Cách mạng công nghiệp 4.0
Chuyển đổi số - lối thoát cho doanh nghiệp
22/07/2020 - 380 Lượt xem
Việt Nam mong muốn tăng cường giao thương giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam với các doanh nghiệp Mekong - Nhật Bản. |
Tập trung vào 3 trụ cột
Có đến 46% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam xác nhận hoạt động logistics bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong khi tỷ lệ này tại Campuchia và Thái Lan là 67% và 31%. Đây là những con số khảo sát đáng chú ý được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đưa ra tại cuộc họp trực tuyến “Đối thoại Chính phủ - Doanh nghiệp Mekong - Nhật Bản lần thứ 13 và cuộc học nhóm công tác ACMEICC về phát triển hành lang Đông Tây lần thứ 1” diễn ra cuối tuần qua.
Theo đánh giá của phía Nhật Bản, Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất và dịch vụ xuyên biên giới, ngăn dòng lao động di chuyển giữa các nước. Điều này làm suy yếu nhu cầu hàng hóa dịch vụ toàn cầu.
Về phía Việt Nam, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại nhấn mạnh, tại Hội nghị Bộ trưởng Mekong - Nhật Bản lần thứ 11, các Bộ trưởng đã thống nhất việc xây dựng Báo cáo Tầm nhìn Phát triển Công nghiệp Mekong 2.0 (MIDV 2.0) tập trung vào 3 trụ cột: kết nối, đổi mới sáng tạo dựa trên công nghệ số và thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (SDGs) làm khuôn khổ định hướng hợp tác trong 3 năm tới.
Ông Mai cho rằng, để hiện thực hóa MIDV 2.0 tại Việt Nam theo khuôn khổ 3 trụ cột trên và căn cứ vào các ưu tiên phát triển của đất nước, phía Việt Nam xác định những trụ cột ưu tiên chính tương ứng.
Đối với tăng cường kết nối khu vực, Việt Nam ưu tiên kết nối giao thông một cách toàn diện cả hạ tầng phần cứng và mềm. Về hạ tầng cứng, sẽ tập trung kết nối đường bộ xuyên biên giới với các nước láng giềng như Lào, Campuchia. Về hạ tầng mềm, Việt Nam sẽ tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho vận tải liên vận qua biên giới, phối hợp các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng xem xét mở rộng áp dụng mô hình “một cửa, một lần dừng” tại các cặp cửa khẩu quốc tế.
Ngoài ra, Việt Nam mong muốn tăng cường giao thương giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam với các doanh nghiệp Mekong - Nhật Bản, thông qua việc tổ chức thường xuyên hơn các diễn đàn, hội nghị xúc tiến đầu tư để các doanh nghiệp có thể mở rộng kinh doanh, học hỏi kinh nghiệm từ bên ngoài, đặc biệt là từ các doanh nghiệp Nhật Bản.
Về trụ cột đổi mới sáng tạo dựa trên công nghệ số, Việt Nam tiếp tục ưu tiên hỗ trợ các hoạt động kinh doanh có ứng dụng công nghệ số như kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử... Covid-19 với những thay đổi về quy cách tiếp xúc, gián đoạn thương mại... càng đặt ra cho Chính phủ Việt Nam yêu cầu đẩy nhanh việc ứng dụng các nền tảng công nghệ này.
“Chúng tôi sẽ tận dụng ưu thế của việc là nước có sự tập trung đầu tư rất lớn của các doanh nghiệp điện tử kỹ thuật cao để thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp phần mềm. Đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đẩy mạnh đầu tư hơn nữa vào Việt Nam, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để phát huy lợi thế của công nghệ Nhật Bản và tiềm năng của lực lượng lao động trong nước”, ông Mai khẳng định.
Tăng cường số hóa
Từ những ưu tiên trên và đặc thù của Hợp tác Mekong - Nhật Bản, ông Mai cho biết, Việt Nam đề xuất và phối hợp lựa chọn 3 dự án ưu tiên. Trong đó, Dự án “Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thị trường khu vực thông qua công nghệ số và nền kinh tế số” với đầu mối là Bộ Công thương Việt Nam nhằm nghiên cứu về xây dựng cổng thông tin một cửa, tăng cường năng lực cho các chủ doanh nghiệp về thương mại điện tử và đổi mới sáng tạo dựa trên công nghệ số.
Thứ 2 là Dự án “Sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong giám sát lũ quét và hệ thống cảnh báo sớm cho các nước thành viên Mekong”, với đầu mối là Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam nhằm rà soát việc ứng dụng ICT cảnh báo lũ hiện nay, lắp đặt, lựa chọn công nghệ cảnh báo lũ phù hợp trên các lưu vực sông qua các nước Mekong.
Thứ 3 là Dự án “Thúc đẩy Quản lý bền vững và Phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Tiểu vùng Mekong thông qua việc chia sẻ nguồn cây giống và kinh nghiệm quản lý”, với đầu mối là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhằm tìm các giải pháp mềm trong việc bảo vệ, phòng chống việc xâm nhập mặn và đa dạng hóa hệ sinh thái ven biển của Việt Nam và các nước tham gia.
Đề xuất với các đại biểu Nhật Bản và các nước Tiểu vùng Mekong, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng ban Quan hệ quốc tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ là đối tượng rất dễ chịu tổn thất trước Covid-19, nhưng mặt khác, chính dịch bệnh cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số để họ sống sót và tồn tại.
Đề xuất dự án từ Bộ Công thương Việt Nam nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thị trường khu vực thông qua công nghệ số và nền kinh tế số là rất cần thiết, giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận thị trường ở những khu vực địa lý rộng hơn, tăng hiệu quả, năng suất hoạt động và giảm chi phí.
Ông Hải cho rằng, chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ tìm kiếm những tệp khách hàng mới, phục vụ họ hiệu quả hơn; đồng thời hợp lý hóa chuỗi cung ứng và tăng hiệu quả quản trị.
Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp, như chi phí bỏ ra trước, thiếu hiểu biết về số hóa và nhận thức chưa đầy đủ về những lợi ích kinh doanh dài hạn, thậm chí là thiếu lao động có kỹ năng để đảm chuyển đối số thành công.
Những năm gần đây, Việt Nam chứng kiến sự đổ bộ nhanh chóng của các nền tảng số của khu vực trong lĩnh vực vận tải, bán lẻ và dịch vụ khác, với những tên tuổi lớn như Grab, Be, Lazada... Lợi thế hệ sinh thái số có chi phí thấp của các nền tảng này đã phần nào giảm bớt rào cản số hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như doanh nghiệp siêu nhỏ.
“Việc phát triển các nền tảng số là rất cần thiết để cải thiện mức độ số hóa của doanh nghiệp, song cần lưu ý việc đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các nền tảng số đó để doanh nghiệp trong nước có thể thụ hưởng lợi ích một cách tốt nhất”, ông Hải nhấn mạnh.
Ngoài ra, sự hỗ trợ tài chính từ phía Chính phủ để doanh nghiệp trang trải chi phí chuyển đổi mô hình hoạt động cũng rất quan trọng, khích lệ doanh nghiệp vươn lên và tận dụng các cơ hội từ số hóa.
Với trụ cột Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, việc xây dựng và phát triển các đô thị thông minh được đặc biệt quan tâm; đây là nơi sẽ tập trung phần lớn dân cư trong tương lai và đảm bảo cuộc sống tốt nhất cho người dân. Ngoài ra, do đặc thù bờ biển dài, đồng thời ở vị trí hạ nguồn của các dòng sông, các vấn đề an ninh nguồn nước, môi trường ven biển, phòng chống các tác động của nước biển dâng, nguy cơ xâm thực cũng đều được ưu tiên giải quyết.