Cải cách hành chính
Cải thiện môi trường kinh doanh: Doanh nghiệp chờ kế hoạch thực thi
23/03/2021 - 236 Lượt xem
Ông Mã Thanh Danh, Phó TGĐ Tập đoàn KIDO. |
Xung quanh việc lấy ý kiến góp ý về 10 nhóm giải pháp mà TPHCM vừa đưa ra nhằm cải thiện môi trường đầu tư của TP, các doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực với mong muốn môi trường đầu tư của TP ngày càng hoàn thiện hơn nữa, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư.
Đồng bộ là nhận xét của ông Mã Thanh Danh, Phó TGĐ Tập đoàn KIDO khi đánh giá 10 giải pháp mà TP vừa đưa ra nhằm đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, ông Danh dẫn đánh giá của Ngân hàng Thế giới đối với Việt Nam nói chung và trong đó có TPHCM, theo đó cần tập trung vào 3 nhóm giải pháp. Đầu tiên là cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thay đổi môi trường kinh doanh tốt hơn; đồng thời đẩy nhanh chuyển đổi số và thứ ba phải khống chế được dịch COVID-19.
Do vậy, trong 10 nhóm giải pháp mà TPHCM đưa ra, ông Danh mong chờ nhất ở giải pháp cải cách thủ tục hành chính công, một cửa một dấu, xây dựng chính quyền điện tử, TP thông minh… Nhóm giải pháp có tính đột phá là tháo dỡ những rào cản của đầu tư công, đấu thầu để khai thông nguồn lực. Nhóm giải pháp chuyển đổi số, ông Danh kỳ vọng hình thành một smart city, tích hợp sự tham gia của bốn thành phần: chính quyền, người dân, doanh nghiệp, ngân hàng. Khi có một chính sách minh bạch thì bất kỳ người dân, doanh nghiệp nào cũng có thể đánh giá, góp ý hoàn thiện chính quyền điện tử mọi lúc, mọi nơi.
Ông Đinh Nam Hải, Giám đốc Viva Business Consulting |
Trong khi đó, bằng kinh nghiệm hơn 15 năm làm dịch vụ tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp, ông Đinh Nam Hải, Giám đốc Viva Business Consulting thấy rõ sự cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của TPHCM. Tuy nhiên, hiện nay một số thủ tục hành chính vẫn chưa thực sự cải thiện theo hướng tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư mà vượt ngoài thẩm quyền tháo gỡ của TP.
Ông Đinh Nam Hải đề nghị TP cần xây dựng một tầm nhìn dài hạn về thương hiệu môi trường kinh doanh của TP. Ví dụ mục tiêu của TP trở thành nơi có môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất Việt Nam và khu vực. Từ mục tiêu đó, TP xây dựng chiến lược hành động độc lập, xây dựng những gói chính sách riêng trong thẩm quyền cho phép để không phụ thuộc trông đợi sự vào cuộc giải quyết của các cấp trung ương.
Để làm được, TP cần có một lãnh đạo cấp Phó Chủ tịch UBND TP chuyên trách cho đầu tư, kinh doanh. Và đi cùng là một đội ngũ chuyên gia tham mưu, cố vấn. Với tổ công tác do Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng như hiện nay là chưa đủ. Cần đi sâu hơn đến mức chuyên trách, tập trung giải quyết xử lý tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe doanh nghiệp.
Với 10 giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà TP vừa đưa ra, ông Hải cho rằng vẫn chung chung, giống như 10 đầu việc. Doanh nghiệp chờ đợi những mục tiêu và kế hoạch thực thi từng đầu việc đó như thế nào. Bởi vì đã có những chính sách rất tốt, tạo hy vọng cho doanh nghiệp nhưng thực tế triển khai chưa như mong đợi. Ông Hải dẫn ra ví dụ như triển khai Nghị quyết 02 hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19 trên địa bàn. Bản thân doanh nghiệp của ông Hải cho đến nay chưa tiếp cận được bất kỳ chính sách hỗ trợ nào.
“Chúng tôi không nhận được bất kỳ bản thông báo, hướng dẫn đánh giá mức độ ảnh hưởng do dịch COVID-19, tất cả phải tự tìm hiểu. Trong khi doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kinh doanh nghĩa là có tên trong danh sách quản lý của các cơ quan thuế, bảo hiểm… nhưng đến bây giờ không một cơ quan, đơn vị nào hỏi thăm xem doanh nghiệp có cần hỗ trợ gì không. Cho nên tôi mong rằng với 10 giải pháp vừa đưa ra, TP sẽ tích cực kết nối với doanh nghiệp, lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, tổ chức những cuộc gặp gỡ riêng theo từng đối tượng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoặc thậm chí tách biệt theo từng nhóm ngành, nghề hoạt động... Hãy nghĩ đến một chiến dịch độc đáo, riêng biệt, xây dựng thương hiệu môi trường kinh doanh tốt nhất cho TPHCM chứ không dừng ở những giải pháp chung chung”, ông Đinh Nam Hải kiến nghị.
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM |
Cùng trông đợi vào chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng do dịch COVID-19, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho rằng các gói hỗ trợ là tốt, chính sách tốt nhưng chưa có một thống kê đầy đủ bao nhiêu doanh nghiệp đã được thụ hưởng. Khi TP xác định việc khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp là một giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì nên tập trung vào những doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp như dịch vụ, du lịch, khách sạn…
“Không cần phải chứng minh, thấy rõ họ đang ngắc ngoải. Cứu họ như cứu lũ lụt!?”. Ông Việt Anh nêu đề nghị và cho biết với nhóm sản xuất khi đã duy trì được đơn hàng và người lao động qua thời điểm dịch bệnh khó khăn thì doanh nghiệp không cần gói cứu trợ về tài chính mà họ cần nhất là sự hỗ trợ về thủ tục hành chính để thúc đẩy hoạt động sản xuất phục hồi. “Mấu chốt vẫn là bộ quy trình thủ tục nhanh gọn, để một doanh nghiệp siêu nhỏ nhìn vào cũng đánh giá được mình đáp ứng ở mức nào. Tâm lí của doanh nghiệp hiện nay, nếu thủ tục quá rườm rà, phức tạp thì thôi nhắm mắt cố giải quyết cho xong”, ông Trần Việt Anh nêu vấn đề.
Đặt kỳ vọng vào nhóm giải pháp chuyển đổi số và khoa học công nghệ, ông Nguyễn Viết Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật tự động Etec, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp quận Tân Phú đã hiến kế triển khai gói giải pháp này. TPHCM là địa phương đầu tiên ban hành đề án chuyển đổi số từ tháng 7/2020. Quá trình chuyển đổi số và các chính sách liên quan của TP có ý nghĩa vô cùng to lớn, tác động và mang lại những kết quả cho người dân, doanh nghiệp, với xã hội và chính quyền.
Ông Nguyễn Viết Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật tự động Etec. |
“Tuy nhiên với nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ như hộ kinh doanh cá thể, tôi có cảm giác họ chưa cảm nhận được cần phải thích ứng như thế nào, chưa sẵn sàng và thiếu nguồn lực để tiếp cận quá trình này. Do vậy, tôi mong rằng khi đã xác định chuyển đổi số là một trong những nhóm giải pháp góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì TP phải quan tâm đến nhóm đối tượng “yếu thế” để họ có thể thích nghi, bắt kịp cùng công cuộc chuyển đổi số của TP”, ông Toàn đề xuất.
Một khía cạnh khác, ông Toàn chỉ ra vấn đề chuyển đổi số trong sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là nhóm doanh nghiệp phổ biến, chiếm trên 95% doanh nghiệp nhưng hạn chế về nguồn lực, suất đầu tư cho máy móc công nghệ thấp và hầu như chưa thực hiện chuyển đổi số trong nhà máy. Trong khi cộng đồng doanh nghiệp Việt đang đứng trước thách thức toàn cầu, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra quyết liệt, và Việt Nam đã tham gia vào các hiệp định thương mại tự do toàn cầu. Vì vậy, nếu không quan tâm đến doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa ở TPHCM thì họ khó cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa, sản phẩm thương hiệu Việt cũng khó cạnh tranh ở thị trường quốc tế.
Giải quyết vấn đề này như thế nào? Ông Nguyễn Viết Toàn cho rằng cần có giải pháp, chính sách quan tâm nhất định cho việc đầu tư máy móc dây chuyền tự động hoá nhà máy, chuyển đổi số trong nhà máy, giúp cho doanh nghiệp sản xuất, điều hành linh hoạt, cạnh tranh hơn, giúp cho DN nâng cao năng lực cạnh tranh cũng là đóng góp vào tăng chỉ số cạnh tranh của TP. Ông Toàn đề xuất chương trình chuyển đổi số của TP cần có thêm một modul nữa, rõ hơn, cụ thể hơn cho nhóm đối tượng là doanh nghiệp sản xuất.
Ông Trần Việt Anh cũng đồng tình về những hạn chế khi doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số. TP phải có tầm nhìn thực sự tương xứng với thu hút và đầu tư cho khoa học công nghệ. Đó là những nhà máy chuyên môn hoá cao, nhà máy thông minh mà ông Việt Anh gọi là nhà máy không một bóng người. Vì hiện nay TPHCM không còn phù hợp cho những dự án sản xuất thâm dụng lao động.
“Nếu cần có con người trong nhà máy thì đó là những người có thu nhập từ 1.000 USD/tháng, chứ không phải lương 7 triệu đồng/tháng cho lao động phổ thông. Đấy mới gọi là định hướng mới, tầm nhìn khác biệt với các địa phương khác. Như vậy tự nhiên sẽ hình thành một thành phố công nghệ”, ông Việt Anh nhận định.
Thực ra đây không phải là lần đầu tiên TPHCM đưa ra những giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Gần đây nhất, tại Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI được tổ chức vào tháng 10/2020, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM đã báo cáo 9 giải pháp nhằm thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao chỉ số cải cách hành chính (Par Index) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP giai đoạn 2020-2025. Có thể thấy 9 nhóm giải pháp khi đó hầu hết trùng với 10 giải pháp mà TPHCM đã đưa ra nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia vào sáng ngày 19/3 vừa qua.
Như vậy, TPHCM đã nhìn ra những bất cập, rào cản ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Xử lý tháo gỡ từng nhóm vấn đề như thế nào để không chạy lòng vòng quanh những giải pháp cũ.
Theo baochinhphu.vn