Hội nhập kinh tế quốc tế
Ngành nông nghiệp và EVFTA: Chủ động thích ứng
11/06/2020 - 411 Lượt xem
Sức ép cạnh tranh lớn
Cùng với các FTA khác, sắp tới, khi EVFTA đi vào thực thi, sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh lớn cho ngành nông nghiệp Việt ngay trên sân nhà do Việt Nam phải mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ từ EU. Thực tế, khi EVFTA chưa thực thi, giá các sản phẩm nông nghiệp từ EU như thịt lợn, thịt bò, trái cây… dù đang chịu thuế nhập khẩu cao song vẫn rất cạnh tranh so với hàng Việt.
Sản phẩm chất lượng sẽ được người tiêu dùng đón nhận |
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 4 tháng đầu năm cho thấy, giá trị nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi (thịt và sản phẩm chế biến từ thịt) của Việt Nam đạt khoảng 1,36 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Việc nhập khẩu thịt ngoại tăng là điều dễ hiểu, bởi thực tế thị trường hiện nay, giá thịt lợn trong nước đã tăng rất cao. Trong khi đó, giá thịt lợn nhập khẩu hiện rẻ hơn khoảng 20% so với thịt nội - dù thịt ngoại từ EU đang chịu thuế 15 - 27%.
Hay với nông sản, theo Hiệp hội Rau, quả Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm đã nhập khẩu 376,9 triệu USD rau, hoa, quả từ Thái Lan, Trung Quốc, New Zealand, Hàn Quốc, Nam Phi… Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau, quả Việt Nam - lý giải: Trái cây ngoại ngày càng phổ biến là điều tất yếu khi mở cửa thị trường; bởi sản phẩm này có mẫu mã đẹp, chất lượng được cam kết theo tiêu chuẩn toàn cầu và được lòng đại bộ phận người tiêu dùng Việt.
Để không thất thế trên sân nhà
Hồi đầu năm nay, khi đại dịch Covid-19 xảy ra đã khiến xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp bị ùn ứ. Ngay tại thời điểm đó, cùng với các giải pháp gỡ khó của Bộ Công Thương, việc thúc đẩy tiêu thụ nội địa đã trở thành “cứu cánh” cho nhiều sản phẩm như thanh long, xoài... Điều này khẳng định rằng, thị trường nội địa rất tiềm năng và đó cũng là lý do những sản phẩm nông nghiệp không chỉ của EU mà các nước khác đã và đang từng ngày tìm đường vào Việt Nam.
Trả lời câu hỏi, làm gì để sản phẩm nông nghiệp Việt không thất thế ngay trên sân nhà, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, sản phẩm rau, quả muốn trụ vững ở thị trường nội địa, cần minh bạch xuất xứ, chất lượng tốt, giá cạnh tranh. Có như thế, mới đáp ứng được yêu cầu của người Việt.
Nắm bắt những tiêu chí này, năm 2019, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T đã mở cửa hàng phân phối đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh để đưa những sản phẩm vốn chỉ xuất khẩu phục vụ người Việt. Theo đại diện Vina T&T, kể từ khi hoạt động tới nay, doanh số bán ra tại cửa hàng luôn duy trì khoảng 500 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý, khi dịch bệnh xảy ra, doanh số của công ty đã tăng 30% nhờ chất lượng ổn định, mẫu mã và sản phẩm đa dạng.
Từ thành công bước đầu này, dự kiến, sắp tới, DN sẽ mở thêm 2 cửa hàng nữa tại khu vực TP. Hồ Chí Minh.
Cũng như Vina T&T, Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Kim Hải không cạnh tranh trực diện mà đánh vào những thứ mà DN ngoại không có. Ông Phạm Cao Văn - Giám đốc điều hành công ty - cho biết, DN đã liên tục đưa ra những sản phẩm mới phía EU không có để có thể xuất khẩu, vừa cạnh tranh tốt tại nội địa. Cụ thể, DN đã sản xuất nước uống từ trái thanh long kết hợp với hương vị của các loại hoa quả khác, hoặc dùng công nghệ cao chế biến trái cây sấy dẻo… Những sản phẩm này đang được bán rộng rãi ở nhiều siêu thị trên cả nước.
Trong lĩnh vực cà phê, hạt tiêu, bên cạnh việc đảm bảo chất lượng sản phẩm theo chuẩn quốc tế, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group - chia sẻ, do thói quen tiêu dùng thay đổi nên bên cạnh việc thúc đẩy thương mại vào các kênh phân phối siêu thị, DN đang tăng cường kênh bán hàng online và triển khai các chương trình tri ân, khuyến mãi khách hàng. Từ đó, giúp DN có doanh thu ổn định bất chấp đang ở trong giai đoạn khó khăn diễn ra dịch bệnh.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau, quả Việt Nam:
Để sản phẩm nông nghiệp Việt trụ vững ở thị trường nội địa, không thất thế ngay trên sân nhà, cần minh bạch xuất xứ, chất lượng tốt, giá cạnh tranh. Có như thế, mới đáp ứng được yêu cầu của người Việt. |