Chính sách tài khóa - Chính sách tiền tệ
Gần 700 nghìn tỷ đồng để thúc đẩy tăng trưởng
15/06/2020 - 349 Lượt xem
NDĐT - Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh tất cả các động lực tăng trưởng đều đang chậm lại, Chính phủ xác định đầu tư công là “chìa khoá” cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 và những năm tiếp theo.
(Ảnh minh họa: baochinhphu.vn)
Chuyển động tích cực
Với hàng loạt giải pháp mạnh mẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đang được triển khai, dự kiến cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7-2020, các dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất tổng vốn đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng sẽ được khởi công theo quy định của pháp luật đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp.
Cũng theo tiến độ mới nhất, dự kiến trong tháng 8-2020, các gói thầu đầu tiên trong tám dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ được khởi công theo hình thức đầu tư công thay vì hình thức đầu tư PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) như kế hoạch trước đây.
Như vậy, nhiều dự án cấp bách, trọng điểm của ngành giao thông sau một thời gian dài từng là điểm nóng ách tắc về vốn và giải phóng mặt bằng, nay đã có lối ra để sớm đưa vào hoạt động, tạo sức bật kinh tế cho nhiều địa phương, đồng thời lan tỏa cho cả nền kinh tế.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được phép thực hiện trong năm 2020 lên đến gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn 312.000 tỷ đồng thực giải ngân trong năm 2019. Trong đó bao gồm 470,6 nghìn tỷ đồng trong dự toán năm 2020 và 225,2 nghìn tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang.
TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho biết: Do tác động của dịch Covid-19, GDP quý I-2020 chỉ tăng 3,82%, là năm có tốc độ tăng thấp nhất trong mười năm. Chính phủ và các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng tháng 4 còn tiếp tục khó khăn hơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ còn thấp hơn do bị ảnh hưởng của những biện pháp giãn cách xã hội được triển khai quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh.
Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã nhận định, đầu tư công là động lực quan trọng bù đắp cho tăng trưởng trong bối cảnh các động lực tăng trưởng khác đều sụt giảm. Do đó, Chính phủ tập trung quyết liệt điều hành để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch đề ra.
Hiện nay, còn khoảng 700 nghìn tỷ đồng đã được ghi vốn trong năm 2020. Hết quý I-2020 mới giải ngân được khoảng 12-18% kế hoạch, tùy từng ngành và lĩnh vực. Như vậy, dư địa để đầu tư công còn rất lớn. Trong lúc thị trường bị đóng cửa do nhu cầu của các nước nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam bị ảnh hưởng, cầu trong nước cũng giảm do tác động của dịch Covid-19, chúng ta chỉ còn một khả năng lớn nhất là đầu tư công. Đây chính là “trong nguy có cơ”, vì chúng ta hơn các quốc gia khác là trần nợ công còn rất rộng.
“Sau bốn năm điều chỉnh nợ công xuống tỷ lệ bằng 54-55% GDP, so với trần nợ công Quốc hội cho phép là 65% GDP thì chúng ta vẫn còn nhiều dư địa trong kế hoạch đã bố trí của nhiệm kỳ này. Nếu thực hiện các biện pháp quyết liệt, giải ngân vốn đầu tư công hết kế hoạch được giao, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 5,3-5,5% trong năm nay. Ngược lại, nếu giải ngân không tốt, chúng ta sẽ không đạt được tốc độ này và còn ảnh hưởng nhiều đến thu ngân sách của năm 2020”, TS Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.
Tăng đầu tư công để kích thích tổng cầu
Tại Báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế được công bố vừa qua, nhóm chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế quốc dân phân tích: Rất khó để dự đoán khi nào dịch Covid-19 kết thúc, tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế rất nghiêm trọng và còn tiếp tục kéo dài.
Do nguồn lực tài khóa có hạn, chính sách tiền tệ có độ trễ lớn và có thể gây các bất ổn vĩ mô trong dài hạn nếu lạm dụng hai công cụ chính sách này. Theo đó, kích thích tổng cầu thông qua tăng đầu tư của Nhà nước vào cơ sở hạ tầng là giải pháp đặc biệt quan trọng.
“Cầu chi tiêu từ khu vực doanh nghiệp và người dân giảm mạnh, Nhà nước cần đóng vai trò là đối tượng chi tiêu chính. Do vậy, đầu tư công đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Đầu tư công phải đúng mục đích, tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng đã được phê duyệt và cần đúng thời điểm mà nền kinh tế cần. Cần có sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội để tránh xảy ra những hệ lụy tiêu cực”, nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến cáo.
Nhóm nghiên cứu đề xuất Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kế hoạch giải ngân chi tiết cụ thể các dự án, chương trình lớn; ban hành tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; có thể hoãn một số chương trình đầu tư chưa quan trọng; nâng hạn mức gói thầu được cho phép chỉ định thầu; đẩy mạnh triển khai việc đấu thầu qua mạng.
Bài học kinh nghiệm của các nước và Việt Nam khi thực hiện kích cầu đầu tư nhằm vượt qua giai đoạn suy thoái kinh tế năm 2008-2009 cho thấy, đẩy mạnh đầu tư công để tạo nguồn lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh và động lực tăng trưởng kinh tế. Nếu chậm giải ngân vốn đầu tư công, các công trình thiết yếu chậm đi vào sử dụng, Nhà nước vẫn phải trả lãi, nhà thầu phải đi vay ngân hàng nên rất lãng phí.
Theo ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Thống kê xây dựng và vốn đầu tư, Tổng cục Thống kê, giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% sẽ làm GDP tăng thêm 0,06 điểm %. Nếu năm 2020 giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công, tiêu hết gần 700 nghìn tỷ đồng sẽ làm GDP tăng thêm 0,42 điểm %.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu ở ba lĩnh vực: quy định pháp luật, công tác triển khai thực hiện và trách nhiệm của tổ chức cá nhân có liên quan.
Về quy định pháp luật, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 và đã có nhiều đổi mới, cải cách, tháo gỡ vướng mắc về quy định cứng nhắc trong pháp luật đầu tư công, đẩy mạnh phân cấp, tạo sự chủ động hơn cho các cấp, các ngành. Tuy nhiên, do các dự án đầu tư công được điều chỉnh bằng nhiều quy định pháp luật khác nhau, nên cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật khác theo hướng “cởi trói”, xử lý các vấn đề chưa phù hợp, thống nhất giữa các luật, nhất là quy định về xây dựng, đất đai, đấu thầu, tài nguyên môi trường...
Về công tác triển khai thực hiện, điều quan trọng nhất để giải ngân của các dự án đầu tư công là phải có khối lượng thực hiện mới giải ngân được. Hiểu một cách đơn giản là các nhà thầu phải thi công, phải mua sắm thiết bị, phải xây lắp, phải có khối lượng để hoàn công và triển khai nghiệm thu, hoàn thiện thủ tục để thanh toán tại kho bạc. Do vậy, cần phải đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, giám sát để các công việc thi công, mua sắm, xây lắp... của nhà thầu được triển khai nhiều, quyết liệt, nhanh thì số lượng vốn giải ngân sẽ sớm được cải thiện.
Về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, mỗi dự án đầu tư công từ khâu xét duyệt đến khâu triển khai, quyết toán, hoàn thành đều liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cá nhân có thẩm quyền. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cá nhân là một mắt xích quan trọng, chỉ một mắt xích không làm tròn nhiệm vụ, trách nhiệm, sẽ làm đình trệ cả dự án.
Năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng, là một trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tác động rất lớn của dịch Covid-19. Mặc dù tốc độ giải ngân bốn tháng đầu năm có tín hiệu tích cực hơn cùng kỳ, những việc phải triển khai đồng bộ tất cả các giải pháp thuộc ba lĩnh vực nêu trên là rất cần thiết, tất cả phải ăn khớp với nhau thì tình hình giải ngân vốn đầu tư công sẽ có nhiều cải thiện.
Theo Báo nhandan.com.vn