VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Các loại hình doanh nghiệp

Khi doanh nghiệp tư nhân ngày càng lớn mạnh

17/11/2020 - 336 Lượt xem

 

Khu vực doanh nghiệp tư nhân ngày càng tham gia sâu rộng hơn vào các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Nếu có một “lực đẩy”, họ sẽ là lực lượng quan trọng để cùng các thành phần kinh tế khác đưa đất nước tiến lên.

 

Xây sân bay, làm đường truyền tải điện

Hơn 1 tháng trước, một tập đoàn tư nhân đã khánh thành dự án trạm biến áp 500 kV và đường dây 220/500 kV kết hợp nhà máy điện mặt trời 450 MW, tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Dự án này chỉ thực hiện vỏn vẹn trong vòng 102 ngày.

 

Khi doanh nghiệp tư nhân ngày càng lớn mạnh
Doanh nghiệp tư nhân ngày càng tham gia nhiều vào các lĩnh vực trọng yếu

Nhiều người ví von đây là dấu mốc lịch sử ngành năng lượng Việt Nam khi DN tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải năng lượng. Tất nhiên, cách nói đó có phần "hơi quá”.

So sánh đường dây 500kV này với những đường truyền tải quốc gia dài hàng nghìn cây số, trải dọc từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây do tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư sẽ là khập khiễng. Nhưng dẫu sao, đó cũng là chỉ báo cho thấy chỉ cần có “lực đẩy”, tư nhân có thể làm được nhiều điều. “Lực đẩy” ấy chính là lợi nhuận. DN này sẽ không thu được tiền từ việc đầu tư đường dây, mà họ thu tiền từ việc phát được hết công suất điện lên lưới.

Khi trả lời câu hỏi “phải chăng tư nhân đầu tư giỏi hơn”, tổng giám đốc tập đoàn trên cũng khiêm tốn nói rằng: Chắc chắn tư nhân không thể giỏi hơn EVN. EVN có đội ngũ cán bộ, chuyên gia rất giỏi, giàu kinh nghiệm về lĩnh vực năng lượng. Tiềm lực tài chính của họ cũng vượt trội hơn. Tuy nhiên, vì chịu trách nhiệm cung cấp điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên phạm vi cả nước, đảm bảo an ninh năng lượng… ngành điện buộc phải đầu tư, thực hiện đồng thời nhiều công trình, dự án, kể cả sản xuất lẫn truyền tải điện nên nguồn lực bị phân tán.

Một vấn đề quan trọng khác được ông đề cập là các dự án của EVN là dự án đầu tư công, sử dụng nguồn vốn ngân sách nên buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, thủ tục để tránh thất thoát, lãng phí. Từ đó mới có câu chuyện nhiều nơi chậm giải ngân vốn đầu tư công dù trong tiền đã nằm trong túi.

Nếu nhìn vào tiến độ của dự án xây dựng đường dây 500kV mạch 3 tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đang triển khai, có thể thấy nhận định của lãnh đạo Trung Nam là phù hợp. Đây là một trong các dự án quan trọng cấp điện cho miền Nam với chiều dài đường dây lên tới 742 km với tổng số 1606 vị trí cột đi qua địa phận 9 tỉnh, thành: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai.

Tuy nhiên, do những vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, cộng thêm sự ảnh hưởng từ dịch Covid-19 phải giãn cách xã hội nên dự án đường dây 500kV mạch 3 bị chậm tiến độ theo kế hoạch đề ra.

“Nhanh hay chậm đều do giải phóng mặt bằng”, đó là điều được lãnh đạo các địa phương thừa nhận. Thế nhưng các địa phương hay tổng công ty Truyền tải khó có thể làm nhanh hơn được khi mức giá bồi thường nhà nước đưa ra gần như đã được “đóng khung”. Họ không thể trả 1 tỷ đồng để đổi lấy mặt bằng cho một trụ móng như DN tư nhân đã làm. Trong khi đó với tư nhân, họ hoàn toàn có thể chủ động thương thảo với người dân trong việc thu hồi đất. Có dự án, tư nhân chỉ mất 45 ngày để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng nhờ “tiền tươi thóc thật” và quyền tự quyết.

Nhìn tiến độ dự án đường dây do tư nhân đầu tư, lại nhớ lại câu chuyện đầu tư sân bay Vân Đồn - sân bay đầu tiên do tư nhân đầu tư. Dự án này có vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, và chỉ trong vòng 2 năm đã được nhà đầu tư triển khai xây dựng, hoàn thành đi vào hoạt động.

Trong khi đó, đến nay, sau 5 năm, sân bay Long Thành vẫn chưa thể khởi công. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 336 nghìn tỷ đồng (16,06 tỷ USD) vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục và giải phóng mặt bằng. Trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương khoảng 5,45 tỷ USD).

Thúc đẩy đầu tư tư nhân

Không thiếu những dẫn chứng sống động cho thấy các dự án được tư nhân đầu tư thường triển khai nhanh hơn đáng kể so với các DN nhà nước. Với tư nhân, thời gian chính là tiền bạc. Họ tận dụng từng chút một, nhờ đó dự án triển khai nhanh, đồng vốn sử dụng hiệu quả hơn, thay vì nằm “chết dí” như nhiều dự án có vốn nhà nước. Điều này được đo đếm bằng các con số định lượng, chứ không hề định tính.

Tại báo cáo gửi Quốc hội về thực hiện các nghị quyết trong lĩnh vực tài chính, Chính phủ đã đánh giá, so sánh tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 giữa các khu vực DN nhà nước, công ty cổ phần có vốn góp nhà nước; DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN dân doanh.

Về số liệu nộp ngân sách, kết quả cho thấy DN dân doanh là khu vực có đóng góp ngân sách nhiều nhất, vượt xa các khu vực còn lại, kể cả khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, số nộp ngân sách của DN nhà nước năm 2018 là 267.982 tỷ đồng, của DN cổ phần có vốn góp nhà nước là 99.729 tỷ đồng, của DN có vốn đầu tư nước ngoài là 186.371 tỷ đồng và riêng DN dân doanh lên tới 365.422 tỷ đồng

Theo báo cáo của Chính phủ, DN dân doanh là khu vực nắm giữ tổng tài sản lớn nhất (gấp 9 lần tổng tài sản của DNNN, gấp 34 tổng tài sản của các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước; gấp 5 lần tổng tài sản của các DN có vốn đầu tư nước ngoài); vốn chủ sở hữu lớn (gấp 6 lần tổng vốn chủ sở hữu của DNNN, gấp 29 tổng vốn chủ sở hữu của các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước; gấp 3 lần tổng tài sản của các DN có vốn đầu tư nước ngoài); có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước.

Đóng góp ngân sách nhiều nhất, tuy nhiên, điều đáng chú ý là mới chỉ có 38% số DN dân doanh hoạt động có lãi. Điều này cho thấy, khu vực tư nhân còn nhiều dư địa để phát triển, để đóng góp nhiều hơn vào công cuộc xây dựng đất nước, hướng đến mục tiêu năm 2030 Việt Nam thành nước thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao.

Muốn vậy, những gì tư nhân làm được hãy để tư nhân làm. Bởi nhà nước không thể đủ nguồn lực, vật lực và cả nhân lực để gồng gánh quá nhiều chức năng. Điều này được chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh nhắn nhủ trong một hội thảo gần đây: “Chính phủ đẩy mạnh khu vực tư nhân bởi đây là lực lượng năng động nhất nên cần thúc đẩy phát triển. Đồng thời, cải cách các dịch vụ công, dựa nhiều hơn vào cơ chế thị trường để Việt Nam không những phát triển mà còn tạo ra sức đề kháng cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai”

 

Theo vietnamnet.vn