Nông nghiệp - Nông thôn - Nông dân
Nâng cao chất lượng rừng: Hướng đi của ngành lâm nghiệp
06/11/2020 - 217 Lượt xem
TRong bối cảnh biến đổi khí hậu gay gắt, ngành lâm nghiệp cần chuyển mạnh sang hướng lâm nghiệp môi trường - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), ngày 5/2/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020, với mục tiêu thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 16,24 triệu ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp; nâng tỷ lệ che phủ rừng; đóng góp ngày càng tăng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và cung cấp các dịch vụ môi trường, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn miền núi.
Tại Hội thảo tham vấn Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 5/11, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, trong 15 năm thực hiện Chiến lược, ngành lâm nghiệp Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, dự án quan trọng cùng với việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ đó, ngành đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, được các các cấp, các ngành, đối tác quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, tiếp tục thu hút được sự quan tâm ủng hộ của toàn xã hội; đồng thời, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo đó, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng đã từ 38% năm 2006 lên 41,89% năm 2019 và dự kiến đạt 42% năm 2020; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng hơn 2 lần, từ 2,8 tỷ USD/năm giai đoạn 2006-2010 lên 6,52 tỷ USD/năm giai đoạn 2012-2018; năm 2019 đạt 11,3 tỷ USD. Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011-2019 đạt trên 13.900 tỷ đồng, trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần bảo vệ cho trên 6 triệu ha rừng cung ứng dịch vụ, nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng, đặc biệt là góp phần cải thiện sinh kế cho đồng bào miền núi.
Coi trọng chất lượng rừng
Nhằm giữ vững và phát huy những thành quả đạt được, đồng thời hướng tới xây dựng ngành lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật trên cơ sở cơ cấu lại ngành lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, ổn định xã hội, trật tự an ninh, quốc phòng, Bộ NN&PTNT tiếp tục xây dựng Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát của chiến lược là thiết lập, quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả đất rừng được quy hoạch, đảm bảo sự tham gia của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào các hoạt động lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội và đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; cung cấp đa dạng các dịch vụ môi trường rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, nhìn lại 15 năm phát triển ngành lâm nghiệp (2006-2020), chúng ta có thể nhìn thấy rõ những thành tựu. Trong đó, một trong những kết quả lớn nhất là xã hội hóa nghề rừng, thu hút người dân, doanh nghiệp làm lâm nghiệp; lâm nghiệp đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng, vận hành thành công theo cơ chế thị trường và hài hòa với các quy định quốc tế.
“Đồng thời với việc vận hành theo cơ chế thị trường thì Việt Nam cũng tích cực tham gia vào các thể chế quốc tế vể bảo vệ phát triển rừng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, vai trò của rừng trong bảo vệ môi trường ngày càng được coi trọng. Thứ trưởng Hà Công Tuấn nêu một thực tế, nếu như 15 năm trước việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng dễ thì nay được đánh giá rất kỹ, với phương châm thực hiện nghiêm chủ trương của Chính phủ không đánh đổi môi trường bằng mọi giá cho phát triển.
“Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, có 3.000 dự án đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng, trong đó có 240 dự án thủy điện nhưng các bộ ngành, UBND tỉnh quản lý, rà soát chặt chẽ. Trong 2 năm qua chỉ cho phép chuyển mục đích 8 dự án cho thủy điện, đều là những dự án xây dựng xong công trình đầu mối”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn thông tin.
Từ thực tế đó, trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị, quan tâm đến nâng cao chất lượng rừng, thúc đẩy triển khai thêm các loại dịch vụ môi trường rừng để tăng nguồn tài chính cho bảo vệ, phát triển rừng; đảm bảo sinh kế của người dân.
“Cần có giải pháp mang tính đột phá để cải thiện cơ sở hạ tầng cho phát triển lâm nghiệp, kể cả hạ tầng cho chế biến, trồng rừng, hướng đến phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Động lực là tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng; phải giữ được rừng tự nhiên và làm giàu; với diện tích rừng trồng khi không còn dư địa tăng diện tích thì phải có giải pháp về giống, công nghệ để tăng năng suất, chất lượng”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Theobaochinhphu.vn