VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa

Ứng dụng công nghệ phục hồi sản xuất

08/10/2020 - 297 Lượt xem

 

 
Viettel sẽ đưa trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực y tế và nông nghiệp.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bị giảm giao dịch, đứt gãy nguồn nguyên liệu buộc phải ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được nhiều doanh nghiệp mạnh dạn nghiên cứu phát triển và ứng dụng đã giúp phục hồi sản xuất.

Thời gian qua, nhất là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, một số ngân hàng năng động về công nghệ đã tiên phong ứng dụng công nghệ AI để tạo ra các giải pháp đột phá. Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, hoạt động của ngân hàng chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19, các giao dịch trực tiếp với khách hàng bị gián đoạn, số lượng giao dịch giảm, khiến doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn. Trong “cái khó ló cái khôn”, ngân hàng đã đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm công nghệ như: làm việc từ xa, gặp khách hàng từ xa. Nhiều khách hàng phản hồi tích cực về tiện ích của ứng dụng vì công việc vẫn đạt hiệu quả, trong khi giảm được chi phí đi lại và tiết kiệm thời gian. Ngân hàng VietinBank cũng hợp tác với FPT triển khai ứng dụng chatbot để giải đáp các thắc mắc trong nghiệp vụ nội bộ ngân hàng. Từ những tình huống thường gặp của nhân viên, hệ thống sẽ đào tạo để chatbot hiểu và từ đó tự động trả lời cho nhân viên thay vì phải chờ sự giúp đỡ từ nhân viên của các bộ phận liên quan. Ngân hàng cũng thúc đẩy triển khai ứng dụng ngân hàng trực tuyến (online banking), giúp người dùng sử dụng được các sản phẩm của ngân hàng từ xa. Nhờ vậy, sáu tháng đầu năm, số lượng khách hàng mới sử dụng ứng dụng ngân hàng trực tuyến của VietinBank tăng hơn 500.000 người.

Các đơn vị nghiên cứu đã phát triển công nghệ AI để ứng phó diễn biến thị trường trong lúc dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến khó lường. Mới đây, Công ty VinBrain, Tập đoàn Vingroup đã nghiên cứu phần mềm AI trong hỗ trợ chẩn đoán, điều trị các ca bệnh Covid-19 và trao tặng Bộ Y tế phần mềm này để ứng dụng. Ðây là phần mềm AI đầu tiên tại Việt Nam hỗ trợ chẩn đoán các bất thường trên người bệnh viêm phổi và người bệnh Covid-19, dựa trên cơ sở dữ liệu hình ảnh X-quang phổi. Trước đó, Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo (Tập đoàn Vingroup) cũng phát triển công nghệ AI trong sản phẩm điện thoại thông minh Vsmart, với công nghệ nhận diện khuôn mặt, thay vì phải bỏ ra số tiền rất lớn để mua công nghệ từ nước ngoài.

Ðể thúc đẩy việc ứng dụng các sản phẩm AI hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ kết nối các chuyên gia, tổ chức tọa đàm trực tuyến để chia sẻ kinh nghiệm cho doanh nghiệp. Tiến sĩ Xtê-phan Ha-cô-uých, Trưởng nhóm nghiên cứu nhóm chuyên gia kỹ thuật số của cơ quan khoa học quốc gia Ô-xtrây-li-a cho biết, AI hiện diện ở mọi lĩnh vực kinh tế của nước này. Chính phủ, các chuyên gia hàng đầu của Ô-xtrây-li-a và doanh nghiệp đang tìm cách thoát khỏi suy thoái kinh tế do Covid-19 nhờ các hoạt động kinh doanh và xây dựng các ngành công nghiệp mới, ứng dụng AI. Từ thực tiễn cho thấy, công nghệ AI hỗ trợ rất tốt cho bác sĩ, chuyên gia nghiên cứu, giúp rút ngắn thời gian điều chế vắc-xin phòng Covid-19. Ðại diện Viện Nghiên cứu AI Mila (Ca-na-đa) cho rằng, AI được ứng dụng rất gần gũi trong cuộc sống. Ðơn cử như ứng dụng AI trong thăm khám từ xa giúp người bệnh giao tiếp, trao đổi với bác sĩ thông qua hệ thống chatbot. Khi dịch Covid-19 bùng phát, Viện Nghiên cứu AI Mila hợp tác với Chính phủ Ca-na-đa xây dựng hệ thống chatbot để giải đáp các câu hỏi của người dân và doanh nghiệp về dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp lúng túng trong quá trình cập nhật công nghệ, nhưng với công nghệ AI càng phải kiên nhẫn và liên tục cải thiện vì công nghệ này là quá trình tự học và hoàn thiện. Ngoài ra, doanh nghiệp cần cung cấp dữ liệu để hệ thống học, chỉ có dữ liệu thì hệ thống mới tạo ra giá trị. 

Ông Nguyễn Xuân Phong, chuyên gia nghiên cứu AI, Viện Nghiên cứu AI Mila cho rằng, AI đã phát triển trên thế giới từ lâu, dẫn đầu là Bắc Mỹ, tiếp đến là Ðức, Nhật Bản. Việt Nam còn nhiều khoảng trống cho AI. AI có thể len lỏi mọi ngành, điều quan trọng là cần có chiến lược mũi nhọn của quốc gia, chọn ra thế mạnh trong nông nghiệp, y tế... để ứng dụng. Ngoài ra, việc xây dựng hệ thống dữ liệu hết sức quan trọng, trên cơ sở đó phát triển và ứng dụng AI nhiều hơn cho các ngành trong thời gian tới.

 
Theo báo nhandan.com.vn