VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Văn bản pháp luật

UBTVQH xem xét dự án Luật Thỏa thuận quốc tế

15/07/2020 - 195 Lượt xem

 

(Chinhphu.vn) – Tại phiên họp thứ 46 diễn ra vào chiều 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến về nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.

 
Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

 

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV có 39 ý kiến thảo luận tại Tổ và có 10 ý kiến phát biểu tại Hội trường về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế (TTQT).

Các ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật và thống nhất cho rằng việc ban hành Luật này sẽ góp phần vào việc tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, bảo đảm thực thi Hiến pháp năm 2013, đồng bộ với Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và đáp ứng thực tiễn nhu cầu ký kết TTQT, góp phần giữ vững ổn định chính trị và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, nhất trong bối cảnh nước ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Thường trực Ủy ban Đối ngoại Quốc hội chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, thống nhất dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật

Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế hiện được xây dựng với bố cục gồm 7 chương với 49 điều, quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Luật này không điều chỉnh việc ký kết và thực hiện thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo pháp luật về quản lý nợ công; thỏa thuận về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài theo pháp luật về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài; thỏa thuận về viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo pháp luật về viện trợ phi chính phủ nước ngoài; hợp đồng theo pháp luật dân sự; hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Báo cáo về nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thỏa thuận quốc tế (TTQT), Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, về phạm vi điều chỉnh (Điều 1 dự thảo Luật), một số ý kiến ĐBQH đề nghị xác định phạm vi điều chỉnh của Luật này không bao gồm các TTQT về cho vay, viện trợ của Việt Nam ra nước ngoài, về việc viện trợ phi Chính phủ của nước ngoài,về vốn hỗ trợ chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài;về hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hợp đồng theo pháp luật dân sự.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật bổ sung quy định theo hướng điều chỉnh theo pháp luật chuyên ngành.

Về khái niệm thỏa thuận quốc tế (Khoản 1, Điều 2 dự thảo Luật), một số ý kiến ĐBQH đề nghị làm rõ hơn khái niệm TTQT để có thể phân biệt được với điều ước quốc tế và tránh chồng lấn với Luật Điều ước quốc tế năm 2016; có ý kiến đề nghị nghiên cứu coi TTQT là các quan hệ dân sự, hành vi dân sự nhưng không mang tính chất kinh doanh thương mại và Nhà nước không chịu trách nhiệm.

Về bên ký kết Việt Nam, theo ông Nguyễn Văn Giàu, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị cân nhắc không nên mở rộng chủ thể ký kết TTQT đến UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Một số ý kiến cho rằng, nếu mở rộng đến cấp huyện, cấp xã thì chỉ nên khoanh lại đối với các huyện ở khu vực biên giới, các xã ở khu vực biên giới và có giới hạn phạm vi lĩnh vực cụ thể được ký kết. Có ý kiến đề nghị chỉ nên mở rộng đến cấp huyện, vì băn khoăn về năng lực, khả năng thực thi của cấp xã.

Về ngôn ngữ của thỏa thuận quốc tế (Điều 7 dự thảo Luật), một số ý kiến ĐBQH cho rằng TTQT phải có văn bản bằng tiếng Việt, tiếp thu ý kiến ĐBQH, đã bổ sung quy định về ngôn ngữ ký TTQT theo hướng: “Thỏa thuận quốc tế phải có văn bản bằng tiếng Việt, trừ trường hợp có sự thỏa thuận khác giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài” để thể hiện tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia theo quy định của Hiến pháp năm 2013 (Khoản 3 Điều 5), đồng thời bảo đảm sự linh hoạt khi ký kết các TTQT nhiều bên.

 

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

 

Về các lĩnh vực không ký kết thỏa thuận quốc tế (Khoản 6 Điều 3 dự thảo Luật) và các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8 dự thảo Luật), nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị gộp nội dung không ký kết TTQT và các hành vi nghiêm cấm thành một điều để bảo đảm tính logic, chặt chẽ, tránh trùng lắp. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã thể hiện gộp hai nội dung này và thể hiện lại nội dung tại Điều 8 Các hành vi bị nghiêm cấm.

Về ký kết thỏa thuận quốc tế (Chương II), ông Nguyễn Văn Giàu cho hay, một số ý kiến ĐBQH đề nghị rà soát quy định về trình tự, thủ tục ký kết TTQT tại dự thảo Luật để bảo đảm sự thống nhất; có ý kiến đề nghị rà soát quy định về việc quyết định ký kết TTQT nhân danh cơ quan, tổ chức để bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với thẩm quyền của các chủ thể ký kết. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan soạn thảo rà soát, bảo đảm sự thống nhất về quy trình, thủ tục ký kết TTQT và rà soát quy định về thẩm quyền quyết định việc ký kết TTQT phù hợp với quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tòa án nhân dân, Luật Viện kiểm sát nhân dân, Luật Kiểm toán Nhà nước và các luật có liên quan và thể hiện như tại Chương II dự thảo Luật.

Về hiệu lực thi hành Luật (Điều 49 dự thảo Luật), có ý kiến đề nghị xác định rõ thời gian, hiệu lực thi hành của Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo quy định Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2021.

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, dự thảo Luật sau khi tiếp thu dự kiến giảm 4 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, cụ thể: giảm Điều 22, 23 quy định về trình tự, thủ tục ký kết TTQT nhân danh Tổng cục, cục thuộc Bộ; cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã; giảm Điều 42 về trách nhiệm của tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong việc thực hiện TTQT do các nội dung này sẽ được quy định tại Nghị định hướng dẫn chi tiết của Chính phủ và không quy định xử lý vi phạm trong Luật này (Điều 51), tùy theo tính chất, hành vi vi phạm sẽ áp dụng pháp luật chuyên ngành.

 

Theo baochinhphu.vn