VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Chính sách tài khóa - Chính sách tiền tệ

Đẩy tăng trưởng kinh tế, chỉ tín dụng là không đủ lực

14/07/2020 - 200 Lượt xem

 

“Chỉ khi cỗ xe tam mã (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) chuyển động, dòng vốn mới có thể luân chuyển nhanh, mạnh. Do vậy, tất cả các chính sách cần phải triển khai một cách đồng bộ không thể chỉ dựa vào một chính sách nào mà cả guồng máy phải vận động nhịp nhàng”, TS. Nguyễn Đức Độ nhận xét

 

Báo cáo tại cuộc họp Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia trong phiên họp mới đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, xu hướng giảm lãi suất cho vay diễn ra mạnh hơn trong thời gian gần đây. Nhất là từ cuối tháng 6, đầu tháng 7, thị trường chứng kiến đợt điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay của các NHTM. Trong đó có những ngân hàng đã lần thứ 3 cắt giảm lãi suất cho vay như Agribank. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên của ngân hàng này tối đa chỉ là 4,8%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm; đây là mức lãi suất thấp nhất thị trường hiện nay.

Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), hiện tại mặt bằng lãi suất cho vay thấp nhất trong 10 năm trở lại đây được kỳ vọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tích cực hơn. Bên cạnh chủ trương giảm lãi suất để “kích” tăng trưởng tín dụng, NHNN cũng đã yêu cầu các TCTD tích cực hỗ trợ DN gặp khó khăn về mặt thanh khoản, thông qua việc cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi, phí... Xét về tổng thể, KBSV đánh giá đây là những chính sách tương đối phù hợp với điều kiện kinh tế của NHNN, mang tính chất nới lỏng có kiểm soát nhằm tránh những hệ lụy về sau như lạm phát, nợ xấu và bong bóng giá tài sản như giai đoạn 2009 - 2011.

 

Các ngân hàng đang triển khai nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ khách hàng

 

Những nỗ lực của NHNN trong việc cắt giảm lãi suất cũng như tháo gỡ khó khăn để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của DN trong thời gian qua đã có hiệu ứng tích cực, tín dụng tăng trưởng nhanh trở lại. Nếu như tháng 4, tín dụng chỉ tăng 0,12% thì đến tháng 5 tín dụng đã tăng 0,53% so với tháng 4 và đến 29/6 thì mức tăng 1,28% so với tháng 5. Tuy nhiên tính tổng thể từ đầu năm đến ngày 29/6 tín dụng tăng 3,26%, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Để hoàn thành kịch bản tăng trưởng 3-4% trong năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên 10%. Chính vì vậy, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, ngay từ đầu tháng 7, NHNN đã chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của một loạt NHTM, kể cả NHTM có vốn Nhà nước hay NHTM cổ phần tư nhân. Theo đó, ngân hàng nào có điều kiện tăng trưởng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, thì có thể điều chỉnh tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn so với nhu cầu. Thậm chí NHNN để ngỏ khả năng trong trường hợp cần thiết theo chỉ đạo của Chính phủ, sẽ có các giải pháp mạnh hơn về chính sách tiền tệ như tái cấp vốn cho các dự án công trình.

Tín dụng tăng theo sức hấp thụ vốn

Với những giải pháp này, ngành Ngân hàng kỳ vọng sẽ đưa thêm được nhiều vốn ra nền kinh tế, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng phục hồi. Định hướng trên theo đánh giá của giới chuyên môn là hợp lý. Vấn đề đặt ra ở đây là dù vốn rẻ và đã sẵn sàng, nhưng khả năng hấp thụ vốn đến đâu.

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh đang dần khôi phục, nhưng cầu tín dụng vẫn còn yếu. Nguyên nhân một phần do hiện hàng tồn kho DN lớn nên DN cũng không dám mạnh tay vay vốn để mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, hiện dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới khiến cho chuỗi sản xuất, cung ứng vẫn bị đứt gãy. Trong bối cảnh đó DN cũng hạn chế vay vốn, khiến tín dụng khó tăng.

Đánh giá việc sẵn sàng tái cấp vốn cho các ngân hàng cho vay các dự án công trình lớn của NHNN là một giải pháp tốt, nhưng một chuyên gia cho rằng, cần cân nhắc sử dụng công cụ này. “Việc tái cấp vốn khi cần thiết là điều nên làm, nhưng các ngân hàng cần giải trình minh bạch về dự án cho vay và quan trọng hơn cả là vẫn phải giữ chuẩn tín dụng”, vị này lưu ý thêm. Có quan điểm tương đồng, TS. Độ cho rằng, cần phải cân nhắc khi cho vay đối với các dự án, nhất là dự án chậm tiến độ nguy cơ tiềm ẩn nợ xấu cao. Do vậy, NHNN xem xét cân bằng rủi ro hạn chế nợ xấu phát sinh thêm.

Tuy nhiên KBSV tỏ ra lạc quan hơn kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2020 khi hoạt động sản xuất đang dần phục hồi sau dịch, cũng như mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp trong nhiều năm qua nhờ định hướng chính sách của NHNN.  Mặc dù vậy, KBSV thừa nhận nhu cầu tín dụng của nền kinh tế sẽ khó có thể phục hồi về trạng thái bình thường như trước khi dịch diễn ra, trong khi khẩu vị rủi ro ở nhóm ngân hàng lớn có phần thận trọng hơn, thể hiện qua các kế hoạch kinh doanh được công bố trong mùa ĐHCĐ gần đây.

Sự thận trọng của các ngân hàng được đánh giá là cần thiết. Theo TS. Độ, tín dụng tăng theo sức hấp thụ vốn của nền kinh tế chứ không nên cố gượng ép. Nếu ép quá rất dễ phát sinh nợ xấu, chưa kể tạo áp lực cho lạm phát giai đoạn sau. “Cung tiền tác động lên lạm phát thường có độ trễ có thể 2-3 năm. Hiện tại kinh tế khó khăn cần có chính sách nới lỏng, nhưng về lâu dài không thể nới lỏng mãi được. Nhất là đến giai đoạn kinh tế phục hồi, lạm phát quay trở lại. Đây là bài toán phải tính đến cho những năm sau. Dù là lo hơi xa nhưng theo tôi cần phải quan tâm đến không nên lơ là chủ quan”, TS. Độ bày tỏ quan điểm.

Ở góc độ vĩ mô, theo đánh giá của TS. Độ, nếu chỉ nỗ lực từ chính sách tiền tệ cũng khó có thể khiến tín dụng tăng nhanh để thúc đẩy tăng trưởng. Bởi dư địa chính sách tiền tệ còn hạn chế, khi lãi suất khó giảm thêm, còn tín dụng trông chờ vào sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. “Chỉ khi cỗ xe tam mã (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) chuyển động, dòng vốn mới có thể luân chuyển nhanh, mạnh. Do vậy, tất cả các chính sách cần phải triển khai một cách đồng bộ không thể chỉ dựa vào một chính sách nào mà cả guồng máy phải vận động nhịp nhàng”, TS. Độ nhận xét. Muốn vậy cần phải có giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhất là dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc. 

Dù rằng việc kích thích tăng trưởng nền kinh tế là quan trọng nhưng giới chuyên môn lưu ý cần phải luôn gắn với bài toán ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì niềm tin của người dân vào chỉ đạo điều hành của Chính phủ và cả nhà đầu tư nước ngoài với nền kinh tế Việt Nam.

 

Theo thoibaonganhang.vn