VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tái cấu trúc nền kinh tế

Sẽ có thêm “thuốc” trợ lực để duy trì tăng trưởng

05/08/2020 - 308 Lượt xem

 

Trong bối cảnh Covid-19 bùng phát trở lại, đe dọa đến tiến trình phục hồi kinh tế của Việt Nam, để có tăng trưởng dương, đòi hỏi sự nỗ lực vô cùng lớn và cần có thêm “thuốc” trợ lực.
 
Làn sóng Covid-19 thứ hai có thể “đe dọa” tiến trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh
Làn sóng Covid-19 thứ hai có thể “đe dọa” tiến trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

 

Mong manh như “đi trên dây”

Có 4 thách thức, rủi ro lớn của nền kinh tế được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ ra, khi báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 vào đầu tuần này. Đó là suy giảm kinh tế có thể còn tiếp tục, do kinh tế thế giới còn rất bất định và khả năng phục hồi sẽ chậm hơn so với dự kiến;  khả năng phục hồi xuất khẩu, thu hút đầu tư còn chậm; các hoạt động dịch vụ, du lịch chỉ vừa mới có sự phục hồi ấn tượng sau thời kỳ giãn cách có nguy cơ phát triển chậm trở lại.

Đặc biệt, nguy cơ nợ xấu của khu vực ngân hàng tăng trở lại, có thể lên tới 3,6 - 4% vào cuối năm 2020, thậm chí cao hơn trong tương lai, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho sản xuất - kinh doanh.

Trên thực tế, sau nhiều nỗ lực, kinh tế Việt Nam bắt đầu có những dấu hiệu khá tích cực sau thời kỳ giãn cách xã hội. Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 thứ hai đang ập đến và có thể “đe dọa” tiến trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh điều này tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2020.

“Sản xuất công nghiệp có xu hướng chững lại sau mức tăng trưởng đột phá của tháng trước, ghi nhận mức tăng trưởng thấp. Thủy sản vẫn gặp khó khăn về xuất khẩu. Khu vực dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng trở lại nhờ chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa và du lịch đang trong tháng cao điểm, nhưng khi thời điểm này qua đi và Covid-19 tái bùng phát, tình hình sẽ rất khó khăn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận.

Trong bối cảnh đó, IHS Markit vừa công bố, Chỉ số Quản trị mua hàng (PMI) tháng 7 của Việt Nam chỉ đạt 47,6 điểm, giảm 3,5 điểm so với tháng trước do lượng đơn đặt hàng và sản lượng đơn hàng mới đều giảm do ảnh hưởng của đại dịch. Đây là chỉ báo cho thấy, tăng trưởng sản xuất công nghiệp cũng như xuất khẩu sẽ tiếp tục chậm lại trong những tháng tới, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Nền kinh tế Việt Nam vốn đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19, giờ đang bị “bồi” thêm một cú tiếp theo, khi dịch bệnh tái bùng phát. Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, buộc phải một lần nữa giãn cách xã hội trên diện rộng, thì nền kinh tế sẽ còn đối mặt với nhiều thử thách, rủi ro hơn nữa. Tình thế, có thể nói, căng thẳng và “mong manh” như đang đi trên dây.

Cùng với quyết liệt phòng, chống, không để dịch bệnh lây lan, cần tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Không bộ, ngành nào được chủ quan, lơ là nhiệm vụ quan trọng này.
- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Hơn 1 tháng trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã dùng cụm từ “đi trên dây” để nói về triển vọng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh Covid-19. Và những gì đang diễn ra có lẽ còn tồi tệ hơn. Kinh tế toàn cầu đang gặp cú sốc lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 đến nay.

Kinh tế thế giới đã như vậy, kinh tế Việt Nam cũng khó có thể thoát khỏi vòng xoáy suy giảm. Chính Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nói, phục hồi kinh tế sẽ cần nhiều thời gian hơn và phụ thuộc nhiều vào diễn biến của dịch bệnh.

Nền kinh tế cần thêm “thuốc” trợ lực

Nền kinh tế đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng một lần nữa, quan điểm nhất quán đã được người đứng đầu Chính phủ đưa ra. Đó là vẫn tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa “thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực để xử lý triệt để các ổ dịch”, vừa nỗ lực để duy trì phát triển kinh tế.

Thủ tướng đã cương quyết, không vì kiềm chế lây lan dịch bệnh mà “ngăn sông, cấm chợ”, không được để “đứt gãy nền kinh tế”, không được tuyên bố giãn cách xã hội mà chưa tính toán phương án phù hợp, đặc biệt là khi chưa có ổ dịch, dẫn đến bế tắc các hoạt động kinh tế - xã hội…

Mục tiêu “tăng trưởng dương”, ít nhất khoảng 2-3% trong năm nay cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Đó là một bài toán khó trong bối cảnh Covid-19 đang bùng phát trở lại, không chỉ ở Việt Nam, mà ở nhiều quốc gia trên toàn cầu. Các giải pháp “trợ lực” vì thế đã được tính tới, bao gồm cả việc cần lập tức xây dựng và triển khai các sản phẩm, mô hình mới như kinh tế ban đêm, để ngay sau khi dịch được kiểm soát, có thể phục hồi kinh tế.

 “Giải ngân vốn đầu tư công chính là một chìa khóa quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng một lần nữa khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, phải giải ngân hết 630.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm nay. Nếu giải ngân hết nguồn vốn này, thì GDP sẽ tăng trưởng thêm khoảng 0,4%, chưa kể còn tạo tiền đề để thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, giải quyết việc làm.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, chỉ trong tháng 7 vừa qua, Chính phủ và hai Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính đã nỗ lực tổ chức các đoàn công tác xuống từng địa phương, từng dự án để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội.

Thông tin được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nỗ lực rà soát để thực hiện việc cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo đúng thời gian quy định.

Để “trợ lực” cho nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất việc xem xét, gia hạn thời gian thực hiện một số chính sách như miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí… để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, nghiên cứu các chính sách nhằm giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng… cho doanh nghiệp, người dân; cần có thêm chính sách hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, để duy trì phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội…

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu có chính sách hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng khẳng định, kể cả bội chi ngân sách, thì chính sách tài khóa cần tiếp tục hỗ trợ cho chính sách tiền tệ, hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp…

 

Theo Baodautu.vn