VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Nông nghiệp - Nông thôn - Nông dân

Để nông sản miền Tây không mãi giải cứu Kỳ 3: Thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

28/07/2021 - 122 Lượt xem

 

Khoai lang tím Nhật tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đang bị ế hàng, rớt giá thê thảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Để hiệu quả cần hướng đến thị trường cần gì sản xuất cái đó, hướng đến chất lượng chứ không theo số lượng. Chỉ tiêu, sản xuất không chỉ dựa trên mỗi lợi thế về địa hình, hay thổ nhưỡng và tính toán trên nhu cầu tiêu thụ. Khi đó nông sản sẽ đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng thì sẽ không còn ùn ứ hay phải giải cứu.

Đánh cược nhiều hơn làm kinh tế

Câu chuyện “đầu ra cho nông sản” là câu chuyện lớn của ngành nông nghiệp nước ta trong thời gian qua. Bởi tư duy và quan điểm sản xuất của người làm nông chưa thấm hết quy luật của thị trường.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ, cho rằng, quá trình này xuất phát từ sự trợ cấp của nhà nước trước đây, rồi đến bao tiêu nông sản qua những mùa vụ mất mùa do thiên tai. “Hơn nữa, tính đùm bọc trong xã hội ta còn quá lớn nên đã thành thói quen khi gặp khó khăn là chính quyền địa phương và nhà nông kêu gọi chung tay giải cứu”, ông Nguyễn Phương Lam nêu quan điểm. 

Giáo sư Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, chuyên gia đầu ngành và tâm huyết với nền nông nghiệp Việt Nam nói, “điệp khúc” trúng mùa, rớt giá, bán không được cứ lặp lại mãi trong nền nông nghiệp của chúng ta. Đó là hậu quả của tình trạng mạnh ai nấy làm. Người nông dân hễ thấy ai nuôi, trồng gì đó mà bán được giá thì làm theo, không cần biết thị trường yêu cầu thế nào. Thương lái thì thu gom nông sản theo “lệnh” của vựa đầu nậu ở các chợ đầu mối hoặc các công ty. Không có “lệnh” này thì kể như thương lái vắng bóng, nông dân không bán được, phải kêu than. Nhà nước các cấp thì chờ dân kêu than mới lo tìm cách “giải cứu”. “Đây không phải chỉ do lỗi cho nông dân không theo quy hoạch hoặc khuyến cáo của nhà nước. Phải thẳng thắn nói rằng, nông dân cũng đã nhiều lần nghe theo ngành chức năng địa phương bảo trồng cây gì, nuôi con gì, nhưng rồi nhà nước đâu có mua hoặc đâu có quyền bảo thương lái mua. Cho nên sau này nông dân phải “tự lo””, Giáo sư Võ Tòng Xuân phân tích.

Giáo sư cho rằng, ngày nào Nhà nước ta còn để cho nền “kinh tế giải cứu” tồn tại thì nông dân sẽ tiếp tục sản xuất theo tự phát. “Tôi chắc chắn chúng ta không ai muốn kinh tế giải cứu kéo dài. Nhưng trong tình thế mù mờ về thị trường nông sản, người nông dân chỉ biết sản xuất theo kiểu người sau làm theo người đi trước”, ông nói và đề nghị Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, VCCI, các tập đoàn kết nối thông tin của các đại sứ quán và tổng lãnh Sự Việt Nam ở các nước ngoài thấy được nhu cầu nông sản tươi, hoặc thô hoặc đã chế biến ở các nước để định hướng. Từ đó, các vùng lãnh thổ trong nước, nơi nào sản xuất được cây, con gì để các tỉnh, huyện của nước ta, từ nông dân đến các doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương đều biết hướng sản xuất.

“Khi đó, nông dân trong vùng sẽ được tổ chức kết hợp nhau trong hợp tác xã nông nghiệp, được tạo điều kiện liên kết với doanh nghiệp chế biến nông sản. Các doanh nghiệp cùng một ngành ở các nơi đều liên kết được nhau theo một tập đoàn logistics, liên kết với các trung tâm của các vùng. Như thế chúng ta sẽ không còn cảnh mạnh ai nấy làm, mà phần lớn chỉ làm theo chuỗi liên kết. Không còn kinh tế giải cứu nữa”, Giáo sư Võ Tòng Xuân giải thích.  

Tại buổi thăm các vùng sản xuất chuyên canh nông sản và gặp gỡ các cơ quan chức năng, doanh nghiệp ở Vĩnh Long, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lê Minh Hoan cho rằng, thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn đầu ra nhưng không phải trong dịch Covid-19. Đôi khi cũng rơi vào cảnh hỗn độn, cung vượt cầu.

Nói về khoai lang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, hiện thị trường Trung Quốc bắt đầu “siết” về chất lượng. Tất cả đều phải có mã vùng, truy xuất nguồn gốc, an toàn, chất lượng… “Vì thế, đã đến lúc phải nhìn thẳng sự thật. Phải thay đổi tư duy sản lượng sang tư duy làm kinh tế, nâng cao chất lượng nông sản. Khi nông sản hiếm thì giá tăng, khi thừa thì xuống, chúng ta đang đánh cược nhiều hơn là làm kinh tế nông nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định. 

Kỳ 3: Thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp -0

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan (thứ 2 từ trái qua) thăm vùng chuyên canh khoai lang ở Vĩnh Long.

Cần chế tài để liên kết được thực thi

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài, Nhà nước lo quá nhiều về việc chặn đứng lây lan của virus mà làm tổn hại các hoạt động bình thường của kinh tế, gây ách tắt giao thông một số nơi trong khi phần lớn các hoạt động thường xuyên bị bỏ dở.

Ông đề nghị, bộ máy điều hành kiểm soát dịch bệnh nên quán xuyến tất cả các hoạt động của xã hội khi thiết kế chương trình chống dịch. Vừa kiểm soát sự lây lan sang người mạnh và hiệu quả chữa trị người bị bệnh, vừa bảo đảm lưu thông dễ dàng cho các nhu cầu dịch vụ nhân sinh hàng ngày, vừa duy trì các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.

 

Kỳ 3: Thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp -0

Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu và tâm huyết với Nông nghiệp Việt Nam.

Còn ông Nguyễn Phương Lam nói, để hiệu quả cần hướng đến thị trường cần gì thì sản xuất đó, hướng đến chất lượng chứ không theo số lượng, chỉ tiêu. Sản xuất không chỉ dựa trên mỗi lợi thế về địa hình, hay thổ nhưỡng và tính toán trên nhu cầu tiêu thụ. Khi đó, nông sản sẽ đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng thì sẽ không còn ùn ứ hay phải giải cứu. Đó là điều cần phải làm cho nông sản Việt Nam và miền tây nói riêng nếu muốn phát triển ổn định và bền vững.    

Ông Lam cũng đánh giá, các mô hình kinh tế chuỗi, hợp tác, liên kết... đã được các nhà kinh tế, chính sách và chuyên ngành phân tích đánh giá, bàn thảo rất nhiều. Song đến nay,mới thu được một số kết quả nhất định trong một vài mặt hàng cụ thể. “Nhiều vấn đề cần tháo gỡ từ chính sách để bài toán liên kết có thể thực thi được chứ không chỉ đơn thuần là mong muốn hay kêu gọi”, ông Lam nói và chỉ ra nhiều bất cập.

 

Kỳ 3: Thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp -0

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI tại Cần Thơ. 

Thứ nhất là phải nói đến quy hoạch. Chúng ta đang thiếu quy hoạch và còn nhiều quy hoạch đan xen bất cập trong sản xuất. Bài toán nông nghiệp phải xuất phát từ đất đai và phân chia vùng canh tác. Hay nói cách khác là tạo được vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn để ứng dụng được khoa học kỹ thuật cho sản xuất lớn. Chính sách hạn điền đến nay cũng chưa được “gỡ” vì nhiều lý do khác nhau, phần nào chưa thể tạo được tiềm lực mạnh cho vùng canh tác đồng nhất. Chất lượng của các yếu tố đầu vào chưa được cải thiện dù có tiến triển hơn một thập niên qua. Chất lượng giống, nguồn nước, đất chưa bảo đảm để đồng bộ, phương thức canh tác chưa thống nhất cao, tay nghề và trình độ sản xuất còn hạn chế.

“Một vấn đề nan giải mà có thể là mấu chốt để bảo đảm được tính liên kết, đó là khả năng thực thi và chế tài của pháp luật. Rất nhiều trường hợp xảy ra trong khâu liên kết tiêu thụ nông sản, do lợi ích ngắn hạn nên phía cung (nông dân) hay cả cầu (doanh nghiệp) ít thực thi theo cam kết. Thực tế đang diễn ra nhiều nhưng dường như các biện pháp chế tài rất khó thực thi bởi 2 chủ thể trong mắc xích “doanh nghiệp - nông dân” khá nhạy cảm và phức tạp”, Giám đốc VCCC tại Cần Thơ chỉ rõ.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI tại Cần Thơ nói rằng, giải pháp tìm đầu ra cho ngành nông sản lúc này là cần có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư vào các hệ thống kho lưu trữ. Cụ thể là kho lạnh để có thể thu mua và trữ các mặt hàng nông sản của nông dân sản xuất. Chính sách về lãi suất cần tính đến cho những ưu tiên này để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.

Nhà nước tập trung cho hạ tầng giao thông đường bộ và cảng biển để hàng hóa được lưu thông tốt hơn. Khi đó, các doanh nghiệp thương mại sẳn sàng thu mua nông sản và điều tiết được thị trường tiêu thụ. Rào cản còn lại là hạ tầng, logistic cho nông sản vẫn chưa được đáp ứng. Các khâu vận tải, kho bãi, lưu trữ... rất cần thiết cho quá trình từ sản xuất đến chế biến xuất khẩu, tạo sự thông suốt và năng lực cạnh tranh, nhưng đây là điểm yếu chung của ngành nông nghiệp Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

 

Theo baonhandan.vn