Tái cấu trúc nền kinh tế
Nhiều doanh nghiệp lớn lỗi hẹn cổ phần hóa
31/08/2020 - 280 Lượt xem
Năm 2020 là dấu mốc quan trọng của kế hoạch cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) với các chỉ tiêu cụ thể về số lượng DN phải hoàn thành CPH và chỉ tiêu bán vốn, thu về cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, kết quả thực hiện đến thời điểm này vẫn còn cách xa mục tiêu đề ra, làm ảnh hưởng đến quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) - một trong ba trọng tâm của cơ cấu lại nền kinh tế.
Trong danh sách DNNN chậm CPH được Bộ Tài chính cập nhật đến cuối tháng 7, có nhiều tên tuổi lớn như Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood1), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank)… Những đơn vị này hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị DN. Nhiệm vụ CPH của giai đoạn 2017 - 2020 vì thế mới đạt khoảng 28% kế hoạch. Tương tự, tiến độ thoái vốn nhà nước tại DN cũng chỉ đạt hơn 26% kế hoạch đề ra do mắc kẹt ở quá trình định giá tài sản tại các DN lớn. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, cả nước có 91 DN phải thực hiện CPH và 120 DN phải thoái vốn xong.
Nguyên nhân của những hạn chế trong công tác CPH, thoái vốn được chỉ rõ là do nhiều DN đều có chung đặc điểm lớn về quy mô, tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai trải rộng trên cả nước cho nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất cũng như xác định, kiểm toán giá trị DN gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh nguyên nhân về cơ chế, chính sách, còn có nguyên nhân quan trọng từ ý thức kỷ luật của người đứng đầu, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn các khó khăn, vướng mắc để chây ỳ hoặc không thực hiện. Thực tế cho thấy, phần lớn các DNNN sau CPH đều có xu hướng tăng trưởng và phát triển ổn định; hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên. Quan trọng hơn, việc chuyển đổi hoạt động sang mô hình công ty cổ phần còn thúc đẩy quá trình đổi mới quản trị DN, đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong tương lai.
Để thúc đẩy tiến độ, Chính phủ giao các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường kịp thời rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về CPH, thoái vốn, nhất là các quy định về đất đai. Riêng đối với các tập đoàn, tổng công ty lớn, Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng nghiên cứu việc xử lý tài chính, sắp xếp lại, xử lý nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất của DN theo hướng giao một cơ quan phân loại đất đai thuộc sở hữu của các DN, đất nào không còn sử dụng cho mục đích sản xuất, kinh doanh thì tập trung hết về một đầu mối quản lý để có giải pháp quản lý và sử dụng hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo sát sao công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo đúng quy định để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch CPH, thoái vốn.
Theo báo nhandan.com.vn