Tái cấu trúc nền kinh tế
Không bỏ lỡ thời điểm vàng
03/08/2020 - 638 Lượt xem
Ðại dịch Covid-19 đã tàn phá năng lực sản xuất và cấu trúc tiêu dùng của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam chuyển sang phục hồi kinh tế với nhiều gói hỗ trợ đã được triển khai, nhưng quá trình thực thi cần mạnh mẽ hơn mới có tác dụng kích hoạt tăng trưởng.
Câu chuyện gần đây được nhắc đến nhiều trong dư luận xã hội là "đang cao điểm hè đi sửa sân bay". Ngay từ tháng 2, các hãng hàng không và doanh nghiệp (DN) khai thác cảng hàng không đề xuất cần nắm ngay "cơ hội vàng" để sửa chữa, nâng cấp ngay đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất khi hoạt động bay giảm sút do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng mãi đến cuối tháng 6, dự án này mới được khởi công. Hệ quả là thị trường hàng không nội địa vừa bật dậy sau dịch đã vấp phải lực cản từ sự tắc nghẽn hạ tầng ở hai sân bay lớn nhất. Hay câu chuyện sáu tháng đầu năm, cả nước có 2,4 triệu lao động mất việc làm; 30,8 triệu lao động bị giảm mạnh thu nhập, phải giãn, hoãn thời gian làm việc trong khi gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng không giải ngân được các khoản cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để DN trả 50% tiền lương cho người lao động bị ngừng việc. Và như vậy, một trong những mục tiêu hỗ trợ của gói 62 nghìn tỷ đồng là bảo vệ việc làm cho người lao động chưa phát huy tác dụng. Một nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) cho thấy, nếu gói hỗ trợ này kịp thời đến tay người dân, DN vào tháng 4, tháng 5 và bao phủ hết các nhóm mục tiêu theo thiết kế, tỷ lệ nghèo quốc gia của Việt Nam do tác động của dịch Covid-19 đã có thể giảm 10 điểm phần trăm so với thực tế. Trên đây là hai thí dụ điển hình của việc chậm thực thi các giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, khiến hiệu quả không đạt được như mục tiêu thiết kế chính sách.
Hiện nay, Chính phủ đã giao các cơ quan chức năng tính toán, xây dựng kế hoạch kích thích kinh tế dài hơi, không chỉ cho năm 2020 mà cho cả những năm sau. Theo các chuyên gia kinh tế, chúng ta còn nhiều dư địa chính sách và nguồn lực để ổn định kinh tế, tạo nền tảng phục hồi ngay cả trong những kịch bản xấu hơn. Bởi Việt Nam đã có tích lũy tốt nhờ giữ ổn định vĩ mô và tăng trưởng cao trong một thời gian khá dài trước khi có đại dịch Covid-19. Ðiểm mấu chốt là về dài hạn cần có những giải pháp phi truyền thống cho trạng thái bình thường mới của nền kinh tế. Về ngắn hạn, cần lấy tốc độ thực hiện chính sách là phương châm hàng đầu mới có thể sớm đưa nền kinh tế vào ổn định và tiếp tục phát triển. Nếu không, chúng ta sẽ bỏ lỡ những thời điểm vàng, khiến chi phí cơ hội cho quá trình phục hồi kinh tế sẽ trở nên đắt đỏ.
Theo Nhandan.com.vn