VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Các loại hình doanh nghiệp

Dốc sức chống suy giảm kinh tế - Bài 2: Bám từng dự án, không để giải ngân chậm trễ

20/07/2020 - 517 Lượt xem

 

Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ dừng ở mức 1,81%, thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.

 

Đó là lý do vì sao, cả hệ thống chính trị đang phải dốc sức chống suy giảm kinh tế, bắt đầu bằng việc đi từng dự án, vào từng doanh nghiệp, xuống từng địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất - kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thị sát sân bay Chu Lai. Ảnh: T.H
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thị sát sân bay Chu Lai. Ảnh: T.H

 

Bài 2: Bám từng dự án, không để giải ngân chậm trễ

Giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công, là giải pháp “trong tầm tay” và quan trọng nhất để thúc tăng trưởng kinh tế. Nhưng sự chậm trễ, trì trệ vẫn còn đó, khiến Chính phủ rất sốt ruột.

Bám từng dự án, không để có tiền mà không tiêu được

Kế hoạch thực địa Khu kinh tế mở Chu Lai của Đoàn công tác Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bị chậm so với kế hoạch. Lý do là con đường trục chính từ Khu công nghiệp Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai (Đường 129 giai đoạn II) chưa làm xong, đi lại rất khó khăn.

Dự án này, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, có tổng mức đầu tư 1.479 tỷ đồng, đã được giao đủ vốn. Tuy nhiên, do công tác giải phóng mặt bằng vướng 3,4 km đoạn qua huyện Núi Thành chưa được khai thông, nên đã ảnh hướng rất lớn đến tiến độ thực hiện công trình. Nhiều hộ dân ở đây không đồng thuận, thường xuyên cản trở đơn vị thi công.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, còn một số dự án khác cũng đang trong tình trạng chậm tiến độ, như Công trình nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, TP. Hội An; Cảng cá Tam Quan; Hồ chứa nước Lộc Đại; Hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường Khu đô thị Núi Thành… Lý do thì nhiều, bao gồm cả vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng…, nên tiền ở một số dự án đã có mà không tiêu được.

Cũng vì các vướng mắc trên mà giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Nam trong 6 tháng đầu năm (không bao gồm các dự án trên địa bàn tỉnh do Trung ương quản lý) chỉ đạt trên 1.700 tỷ đồng, tương đương 26% tổng kế hoạch được giao. Con số này khiến ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam không khỏi sốt ruột. “Chúng tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, đặc biệt với các công trình trọng điểm”, ông Thanh nói.

Nhưng ông Thanh sốt ruột một, thì Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sốt ruột mười. Là “Tổng tư lệnh” cơ quan tham mưu cho Chính phủ về các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các giải pháp để phục hồi kinh tế hậu Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là một trong những người luôn nhấn mạnh việc phải thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là giải pháp quan trọng nhất và “trong tầm tay” để có thể sớm vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công dù đã được cải thiện, song vẫn chậm và chưa đạt kỳ vọng.

Nếu Quảng Nam giải ngân được 26% vốn kế hoạch, thì 6 tháng, Quảng Ngãi cũng mới giải ngân trên 1.600 tỷ đồng, đạt 27,5% vốn kế hoạch. Trong khi đó, con số này ở Phú Yên là 39,5% kế hoạch, còn ở Bình Định là 42,6% kế hoạch năm. Ở Bình Định, giải ngân vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thậm chí còn đạt 66,4% kế hoạch năm, cao nhất cả nước.

“Chúng tôi đang tích cực đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công một loạt dự án như đường trục Khu kinh tế nối dài đến sân bay Phù Cát, đường ven biển, đoạn từ Cát Tiến đến Đề Gi, hồ chứa nước Đồng Mít…, vừa để từng bước hoàn thiện hạ tầng, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng nói.

Có lẽ, không nhiều tỉnh làm được như Bình Định. Và đó là lý do khiến Thủ tướng Chính phủ rất sốt ruột trước tình trạng giải ngân vốn đầu tư còn chậm ở nhiều địa phương. Thủ tướng đã nhấn mạnh, lần này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải ra tay, không để tình trạng trì trệ. Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch tỉnh phải tự hỏi vì sao giải ngân chậm, khâu nào, do cái gì để làm cho được.

“Đó là lý do vì sao lần này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi phải xuống từng địa phương, tới từng dự án để xem vướng mắc ở đâu, điểm nghẽn chỗ nào để tháo gỡ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói như vậy và nhấn mạnh, các lãnh đạo địa phương mỗi người phải đeo bám từng dự án, tháo gỡ khó khăn, có giải pháp quyết liệt hơn, làm sao không để tình trạng “có tiền mà không tiêu được” như thời gian qua.

“Chính phủ lần này sẽ làm rất quyết liệt. Dự án nào chậm tiến độ, không giải ngân được sẽ bị điều chuyển cho dự án khác”, Bộ trưởng nói.

Lựa chọn bước đi khôn ngoan

Không nằm ngoài dự đoán, một danh mục dài các đề xuất, kiến nghị của các địa phương đã được gửi tới Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cũng là lẽ thường, bởi mục đích của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tới các tỉnh miền Trung lần này không chỉ là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất - kinh doanh, cho thúc đẩy vốn đầu tư toàn xã hội, mà còn là bước chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Cũng bởi thế, không khó hiểu vì sao các tỉnh đều bày tỏ mong muốn được phân giao vốn kế hoạch nhiều hơn, ít nhất khoảng 10%, cho giai đoạn tới. Và danh sách các dự án muốn đầu tư khá dài. Bình Định muốn phát triển cao tốc Bắc - Nam, đoạn Quảng Ngãi - Bình Định; cao tốc Quy Nhơn - Pleiku; nâng cấp các tuyến Quốc lộ 19B, 19C đoạn qua Bình Định; xây cầu Thị Nại 2; đầu tư tuyến đường từ Quốc lộ 19C nối cảng Quy Nhơn…

Trong khi đó, danh sách các dự án mà tỉnh Phú Yên đề xuất có Kè chống xói lở ven biển Xóm Rớ; nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Quốc lộ 1 huyện Tuy An đi ĐT642 huyện Đồng Xuân; đường tránh trú bão Sông Cầu - Đồng Xuân giai đoạn III… “Đây đều là những dự án quan trọng, có tác động lớn tới kinh tế - xã hội của Phú Yên”, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Chí Hiến giải thích.

Cũng với danh sách dài không kém, Quảng Nam mong muốn được ngân sách Trung ương ưu tiên đầu tư một số công trình trọng điểm như hoàn thiện đường ven biển 129; dự án đường trục chính từ cảng Kỳ Hà - sân bay Chu Lai đi đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; hay dự án đường chiến lược phát triển sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh…

Quảng Nam đã đề nghị cho phép tư nhân được tham gia nạo vét, xây dựng luồng tàu 5 vạn tấn vào cảng Chu Lai; đầu tư xây dựng, quản lý vận hành sân bay Chu Lai tương tự sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh)…

Ủng hộ các kế hoạch trên, bởi có hạ tầng, kinh tế - xã hội địa phương sẽ có điểm tựa để cất cánh, giống như Phú Yên, sau khi có 2 hầm Đèo Cả và Cù Mông, kinh tế - xã hội đã khởi sắc hơn, song điều mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng “hiến kế” cho các địa phương, đó là trong điều kiện nguồn lực có hạn, phải lựa chọn các định hướng ưu tiên thật rõ ràng.

Chẳng hạn, với Quảng Nam, Bộ trưởng nói, có thể “lùi” kế hoạch làm con đường lên khu vực phát triển sâm Ngọc Linh, bởi trước mắt, Quảng Nam nên tập trung phát triển khu vực phía Đông trước, sau đó lấy miền Đông kéo miền Tây.

“Muốn phát triển miền Tây ngay thì khó. Phải xác định hai vùng động lực, là Hội An, làm du lịch và Chu Lai, làm công nghiệp, đô thị. Hướng phát triển như vậy, thì phải tiếp tục phát triển đường trục 129. Đây là hành lang giao thông quan trọng, cũng chính là hành lang kinh tế, như một chiếc đón gánh gánh hai cực tăng trưởng của Quảng Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Chính phủ lần này sẽ làm rất quyết liệt. Dự án nào chậm tiến độ, không giải ngân được sẽ bị điều chuyển cho Dự án khác. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Với Bình Định, Bộ trưởng nhất trí về sự cần thiết phải làm cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Bình Định, bởi tuyến đường này chẳng khác nào xương sống của con người, nếu làm chậm thì cũng làm chậm đi cơ hội phát triển của đất nước. Nhưng khi đề cập tuyến cao tốc nối Quy Nhơn với Pleiku, Bộ trưởng đặt câu hỏi, có nên làm đường cao tốc ngay không, hay chỉ cần là tốc độ cao. Đúng là có cao tốc, sẽ kéo gần Tây Nguyên với Bình Định hơn, song làm cao tốc còn liên quan đến nguồn lực, khả năng tham gia của người dân…

“Chúng ta vẫn quy hoạch làm cao tốc, nhưng cần theo lộ trình, trước tiên làm đường tốc độ cao và đó mới là bước đi khôn ngoan”, Bộ trưởng nói và cho rằng, trong bối cảnh ngân sách nhà nước có hạn, cần cân nhắc phương thức đầu tư BOT đối với dự án này.

Với các địa phương miền Trung, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặc biệt nhấn mạnh việc phát triển đường ven biển. Chia sẻ kinh nghiệm thời làm lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, Bộ trưởng cho biết, việc làm đầu tiên của ông là quyết tâm đầu tư con đường ven biển, làm 3 năm thì xong.

“Đường ven biển được đầu tư sẽ vừa mở rộng không gian kinh tế cho địa phương, vừa phục vụ quốc phòng an ninh. Làm đường ven biển, chúng ta có thể mở rộng quỹ đất ở hai bên. Nguồn lực chính là ở đấy, tiền ở đấy, các địa phương không cần thiết phải xin ngân sách Trung ương để đầu tư xây dựng các dự án khác”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đó chính là bước đi khôn ngoan, mà theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các địa phương miền Trung có thể lựa chọn cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, cũng như để chuẩn bị cho sự cất cánh của giai đoạn sau.

(Còn tiếp)

 

Theo baodautu.vn