VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Các loại hình doanh nghiệp

Chiến lược nuôi dưỡng “kỳ lân” của quỹ đầu tư

26/05/2021 - 240 Lượt xem

 

Không giới hạn ngành hay lĩnh vực đầu tư, không cạnh tranh theo kiểu triệt tiêu, các quỹ đầu tư mạo hiểm có xu hướng bắt tay nhau tạo nên những “kỳ lân” của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.
 
Các quỹ đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam
Các quỹ đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam

 

Xu hướng tiếp cận mới

Các quỹ đầu tư mạo hiểm thường lựa chọn tiếp cận start-up thông qua nhiều kênh khác nhau. Ví dụ, Nextrans (Hàn Quốc) và Hustle Fund (có trụ sở tại Thung lũng Silicon) ưu tiên start-up trực tiếp nộp hồ sơ về website chính thức của Quỹ hoặc thông qua mối quan hệ cộng đồng khởi nghiệp.

Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc đại diện Nextrans tại Việt Nam cho hay, thông qua dữ liệu thực tế từ hình thức này, Quỹ sẽ tối ưu hóa thời gian. Đây có thể trở thành xu hướng thay thế những cách tiếp cận truyền thống. Nextrans dự định tận dụng, duy trì và đẩy mạnh kênh website để tìm kiếm thương vụ đầu tư trong thời gian tới.

Quỹ này tập trung tìm kiếm các start-up có yếu tố công nghệ với tốc độ tăng trưởng cao, thể hiện qua danh mục đầu tư khá đa dạng, gồm edtech (công nghệ giáo dục), proptech (công nghệ bất động sản), medtech (công nghệ y tế), SaaS (phân phối dịch vụ ứng dụng phần mềm), OTA (đại lý du lịch trực tuyến), logistics... Việc không giới hạn ngành hay lĩnh vực đầu tư được coi là chiến lược phân tán rủi ro trên thị trường của Nextrans.

Nextrans đã hỗ trợ hơn 100 start-up trên khắp thế giới từ năm 2004 và bắt đầu đầu tư vào các start-up Việt Nam từ năm 2015. Tính đến nay, Quỹ đã có 18 khoản đầu tư vào các start-up Việt, mỗi khoản đầu tư tối thiểu là 50.000 USD, tối đa là 1,5 triệu USD.

Tương tự, Quỹ Hustle Fund cũng có tham vọng mở rộng vào thị trường Đông Nam Á, nhất là Việt Nam, đồng thời đang tìm kiếm những nhà sáng lập khởi nghiệp có tinh thần “xông pha, chịu khó”.

Tại Việt Nam, Hustle Fund đã rót vốn vào một số start-up như Fonos (ứng dụng sách nói), Dat Bike (xe máy điện), Vietcetera (truyền thông)... Các start-up này đã chứng minh được phần nào mô hình kinh doanh của họ qua sự phát triển từng ngày, cũng như khả năng lãnh đạo của đội ngũ sáng lập qua việc thu hút nhân lực tài năng và thành công trong các vòng gọi vốn.

Mai Hồ, Giám đốc đầu tư Hustle Fund, phụ trách thị trường Việt Nam và Đông Nam Á nhấn mạnh, quỹ này rất tự tin và sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.

Hustle Fund là quỹ đầu tư mạo hiểm vào các start-up giai đoạn đầu (pre-seed), với khoản đầu tư trị giá từ 25.000 USD đến 50.000 USD. Không quan trọng màu da, giới tính, hay trường đại học mà các thành viên sáng lập start-up tốt nghiệp, Quỹ chú trọng xem xét khả năng nhạy bén thị trường của họ cũng như những điểm nổi bật của mô hình kinh doanh để có thể đưa start-up đến thành công.

Theo Mai Hồ, các nhà đầu tư của Hustle Fund đều từng khởi nghiệp, nên hiểu rất rõ những khó khăn của start-up và có thể giúp các nhà sáng lập đưa ra lời giải thích hợp nhất cho bài toán về sản phẩm, thương mại hóa, định hướng tăng trưởng, mô hình phát triển… Đặc biệt, Quỹ sẽ tiếp tục giới thiệu, hỗ trợ và cùng với các quỹ lớn hơn đầu tư cho start-up ở vòng gọi vốn tiếp theo.

Tìm “cá lớn” giữa đại dương

Tại Việt Nam hiện có gần 180 quỹ đầu tư hoạt động, với nhiều tên tuổi như VSV Capital - Vietnam Silicon Valley, Nextrans, Mekong Capital, Vietnam Investment Group, 500 Startups

Vietnam, IDG Ventures Vietnam, ... Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm từ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang rất tích cực trong việc tìm kiếm start-up Việt tiềm năng để rót vốn đầu tư.

Cùng với quỹ ngoại, các quỹ đầu tư trong nước cũng là một nguồn đầu tư chủ chốt cho hoạt động khởi nghiệp. Trong năm 2021, các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã bắt đầu xây dựng một hệ sinh thái start-up để rót vốn đầu tư cũng như hợp tác với các start-up được sáp nhập. Thậm chí, rất nhiều start-up đã thành lập quỹ đầu tư.

Có thể kể đến Quỹ đầu tư mạo hiểm Touchstone quy mô 50 triệu USD, do ông Trần Nhật Khanh, cựu đồng sáng lập VinaCapital Ventures và bà Ngô Thùy Ngọc Tú, đồng sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giáo dục YOLA thành lập.

Với nguồn vốn huy động từ Pavilion Capital, Vulcan Capital…, Touchstone ưu tiên đầu tư vào các start-up trong mảng công nghệ tài chính (fintech), bất động sản, edtech, medtech ở vòng tiền hạt giống đến vòng A, với số vốn đầu tư từ 200.000 USD đến vài triệu USD.

Một ví dụ khác là Quỹ Alabaster do bà Lê Diệp Kiều Trang, cựu CEO Go-Viet và Facebook Việt Nam đồng sáng lập. Quỹ này chuyên đầu tư vào các start-up xây dựng giải pháp công nghệ ưu việt cho các vấn đề toàn cầu và đang đầu tư vào khoảng 25 công ty công nghệ như Matrix, Perfect Day, Tipa, Oros, Harrison.ai… tại nhiều quốc gia như Mỹ, Israel, Australia…

Quỹ Do Ventures do ông Nguyễn Mạnh Dũng và bà Lê Hoàng Uyên Vy thành lập cũng là một địa chỉ đáng tin cậy đối với các start-up. Do Ventures đầu tư nhiều giai đoạn, từ vòng hạt giống đến vòng B. Tổng số tiền đầu tư cho một start-up có thể lên đến 5 triệu USD. Quỹ sẽ dẫn dắt vòng gọi vốn hạt giống với mức đầu tư trung bình 500.000 USD.

Có thể thấy, các quỹ đầu tư đều đang dồi dào nguồn lực, nhưng đầu tư cho ai lại là cả một vấn đề. Lê Hàn Tuệ Lâm thừa nhận, không khó để tìm kiếm các start-up tại Việt Nam, nhưng tìm được start-up đủ tốt để đầu tư thì không dễ.

Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh, việc tìm kiếm đối tượng để đầu tư càng trở nên khó khăn hơn, vì số lượng start-up không còn nhiều như trước, lĩnh vực hoạt động của start-up cũng bị thu hẹp.

Theo Báo cáo quý I/2021 của Nextrans Việt Nam, số lượng thương vụ đầu tư vào các start-up Việt Nam giảm 20%, chỉ còn 16 thương vụ (năm 2020 có 20 thương vụ và năm 2019 có 30 thương vụ). Các start-up fintech đứng đầu với 4 thương vụ gọi vốn thành công, tiếp theo đó lần lượt là start-up logistics, lưu trú, bất động sản, giáo dục và y tế. Đây là những lĩnh vực thu hút sự quan tâm hàng đầu của các quỹ đầu tư.

Hợp tác chứ không đối đầu

Các quỹ đầu tư đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Dù vẫn phải “đỏ mắt” tìm đối tượng để rót vốn, nhưng đây không phải là khó khăn quá lớn đối với các quỹ. Họ có rất nhiều cách để vượt qua thử thách này.

Ở một góc nhìn tích cực hơn, các quỹ đầu tư coi Covid-19 như một sự sàng lọc start-up. Start-up nào chống chọi được với dịch bệnh để tồn tại sẽ là ứng viên tiềm năng, xứng đáng để đầu tư.

Đặc biệt, lịch sử cho thấy, các cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế chính là lúc các start-up kỳ lân lộ diện. Minh chứng, Uber, Airbnb đã hình thành trong cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 - 2009. Vì thế, giới đầu tư đang rất kỳ vọng, giai đoạn khó khăn này là bước đệm để tiến tới một thời kỳ tươi sáng hơn của các start-up, đồng thời cũng mở ra cơ hội cho các quỹ đầu tư.

Đến nay, Việt Nam có 2 start-up “kỳ lân” được định giá trên 1 tỷ USD là VNPay và VNG, theo Báo cáo eConomy SEA 2020 do Google, Temasek và Bain & Company công bố. Kỳ vọng, sẽ tiếp tục có thêm start-up Việt đứng trong danh sách này.

Bên cạnh lợi nhuận, “nuôi dưỡng” start-up trở thành kỳ lân cũng là mục tiêu của không ít quỹ đầu tư. Thực tế, sự cạnh tranh của các quỹ trong môi trường đầu tư mạo hiểm khác với sự cạnh tranh thông thường trong kinh doanh. Nói như đại diện Nextrans, thì đó không phải là sự cạnh tranh gay gắt và triệt tiêu lẫn nhau, mà là cùng hợp tác để đầu tư vào start-up và hỗ trợ nhau. Mỗi quỹ đầu tư thường tập trung vào một giai đoạn phát triển của start-up. Các quỹ cũng có thể cùng đầu tư trong một vòng để giảm rủi ro. Vì vậy, họ có xu hướng thỏa thuận, giới thiệu thương vụ đầu tư cho nhau nếu thấy start-up đó không hợp với mục tiêu, lĩnh vực ưu tiên của quỹ mình.

Một quỹ đầu tư uy tín không thể hiện ở khả năng cạnh tranh của họ, mà thể hiện ở khả năng tìm kiếm những khoản đầu tư tốt. Sequoia, Softbank đều là những quỹ lớn trên thế giới và họ đã đầu tư chung vào rất nhiều công ty.

Đó là cách các quỹ đầu tư lớn trên thế giới “nuôi dưỡng” kỳ lân cho mình. Các quỹ đang hoạt động ở Việt Nam cũng nên tham khảo cách làm này khi nguồn lực có hạn.

Bà Chelsea Nguyễn, Giám đốc đầu tư Quỹ ThinkZone Ventures cho rằng, Việt Nam cần thành lập một liên minh các quỹ đầu tư mạo hiểm để chia sẻ các thông tin và là đơn vị đại diện giúp các thành phần khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp nêu lên tiếng nói với Chính phủ, cơ quan nhà nước; đồng thời cũng là địa chỉ để các doanh nghiệp lớn liên hệ khi có nhu cầu rót vốn đầu tư, tạo cơ hội cho tất cả... 

“Chúng tôi kỳ vọng, các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ là đối tác, chứ không phải đối thủ. Việt Nam phải có một sân chơi giúp các bên có thể kết nối sâu với nhau. Nếu có sự hỗ trợ của các quỹ, thì một số start-up có thể tạo ra cuộc cách mạng thay đổi xã hội và hành vi con người. Để hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam thành công, thì phải hỗ trợ mọi gốc rễ cho các start-up”, đại diện CyberAgent Capital chia sẻ.

Mặc dù số lượng thương vụ đầu tư vào các start-up Việt Nam trong quý I/2021 giảm so với cùng kỳ năm 2020 và 2019, nhưng theo thống kê của Nextrans Việt Nam, giá trị các khoản đầu tư lại tăng cao. Tổng giá trị đầu tư vào các start-up Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 100 triệu USD, tăng khoảng 34% so với cùng kỳ năm 2020, chưa tính những khoản đầu tư không được công bố.

Đáng chú ý, các nhà đầu tư quốc tế đang có mức đầu tư vượt trội hơn nhà đầu tư trong nước cả về số lượng và giá trị đầu tư. Tổng giá trị đầu tư của các nhà đầu tư trong nước quý I/2021 đạt dưới 10 triệu USD, trong khi giá trị đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 100 triệu USD. Các khoản đầu tư ở vòng hạt giống và Series A cũng chiếm ưu thế, với 70% số thương vụ, tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 và 2019.

 

Theo báo dautu.vn