi suất chính sách. Một lượng lớn khách hàng vay gặp khó khăn trong việc trả nợ, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Theo báo cáo của các ngân hàng, mức nợ xấu thời điểm đó dưới 5%, Ngân hàng Nhà nước ước tính mức nợ xấu khoảng 8,8%, còn theo các chuyên gia kinh tế thì nợ xấu thực tế có thể cao gần gấp đôi con số 8,8%.

Trong giai đoạn hiện nay, TS. Nghĩa khuyến nghị, Chính phủ nên sử dụng chính sách tài khoá, thay vì chính sách tiền tệ, trong nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng vay tiền trong dân và phải trả lãi nên không thể cho vay với lãi suất 0%/năm. Chính sách tài khoá có “lực” thì triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, không có “lực” thì đi vay thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ, hoặc vay khoảng 1 tỷ USD từ Ngân hàng Nhà nước vốn vẫn có dự trữ ngoại tệ, hay vay của nước ngoài. Hiện nay, các chính phủ trên thế giới tài trợ doanh nghiệp của nước họ rất lớn và tất cả đều thông qua ngân sách nhà nước.

Theo TS. Nghĩa, lãi suất huy động đang ở mức thấp mà tiếp tục giảm thì hệ thống ngân hàng sẽ đối mặt với bẫy thanh khoản. Hiểu một cách đơn giản là khi hạ lãi suất tiền gửi đến một mức độ nào đó, người dân sẽ rút ra đầu tư vào thị trường chứng khoán và bất động sản, hay mua vàng, ngoại tệ, thậm chí để tiền tích trữ trong nhà.

“Gói hỗ trợ lãi suất vay tín dụng 17.000 tỷ đồng, còn gọi là kích cầu tín dụng bằng lãi suất cho vay trước đây về cơ bản thất bại. Đây là một bài học để Chính phủ cần thận trọng khi sử dụng chính sách tiền tệ, tín dụng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp”, TS. Nghĩa nhấn mạnh.

 

Theo báo tinnhanhchungkhoan.vn