Hàng ngàn tấn nhãn của nông dân ở Nông trường Sông Hậu TP Cần Thơ bị nghẽn đầu ra.
Không chỉ bị cảnh “được mùa, mất giá”, giờ đây, nông sản ở miền Tây Nam bộ còn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến cảnh ế hàng, dội chợ diễn ra khắp nơi, giá cả rớt thê thảm. Để phòng chống dịch bệnh, hầu hết các tỉnh, thành đều tăng cường kiểm soát người, phương tiện ra vào tỉnh bằng những “hàng rào kỹ thuật” riêng, khiến chuỗi cung ứng, vận chuyển bị đứt gãy. Nếu dịch bệnh kéo dài, chẳng lẽ nông sản miền Tây mãi “giải cứu”?.
Không được mùa vẫn mất giá
Nông dân miền Tây đã quen với điệp khúc “được mùa, mất giá” và vẫn chấp nhận. Bởi vì giá có giảm thì vẫn còn năng suất, sản lượng kéo lại, họa may thì huề vốn hoặc lời lãi chút ít. Đằng này, nông dân “kêu trời” vì vụ mùa năm nay nhiều loại nông sản không trúng mùa mà vẫn bị mất giá vì ế hàng, dội chợ do dịch bệnh Covid-19 diễn ra ở khắp nơi.
Thấy giá nhãn liên tục sụt giảm trong những ngày qua, ông Nguyễn Văn Năm ở xã Phú Hựu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, lo lắng tới mất ăn mất ngủ.
Ông Năm có 13.000 m2 đất trồng nhãn Thái Lan đang vô vụ thu hoach rộ, tổng số hơn 20 tấn. Lão nông than: “Giá nhãn bây giờ còn 8.000 - 9.000 đồng/kg. Nhiều năm trồng nhãn Thái chưa bao giờ tôi thấy giá xuống thấp như vậy. Năm trước cũng có dịch bệnh nhưng giá nhãn vẫn ở mức 15.000 ngàn đồng/kg.
Còn năm nay giá cả rớt thê thảm, bán ra không đủ tiền phân thuốc, còn công lao động coi như bỏ”. Còn ông Tư Hòa ở cù lao An Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành nói rằng tổng số 60 ha nhãn ở đây đang bị Covid-19… bao vây. “Do có ca nhiễm Covid-19 nên cù lao An Hòa bị phong toả, thương lái không thua mua nhãn của nông dân được. Từ giữa tháng 7 đến nay, chỉ tiêu thụ được khoảng 13 tấn, giá thua mua tại vườn là 10.000 ngàn đồng/ký, còn hàng trăm tấn nhãn sắp thu hoạch của bà con không biết bán đi đâu”, ông Tư Hòa buồn bã nói.
Chung cảnh ngộ, ông Lâm Văn Tính, nhà vườn trồng nhãn ở Nông trường Sông Hậu, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ cho biết, vườn nhãn nhà mình đã tới kỳ thu hoạch nhưng vẫn còn “neo” lại trên cây, chưa dám thuê người hái. Ông Tính nói, năng suất nhãn năm nay cũng trung bình, không trúng mùa như vụ trước, nhưng giá cả thì đã sụt giảm liên tục rồi. “Bình thường giá nhãn Ido từ 25.000-30.000 đồng/kg đã rớt xuống 10.000 đồng/kg, hôm nay nghe nói chỉ còn 6.000 đồng/kg. Còn thanh nhãn thời điểm bán xuất khẩu có giá hơn 70.000 đồng/kg, giờ chỉ còn 20.000 đồng/kg, nhưng chỉ bán được số lượng nhỏ”, ông Tính ngao ngán.
Không chỉ nhãn, mà nhiều loại nông sản khác cũng chung cảnh tắc nghẽn đầu ra. Chỉ tay về phía vườn mít rộng 6.500 m2 phía sau nhà, ông Phạm Văn Bảnh, 61 tuổi, ở xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cho biết, đang lo lắng vì giá mít giảm từng ngày. Trong khi đó, tổng diện tích trồng mít trên toàn huyện Tháp Mười khoảng 1.500 ha, tập trung nhiều nhất tại ba xã Đốc Binh Kiều, Thanh Mỹ và Phú Điền. Diện tích mít đang thu hoạch trái khoảng 700 ha, sản lượng đạt khoảng 10.000 tấn, tiêu thụ chủ yếu ở chợ truyền thống và thông qua thương lái nên nông dân “khóc ròng”.
Canh tác 5.000 m2 mít Thái Lan, thu hoạch đã nhiều vụ nhưng đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Văn Sơn, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long chứng kiến giá mít giảm sâu đến vậy. Ông Sơn nói, giá mít Thái Lan hiện nay chỉ khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg, mà chủ yếu bán cho người dân mua ăn với số lượng nhỏ. Trong khi trước đó, giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, một trái mít có thể đem lại thu nhập cho nhà vườn vài trăm đến cả triệu đồng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết, toàn tỉnh có 2.480 ha trồng mít Thái siêu sớm. Trong đó, huyện Bình Tân chiếm diện tích khoảng 1.000 ha, kế đến là huyện Long Hồ 336 ha… đang thu hoạch nhưng rơi vào tình cảnh ế ẩm.
Nông dân “ngóng” thương lái, “ngóng” chợ
Bà Đặng Thu Hồng, chủ vựa chuyên thu mua mít Thái Lan ở xã Thành Đông, huyện Bình Tân cho biết, trước kia chưa có dịch bệnh, vựa luôn nhộn nhịp người mua, người bán, xe tải, xe máy chở hàng ra vào tấp nập. “Bình thường tôi thu mua từ 10-15 tấn mít/ngày. Còn từ hồi dịch bệnh bùng phát tới nay tôi không dám mạo hiểm mua vào, mặc dù giá mít rất thấp. Do mít Thái Lan có thời gian bảo quản ngắn, mau hư nên mình cũng không dám mua dự trữ. Chợ đầu mối ở các thành phố lớn, chợ truyền thống nhiều tỉnh chưa hoạt động lại thì đầu ra mít Thái Lan và nhiều loại nông sản khác vẫn tiếp tục tắc nghẽn. Bây giờ tôi mua ngày nào bán ngày đó với số lượng nhỏ để “giữ mối” với nông dân và để “ngóng” chợ đầu mối Bình Điền được mở cửa trở lại, chứ có xuất bán được đi đâu”, bà Hồng cho hay.
Những ngày này, đến “thủ phủ” khoai lang tím Nhật ở huyện Bình Tân không còn quang cảnh lao động nhộn nhịp trên đồng, mặc dù đang là thời điểm thu hoạch rộ. Không chỉ vì địa phương này nằm trong diện thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19, mà vì thời điểm này không có thương lái thu mua khoai lang do không xuất khẩu được. Diện tích khoai lang vụ đông xuân đến kỳ thu hoạch của Bình Tân khoảng 800 ha với sản lượng khoảng 32.000 tấn đành phải kêu cứu đến các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người dân trong và ngoài tỉnh.
Hơn chục năm trồng khoai lang tím Nhật, nhiều lần vui mừng khi giá khoai lang tím tăng cao kỷ lục, nhưng cũng không ít lần rớt nước mắt vì giá khoai tuột dốc, nhưng đây là lần đầu tiên bà Cẩm Em ở xã Thành Trung, huyện Bình Tân lâm cảnh lao đao.
“Giá khoai lang tím thấp chưa tùng thấy, chỉ còn 300 đồng/kg mà không có người mua. 10 người trồng khoai thì hết 9 người lỗ trắng tay. Giá bán thấp hơn giá thành sản xuất, nhiều ruộng khoai bỏ chết cháy khô trên đồng, không thèm thu hoạch”, bà Cẩm Em buồn bã nói.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Bình Tân thổ lộ, từ hồi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long thì thương lái mua khoai lang cũng vắng bóng. Nông dân cứ “ngóng” thương lái rồi “neo” khoai trên đồng ruộng tới cháy dây, quá lứa mà không thu hoạch.
“Trên địa bàn xã vẫn còn khoảng 300 ha khoai lang tím đang đến độ thu hoạch nhưng không ai mua, khiến cho nông dân mất ăn mất ngủ, mất trắng. Vụ khoai này, nông dân cầm chắc lỗ 15 - 20 triệu đồng/công (1.000m2). Còn hiện nay, dịch bệnh khắp nơi, giãn cách xã hội khiến việc vận chuyển gặp khó khăn nên nên khoai lang không thể tiêu thụ được”, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết.
Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, Nguyễn Văn Tập cho biết, diện tích khoai lang tím Nhật toàn huyện mỗi năm khoảng 12.000 - 13.000 ha, sản lượng 350.000 tấn. Do diện tích lớn, lại ảnh hưởng tình hình dịch bệnh nên giá khoai lang thời gian qua giảm mạnh.
“Nguyên nhân là thiếu thị trường tiêu thụ, khoai lang tím Nhật chủ yếu xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch nên không ổn định. Mỗi tháng trung bình nông dân thu hoạch khoảng 1.000 ha khoai lang nên luôn trong tâm trạng thấp thỏm về đầu ra”, ông Nguyễn Văn Tập chia sẻ.
Nói về việc tắc nghẽn đầu ra của trái nhãn, Giám đốc Nông trường Sông Hậu Nguyễn Thanh Phú cho hay, toàn bộ diện tích trồng nhãn của nông dân khoảng 200 ha, thu hoạch liên tục khoảng 1.600 tấn. Thế nhưng liên hệ với các đầu mối, thương lái quen thì họ đều từ chối vì hiện nay các chợ đầu mối nông sản lớn như chợ Bình Điền đều đóng cửa, không hoạt động nên không biết bán đi đâu.
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết, đầu ra chủ yếu của trái nhãn trên địa bàn TP Cần Thơ từ trước đến nay đều phụ thuộc vào thương lái và các vựa thu mua ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp để làm nhãn sấy, xuất khẩu sang Trung Quốc. “Bây giờ đang bị dịch bệnh Covid-19 nên khâu vận chuyển gặp rất nhiều khó khăn, khiến chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản bị đứt gãy. Từ đó ảnh hưởng tới đầu ra của nông sản và giá cả cũng tụt giảm theo”, ông Hà Vũ Sơn nói.