Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa
Quốc hội: cần đào tạo nhân lực để đáp ứng làn sóng thu hút đầu tư
16/06/2020 - 701 Lượt xem
(TBKTSG Online) – Các đại biểu Quốc hội cho rằng hiện Chính phủ cần phải chú trọng đến công tác đào tạo nhân lực kỹ thuật mới có thể đáp ứng được nhu cầu lao động khi thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, theo thông tin ghi nhận tại Quốc hội ngày 15-6.
Công nhân 1 nhà máy đang làm việc. Ảnh minh họa: Vân Ly |
Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đào tạo nghề
Theo bà Nguyễn Thị Thu Dung, đại biểu Quốc hội (tỉnh Thái Bình), kỹ năng nghề và giáo dục nghề nghiệp là vấn đề toàn cầu. Nó không đơn thuần là giáo dục đào tạo để trang bị kiến thức, kỹ năng tay nghề cho người lao động mà đằng sau nó chính là vấn đề kinh tế , vấn đề năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Hiện quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề của nước ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
“Việt Nam là quốc gia đang hội nhập quốc tế sâu, rộng và nền kinh tế có độ mở cao nhưng nhiều chuyên gia đánh giá lao động Việt Nam chỉ vàng về số lượng mà chưa vàng về chất lượng, thiếu hụt kỹ năng lao động , chưa linh hoạt về chuyên môn, đa phần phải qua đào tạo lại đang là rào cản lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài và phục hồi kinh tế trong nước", bà Dung nói.
Dự báo từ nay đến hết năm, thị trường lao động đang cần khoảng 60.000 lao động kỹ thuật để đón đầu các dự án đầu tư mới khi Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài nhờ kiềm chế tốt đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn trong khi lao động phổ thông dễ dàng tuyển đủ thì lao động kỹ thuật rất khó tuyển dụng.
Theo bà Dung, ta kỳ vọng nhiều vào làn sóng đầu tư chất lượng cao, nhưng 80% doanh nghiệp trong và ngoài nước được khảo sát cho biết họ rất khó trong việc tìm lao động chất lượng. Không có lao động tay nghề cao là cản trở lớn trong việc vượt lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều năm gần đây, Việt Nam có nhiều học sinh, sinh viên đạt thứ hạng cao trong các kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới. Tuy nhiên, thành tích đó không phải là phổ biến. Xét toàn diện thị trường lao động của Việt Nam vẫn tồn tại những bất cập.
“Quy mô lực lượng lao động hiện nay đạt khoảng 55 triệu người, nhưng lực lượng lao động đã qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ khoảng 24%. Quy mô tuyển sinh chưa tương xứng với năng lực của hệ thống giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường. Việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông và giáo dục nghề nghiệp còn nhiều khó khăn. Cơ cấu ngành nghề đào tạo còn bất hợp lý, chất l ượng đào tạo của một số cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu nhân lực của doanh nghiệp", bà Dung nhận xét.
Thêm vào đó hiện n ay đang có xu hướng ngược, lo người đi học nghề nhiều. Ví dụ ở một số địa phương hạn chế chỉ tiêu học văn hóa trong trường nghề, hạn chế trường nghề, tổ chức đào tạo văn hóa cho học sinh - điều này trái với Luật Giáo dục. Các chính sách đặt hàng đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp còn đang rất thấp so với nhu cầu năng nhân lực tăng nhanh. Đến nay, ngân sách phân bổ cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề, nhất là kinh phí đào tạo nghề chất lượng cao và hiện đại hóa cơ sở vật chất , thiết bị đào tạo. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm ưu tiên nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp, trong khi doanh nghiệp chưa đủ động lực để đầu tư vào lĩnh vực này. Mức năng suất lao động của Việt Nam thì đang xếp cuối trong các nước khu vực Đông Nam Á.
Bà Dung nhấn mạnh: “Muốn nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, Việt Nam buộc phải tăng năng suất lao động. Coi đây là đòn bẩy kinh tế then chốt, là nhân tố chủ đạo hình thành lợi thế cạnh tranh quốc gia. Ngay từ bây giờ, cần huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tăng cường gắn kết 3 nhà: Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia tích cực và luôn song hành cùng nhà trường trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.”
Cần phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng cho cả đội ngũ cán bộ, công chức
Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) thì cho rằng việc thành công trong phòng, chống Covid-19 và kết quả thu ngân sách trong 4 tháng đầu năm (đạt 32,5% dự toán, tăng trưởng quí I đạt 3,82%) là mức khả quan so với tình hình của khu vực và thế giới. Đây là cơ hội để chúng ta tập trung phát triển kinh tế, có điều kiện để rút ngắn khoảng cách so với các nước trong khu vực và thế giới.
Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta phải tranh thủ vận dụng cơ hội này như thế nào, nhất là việc đón đầu làn sóng đầu tư từ nước ngoài, một trong năm mũi giáp công để phục hồi nền kinh tế đang được sắp xếp lại của các nước của thời kỳ hậu Covid-19.
Có ý kiến cho rằng cơ hội này không chỉ đến với nước ta mà đến về một số nước khác. Theo thông tin các cơ quan đại chúng đến nay có làn sóng đầu tư đang tập trung với Ấn Độ, Indonesia, Philippines. Vì vậy đại biểu Hiền đề nghị chúng ta cần phải có những chính sách và sự hỗ trợ kịp thời để thu hút làn sóng đầu tư trên cơ sở về điều chỉnh cơ cấu đầu tư hợp lý. Có hệ thống chính sách thu hút đầu tư một cách có chọn lọc, không thu hút bằng mọi giá. Phải đảm bảo lợi ích quốc gia và sự bình đẳng cho doanh nghiệp. Phải có kế hoạch cụ thể, chủ động lựa chọn đầu tư ở đâu, ở lĩnh vực nào trong quy hoạch phát triển của từng ngành, từng vùng và của cả nước. Phân định rõ trách nhiệm trung ương phải làm gì, địa phương phải làm gì, doanh nghiệp phải làm gì để đón đầu.
Đai biểu Hiền nói: “Đồng thời cùng với việc xúc tiến việc đầu tư nước ngoài đầu tư công, cần phải quan tâm đến các nhà đầu tư đã và đang tiếp tục triển khai ở nước ta. Thực tế hiện nay cho thấy vẫn còn những nhà đầu tư, những dự án đang làm dở dang đã được cấp phép, nhưng quá trình triển khai đang gặp khó khăn về chính sách, về việc giải phóng mặt bằng ở các địa phương. Đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo rà soát và tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn, tiếp tục triển khai, tránh lãng phí".
Bên cạnh đó, hiện nay Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định tự do thương mại và Hiệp định bảo hộ đầu tư với EU. Đấy cũng là cơ hội để chúng ta tận dụng để khai thác thế mạnh cũng như đối phó được với những thách thức nhất là những thách thức đối với khu vực hành pháp khi Hiệp định bảo hộ đầu tư có hiệu lực thi hành. Về cơ chế Hiệp định bảo hộ đầu tư khi có các tranh chấp xảy ra thì đây là những tranh chấp giữa một bên là nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư đến từ các nước EU và một bên là nhà nước Việt Nam hoặc ngược lại, do đó từ việc thiếu trách nhiệm hay sai sót của cá nhân khi thực hiện công vụ của mình có thể dẫn đến những tranh chấp và những vụ khiếu kiện không đáng có.
“Vì vậy cần phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức có liên quan để hạn chế những tranh chấp giữa các bên", đại biểu Hiền kiến nghị.
Theo thesaigontimes.vn