VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Các loại hình doanh nghiệp

Tiếp tục nâng tầm cho công nghiệp hỗ trợ

24/09/2020 - 509 Lượt xem

 

(BĐT) - Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chưa phải là một điểm mạnh trong việc thu hút đầu tư vào Việt Nam. Nếu hạn chế này được khắc phục, cơ hội đón làn sóng đầu tư đang dịch chuyển mạnh mẽ hiện nay sẽ tăng thêm.
 
Nghị quyết số 115/NQ-CP được kỳ vọng là “cú hích” lớn cho phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo. Ảnh: Lê Tiên

Nghị quyết số 115/NQ-CP được kỳ vọng là “cú hích” lớn cho phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo. Ảnh: Lê Tiên

Công nghiệp hỗ trợ chưa phải là điểm mạnh

Theo ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, CNHT chưa phát triển và chưa đạt được yêu cầu như kỳ vọng là câu chuyện day dứt khi đất nước đã có nhiều điều kiện và hội nhập ngày càng mạnh mẽ. Bởi ngành công nghiệp này có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giúp nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế.

Nhiều nghiên cứu, đánh giá chỉ ra những bất cập, hạn chế của ngành CNHT Việt Nam như: tình trạng nhập siêu nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng rất lớn, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn thấp; chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt, nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra; sản phẩm CNHT trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Các doanh nghiệp (DN) CNHT còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật, thiếu nguồn lực để đổi mới, đặc biệt chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Nguyên nhân là Việt Nam chưa có các DN đứng đầu chuỗi sản xuất tầm cỡ khu vực và quốc tế đóng vai trò dẫn dắt phát triển và lan tỏa trong ngành công nghiệp. Xuất phát điểm của các DN nhỏ và vừa Việt Nam còn thấp, năng lực yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của chuỗi sản xuất toàn cầu và khách hàng; quá trình triển khai thực hiện các chính sách phát triển CNHT còn chậm…

Dưới góc độ thu hút đầu tư, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN chia sẻ, CNHT chưa phát triển là một trong những mối quan ngại đối với thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Hoa Kỳ. “Nếu Việt Nam có ngành CNHT phát triển, đây chắc chắn là một điểm mạnh hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trong sự chuyển dịch chuỗi cung ứng hiện nay”, ông Thành nhận định.

Tạo cú hích phát triển công nghiệp hỗ trợ

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Nghị quyết được kỳ vọng là “cú hích” lớn cho CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế trong thời gian tới.

Trước hết, Nghị quyết góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển CNHT và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển (được Nhà nước ưu đãi và hỗ trợ theo quy định tại Luật Đầu tư), bảo đảm điều kiện thuận lợi cho phát triển CNHT. Đồng thời, xây dựng và triển khai các chính sách hiệu quả cho các ngành công nghiệp vật liệu và phát triển thị trường cho các ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, tạo nền tảng cơ bản cho công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và bền vững. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với DN CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng; tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các DN Việt Nam với các DN đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài; xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung để tạo cụm liên kết ngành…

Đánh giá cao các giải pháp tại Nghị quyết số 115/NQ-CP, ông Vũ Tú Thành cho rằng, kịch bản tuyệt vời nhất để ngành CNHT Việt Nam phát triển trong giai đoạn hiện nay là có những chính sách tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư chính - DN đứng đầu chuỗi cung ứng cùng với các DN CNHT đi theo. “Khi cơ chế, chính sách tạo thuận lợi, chắc chắn nhà đầu tư sẽ bỏ tiền đầu tư ngay”, ông Thành nhận định.

Cùng với những giải pháp trên, đến nay, Cổng thông tin điện tử CNHT để kết nối DN Việt Nam với thị trường quốc tế; Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia - vườn ươm công nghệ, đào tạo, kết nối DN cũng được thành lập… Đây là những tiền đề quan trọng nâng bước cho ngành CNHT Việt Nam phát triển trong thời gian tới.

 

Theo baodauthau.vn