VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tái cấu trúc nền kinh tế

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái họp về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

16/06/2021 - 108 Lượt xem

 

(MPI) - Căn cứ Công văn số 769/VPCP-TH ngày 09/6/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc tổ chức Cuộc họp bàn về nội dung Báo cáo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở Tờ trình số 3026/TTr-BKHĐT ngày 21/5/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 tại cuộc họp diễn ra ngày 13/6/2021.
 
Thứ trưởng Trần Duy Đông. Ảnh: MPI

17/22 mục tiêu của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã được hoàn thành

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã được tổ chức thực hiện và mang lại nhiều kết quả quan trọng. Qua đánh giá cho thấy có 17/22 mục tiêu của Kế hoạch đã được hoàn thành, 5 nhóm nhiệm vụ đã được triển khai thực hiện và có kết quả tích cực.

Thứ nhất, ba trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế (đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng) đã được đẩy mạnh và có những bước tiến thực chất hơn: Các quy định, pháp luật về đầu tư công được sửa đổi, hoàn thiện nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020; kỷ luật, kỷ cương được nâng cao; dần khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản; tỷ lệ giải ngân, hiệu quả đầu tư được cải thiện.

Thứ hai, cơ cấu lại ngân sách nhà nước và khu vực công đạt được kết quả tích cực: Quy mô NSNN được cải thiện; cơ cấu thu bền vững hơn, tăng tỷ trọng chi đầu tư, bội chi ngân sách và tỷ trọng nợ công trên GDP được kiểm soát, bảo đảm an toàn nợ công, an toàn tài chính quốc gia.

Thứ ba, khu vực kinh tế tư nhân trong nước được thúc đẩy phát triển, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả tích cực: Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ; Hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo được chú trọng xây dựng. Thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chú trọng các công ty đa quốc gia lớn. Một số tập đoàn lớn, mạnh về công nghệ đã lựa chọn đầu tư ở Việt Nam.

Thứ tư, công tác quy hoạch, cơ cấu lại ngành và vùng kinh tế được đẩy mạnh, bước đầu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả: Hệ thống pháp luật về quy hoạch được hoàn thiện, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ; thúc đẩy liên kết, ngành, địa phương, phát huy vai trò động lực của các vùng kinh tế động lực.

Thứ năm, hình thành và phát triển các loại thị trường đã đạt được một số kết quả: Quy mô và cơ cấu thị trường tài chính có sự điều chỉnh hợp lý giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Thị trường lao động được tăng cường thông qua dự báo, kết nối cung cầu lao động. Thị trường khoa học và công nghệ sôi động hơn, giá trị giao dịch, số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ tăng.

Kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng, gia tăng năng suất, nâng dần tỷ lệ đóng góp của TFP vào tăng trưởng; đảm bảo và củng cố kinh tế vĩ mô, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về tư duy, nhận thức và hành động của các cấp, các ngành trong thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, tạo dựng lòng tin cho thị trường.

Tăng năng suất, hiệu quả, nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế

Dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đưa ra quan điểm: Cơ cấu lại nền kinh tế cần được triển khai đồng bộ để thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng; củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường sức chống chịu và khả năng ứng phó với biến động bên ngoài, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá; gắn với tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh; căn cứ vào điều kiện cụ thể để xác định trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 của ngành, vùng, địa phương.

Dự thảo đưa ra mục tiêu tổng quát của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế là nhằm tạo nên những thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, hiệu quả, nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế trước những biến động bên ngoài, từng bước tạo lập được hệ thống động lực và các yếu tố nền tảng (về khoa học công nghệ gắn với nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng) để hướng tới nền kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Dự thảo Kế hoạch đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, bao gồm: Củng cố nền tảng vĩ mô, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Phát triển thị trường các yếu tố sản xuất, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực. Phát triển lực lượng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy nội lực, tăng cường tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Tăng cường liên kết vùng và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng. Nâng cấp chuỗi giá trị các ngành dựa vào ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Kế hoạch cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 ngoài việc khắc phục những tồn tại hạn chế của giai đoạn trước còn bổ sung các nhiệm vụ trong bối cảnh mới, đáp ứng yêu cầu phát triển. Do đó, nội dung của Kế hoạch có nhiều điểm mới so với kế hoạch giai đoạn trước, như bên cạnh các nội dung nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 bổ sung các nội dung tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế. Kế hoạch nhấn mạnh đến đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ số nhằm nắm bắt được các cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu tạo ra kết quả rõ nét trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Kế hoạch tăng cường và tập trung vào phát triển lực lượng doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước. Kế hoạch đặt ra mục tiêu và tăng cường các giải pháp khai thác lợi thế vùng và lợi thế của các trung tâm đô thị lớn, vùng kinh tế trọng điểm trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng.

Kế hoạch cũng yêu cầu các địa phương căn cứ vào điều kiện, lợi thế của địa phương và trình độ phát triển để xây dựng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp, từ đó nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện. Tăng cường hiệu quả của quá trình tổ chức thực hiện thông qua ban hành bộ chỉ tiêu giám sát quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và tăng cường giám sát quá trình triển khai thực hiện./.

 

Theo mpi.gov.vn