Kinh tế xanh
Đưa đổi mới sáng tạo trở thành động lực phát triển
11/01/2021 - 552 Lượt xem
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại sự kiện ảnh: chí cường |
Sự kiện khai mạc Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 và khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia khởi đầu cho một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo mà Việt Nam đang nhanh chóng nắm bắt để bứt phá vươn lên.
Đổi mới sáng tạo trở thành “Chìa khóa thành công”
“Tôi hoan nghênh việc lấy ngày 10/1 là Ngày Đổi mới sáng tạo quốc gia”. Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận được tràng pháo tay tán đồng của đông đảo đại biểu là doanh nghiệp, quỹ đầu tư tại sự kiện khai mạc Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 và khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia diễn ra cuối tuần qua, ngày 9/1.
Theo Thủ tướng, đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng đối với tăng năng suất, hiệu quả, tăng trưởng, năng lực cạnh tranh quốc gia. Đổi mới sáng tạo trở thành chìa khóa thành công, là lợi thế quan trọng nhất trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ. “Nếu không mạnh dạn đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong bẫy năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp, bẫy thu nhập trung bình”, ông phân tích.
Do đó, đây là sự kiện mang ý nghĩa khẳng định vai trò kiến tạo của Chính phủ Việt Nam, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tiên phong, trong việc huy động các nguồn lực, kết nối các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thể hiện rõ Việt Nam là điểm đến của đổi mới sáng tạo của khu vực trong kỷ nguyên mới.
“Đây là sự kiện đầu tiên trong năm 2021 về đổi mới sáng tạo, khởi đầu của một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo mà Việt Nam đang nhanh chóng nắm bắt để bứt phá vươn lên”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Việc khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc sau hơn 1 năm chuẩn bị cũng là hoạt động quan trọng đánh dấu sự hình thành một trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia quy mô, tầm cỡ và đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, thúc đẩy hình thành mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo tại các địa phương, khu vực theo chủ trương của Đảng, Chính phủ, góp phần quan trọng trong thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đây sẽ là nơi quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, nơi cung cấp các cơ sở nghiên cứu, không gian làm việc, thử nghiệm sản phẩm và điều kiện hạ tầng tốt nhất phục vụ nghiên cứu, phát triển các ý tưởng công nghệ theo chuẩn quốc tế, đưa các ý tưởng đổi mới sáng tạo vào một hệ sinh thái đầy đủ và hỗ trợ thông qua các cơ chế thuận lợi, đặc thù, từ đó hoàn chỉnh vòng kết nối, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư, nghiên cứu phát triển và thương mại hoá sản phẩm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tiên phong trong việc huy động các nguồn lực, kết nối các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong ảnh: Thủ tướng Chính phủ cùng các đại biểu bấm nút khởi công xây dựng công trình Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Ảnh: Đình Nam |
Thời điểm đưa đổi mới sáng tạo trở thành động lực của phát triển
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, với tầm nhìn và sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đây là giai đoạn bản lề của Việt Nam, đánh dấu sự khởi đầu của một làn sóng phát triển mới của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam. “Đây là thời điểm Việt Nam sẽ tập trung thúc đẩy năng lực sáng tạo, đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực của phát triển kinh tế nhanh và bền vững”, ông khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đổi mới sáng tạo phải đi sâu và lan tỏa trong nền kinh tế, trở thành hoạt động thường xuyên, chủ chốt nhằm tạo ra giá trị mới, đem lại những thay đổi đột phá cho doanh nghiệp, cho cộng đồng xã hội và cho đất nước.
Thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Gần đây nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến năm 2030 và đã được Thủ tướng ký ban hành. “Đây là những quan điểm, mục tiêu và giải pháp mang tính chiến lược, tổng thể, dài hạn để nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên các lĩnh vực của đời sống”, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Đưa ra phương hướng thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, cả khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân cần nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư cho khoa học công nghệ và ưu tiên chi cho lĩnh vực này một cách tương xứng hơn, hiệu quả hơn.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, các cơ quan hoạch định chính sách và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia nghiên cứu đề xuất chính sách, thể chế, khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo.
Đồng thời, phát huy vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc tăng cường nền tảng vốn con người cho đổi mới sáng tạo, gắn liền các hoạt động nghiên cứu ứng dụng với nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu của nền kinh tế. Thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, trên cơ sở phát huy vai trò quan trọng của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao, hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ thông tin...
Theo baodautu.vn
Tin tức khác
Lựa chọn kinh doanh xanh: Đòn cân não
18/03/2014