Xuất khẩu tăng chưa xứng với tiềm năng
Bảy tấn sầu riêng đông lạnh của Việt Nam vừa hoàn tất thông quan vào bang New South Wales của Australia, bắt đầu hành trình chinh phục người tiêu dùng tại một trong những thị trường khó tính nhất thế giới. Lô hàng do Công ty ASEAN (có trụ sở tại bang New South Wales) nhập khẩu.
Ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, mặc dù Australia chưa cấp phép nhập khẩu sầu riêng tươi, nhưng quả sầu riêng đông lạnh từ lâu đã trở thành một sản phẩm được ưa chuộng tại đây. Nhằm quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ loại quả đặc trưng mà Việt Nam có thế mạnh này, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã phối hợp với Công ty ASEAN tổ chức chương trình Tuần lễ sầu riêng Việt Nam tại Australia, kéo dài từ ngày 20-7 đến 31-7, triển khai đồng loạt ở các khu vực tập trung phần lớn người dân châu Á.
Để góp phần thúc đẩy hơn nữa cơ hội thâm nhập thị trường cho sầu riêng Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Australia xúc tiến chương trình quảng bá Tuần lễ sầu riêng với quà tặng hấp dẫn: Mua sầu riêng trúng thưởng nông sản cao cấp Việt Nam. Ý nghĩa của đợt quảng bá nhằm kết hợp giới thiệu đa dạng nông sản chất lượng cao của Việt Nam với thị trường Australia, mở ra cơ hội tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh khác nhau. Sau khi Tuần lễ sầu riêng kết thúc, Thương vụ sẽ tiếp tục đồng hành với một đơn vị nhập khẩu khác tại Thành phố Perth của bang Tây Australia triển khai chương trình xúc tiến cho một lô hàng sầu riêng Việt Nam mang thương hiệu AAA, dự kiến sẽ có mặt tại bang này vào đầu tháng 8 tới.
Sự kiện trên là một trong những chương trình xúc tiến thương mại được các đơn vị tổ chức nhằm đẩy mạnh đưa hàng Việt Nam vào Australia, một trong những thị trường tiềm năng thuộc khối CPTPP. Sau hơn một năm có hiệu lực, CPTPP đã và đang mang lại hiệu quả bước đầu đáng khích lệ khi góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu.
Theo Bộ Công thương, nửa đầu năm 2020, xuất khẩu sang các thị trường các nước thành viên CPTPP có tăng trưởng tích cực như: xuất khẩu sang Australia tăng 2,3%; Chile tăng 1,6%; Mexico tăng 2,6%... Tuy mức tăng trưởng chưa quá cao, song nếu đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng lớn, gây sụt giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thì kết quả này là tương đối lạc quan.
Ông Ngô Chung Khanh, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) khẳng định, kết quả khả quan của hoạt động ngoại thương với các nước khối CPTPP là tác động của việc cải cách tổng thể. Trong Hiệp định CPTPP có rất nhiều nội dung yêu cầu cải cách, chính nhờ cải cách mới có được những ghi nhận tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang một số thị trường CPTPP lớn như vậy.
Trước đó, năm 2019, mặc dù Hiệp định đưa vào thực thi chưa đủ một năm, kim ngạch xuất khẩu của ta với các nước trong thị trường CPTPP có mức tăng trưởng khá, đặc biệt là hai thị trường trước đây chưa có Hiệp định thương mại tự do là Canada và Mexico đều tăng ở mức từ 26-29%. Nếu như các năm trước, với tổng thể thị trường CPTPP, ta nhập siêu ở mức 0,9 tỷ USD/năm thì sang năm 2019, năm đầu tiên CPTPP có hiệu lực, cả nước đã xuất siêu 1,6 tỷ USD sang khối thị trường này. Kết quả xuất siêu tiếp tục được duy trì đến nửa đầu năm 2020 với nhiều thị trường trong khối như Canada, Mexico, Peru…
Tăng cơ hội thị trường
Cơ hội, dư địa thị trường từ CPTPP còn lớn, song thực chất Việt Nam chưa tận dụng hết. Ông Ngô Chung Khanh dẫn chứng, hiện chỉ có 43/63 tỉnh thành của nước ta có quan hệ thương mại với các nước thành viên CPTPP. Đặc biệt, đối với hai thị trường là Mexico và Canada là thị trường mới có hiệp định, chưa đến 10 tỉnh thành có quan hệ thương mại. Các cơ quan quản lý Nhà nước đã tích cực tuyên truyền về hiệp định. Đơn cử, năm 2019, đã có tới 577 hội thảo, hội nghị về CPTPP đã được tổ chức trên toàn quốc. Đây là con số khổng lồ, song, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu sang Mexico và Canada còn khiêm tốn.
“CPTPP là hiệp định phức tạp nhất mà chúng tôi từng đàm phán, thậm chí có một số điểm trong CPTPP còn phức tạp hơn cả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Do đó, nếu doanh nghiệp không tận dụng được lợi thế từ hiệp định này thì rất đáng tiếc”, ông Khanh nói.
Về phía các doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, quy định xuất xứ từ sợi trở đi trong CPTPP khiến thách thức lớn nhất khiến ngành dệt may chưa tận dụng được hiệu quả hiệp định nằm ở khâu nguyên liệu đầu vào, bởi đến nay, chúng ta vẫn phải nhập khẩu trên 50% nguyên phụ liệu. Trong khi đó, quy hoạch phát triển ngành, vùng nguyên liệu vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Do đó, doanh nghiệp dệt may cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc cùng doanh nghiệp của ngành nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, đặc biệt là ở khâu dệt nhuộm, khâu còn rất nhiều vướng mắc khi nhiều địa phương từ chối các dự án dệt nhuộm vì những lo ngại ảnh hưởng đến môi trường.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị thêm, bên cạnh việc tuyên truyền hiểu biết doanh nghiệp về các FTA, thì Chính phủ cần cải cách thể chế, nhanh chóng luật hóa các cam kết để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp, đại diện VCCI cũng kiến nghị, doanh nghiệp cần nâng cao trình độ quản trị, đa dạng hóa thị trường, xây dựng hệ thống phòng ngừa rủi ro...
Thực tế, cơ hội tăng xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP đang rất lớn khi vụ vải 2020, Nhật Bản đã chính thức mở cửa cho loại quả này của Việt Nam. Bên cạnh đó, ngày 22-6, UBND huyện Mai Sơn (Sơn La) phối hợp Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh đã tổ chức Lễ xuất khẩu 30 tấn xoài đầu tiên trong năm sang thị trường Mỹ, Canada và Australia theo đường chính ngạch. Nếu như người tiêu dùng Australia đã quen với trái xoài Việt Nam từ vài năm gần đây thì đây là năm đầu tiên trái xoài được cấp phép sang Canada. Đây cũng được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam trong khối CPTPP. Cùng với đó, sầu riêng Việt Nam cũng bắt đầu chinh phục thị trường Australia. Những cơ hội này được kỳ vọng sẽ góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang các nước CPTPP thời gian tới.