Cách mạng công nghiệp 4.0
Thúc đẩy kết nối cung - cầu công nghệ
29/09/2020 - 283 Lượt xem
Trong những năm qua, nhiều chính sách của Nhà nước đã khuyến khích việc hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà khoa học, trong đó có cơ chế hợp tác chuyển giao công nghệ.
Thực tế, việc hợp tác chuyển giao công nghệ đã góp phần quan trọng tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH và CN), hình thành thị trường các sản phẩm KH và CN cũng như thúc đẩy tư duy mạnh dạn hợp tác giữa các nhà khoa học và các doanh nghiệp. Bộ KH và CN cũng nỗ lực xây dựng và phát triển các chợ công nghệ và thiết bị (techmart). Thông qua các chợ công nghệ này, các nhà khoa học và doanh nghiệp đã ký được nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ, giúp nhiều doanh nghiệp sử dụng được công nghệ của Việt Nam. Tuy nhiên, việc hợp tác chuyển giao còn nhiều hạn chế, nghịch lý nhiều năm vẫn tồn tại là cung và cầu công nghệ vẫn chưa gặp nhau. Nhiều công trình có tính ứng dụng cao chưa tìm được doanh nghiệp để chuyển giao, trong khi doanh nghiệp đau đáu đi tìm những công trình khoa học để biến thành những sản phẩm có thể thương mại hóa và mang lại giá trị cho xã hội.
Một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm cho biết, định hướng chiến lược của doanh nghiệp là áp dụng KH và CN để nâng cao giá trị các sản phẩm từ dược liệu, nhưng việc tiếp cận các đề tài nghiên cứu là sự "ăn may". Cách đây chưa lâu, doanh nghiệp này nhập khẩu nguyên liệu na-nô curcumin để sản xuất, và khi đem nguyên liệu này đi kiểm nghiệm chất lượng thì mới biết các nhà khoa học trong nước cũng đã chế tạo được nguồn nguyên liệu na-nô curcumin có chất lượng tương đương nguyên liệu nhập khẩu. Ngay sau đó, doanh nghiệp đã bắt tay hợp tác, nhận chuyển giao công nghệ của các nhà khoa học trong nước và tạo ra được dòng sản phẩm tốt trên thị trường, đồng thời đặt hàng nhà khoa học nghiên cứu thêm các công nghệ khác. Một doanh nghiệp khác cũng chia sẻ, muốn tìm sản phẩm chuyển giao công nghệ để khởi nghiệp, nhưng vô cùng khó khăn khi tiếp cận các đề tài nghiên cứu từ các viện nghiên cứu. Dù nắm được nhu cầu thị trường, nhưng phải hơn một năm sau, doanh nghiệp này mới tiếp cận được nhóm nghiên cứu na-nô dây thìa canh tại một hội thảo khoa học để bắt đầu hợp tác, nhận chuyển giao, phát triển sản phẩm. Nhiều năm nay, các doanh nghiệp trồng dược liệu đương quy vẫn loay hoay tìm kiếm công nghệ sấy củ đương quy để cho ra sản phẩm dẻo, mềm... Chính bộ phận chuyển giao công nghệ của một viện nghiên cứu cũng thừa nhận, các nhà khoa học chỉ biết nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ, còn khả năng quảng bá kết quả nghiên cứu còn hạn chế. Trong khi đó, thông tin về các đề tài nghiên cứu chưa được chủ động giới thiệu đến nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực, mà chủ yếu vẫn do doanh nghiệp tự tìm hiểu. Do đó, số lượng cung - cầu công nghệ gặp nhau vẫn còn ít so với tiềm năng cũng như mong muốn của các nhà khoa học và doanh nghiệp.
Theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, vấn đề mấu chốt cần giải quyết là các cơ sở nghiên cứu cần chủ động tạo kênh thông tin về các kết quả đề tài khoa học để doanh nghiệp có thể tìm hiểu và tiếp cận. Thông qua kênh này, các mong muốn đặt hàng của doanh nghiệp cũng sẽ được thể hiện để thúc đẩy sự hợp tác nhanh hơn, hiệu quả hơn. Hiện nay, một số viện nghiên cứu đã quảng bá công nghệ trên trang web của đơn vị, nhưng chưa tập trung, chưa đủ thông tin để hấp dẫn doanh nghiệp. Ðể doanh nghiệp tiếp cận nhanh, các cơ sở nghiên cứu cần xây dựng sàn giao dịch công nghệ điện tử, tập trung các công nghệ sẵn sàng chuyển giao với đầy đủ các thông tin cụ thể như: Khả năng ứng dụng, mức độ hoàn thành, khả năng phát triển, cải tiến sản phẩm, chi phí chuyển giao hoặc chi phí thực hiện tiếp các công trình chưa hoàn thiện, năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học hoặc các tổ chức nghiên cứu khoa học... Cần xây dựng hệ thống, mạng lưới thu thập, nắm bắt thông tin về nhu cầu công nghệ của địa phương, doanh nghiệp để triển khai các hướng nghiên cứu. Bên cạnh đó, các cơ sở nghiên cứu cần chủ động truyền thông, giới thiệu các đề tài để doanh nghiệp giảm thời gian, công sức, chi phí tìm kiếm các đề tài chuyển giao. Khi có doanh nghiệp tiếp cận, nhận chuyển giao thì các công trình nghiên cứu KH và CN mới có cơ hội chứng tỏ sức sống và ý nghĩa trên thị trường, hoặc các công trình dang dở, dự án tâm huyết có cơ hội được tiếp tục phát triển, hoàn thiện. Ðồng thời, giúp nhà khoa học có thêm động lực, nguồn kinh phí để tiếp tục đầu tư, phát triển công nghệ mới.
Theo báo nhandan.com.vn