Hội nhập kinh tế quốc tế
Chống gian lận xuất xứ
09/06/2020 - 184 Lượt xem
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức thực hiện chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sân chơi toàn cầu. Tuy nhiên, cũng có không ít thách thức cho hàng hóa Việt Nam trong vấn đề cạnh tranh, xuất xứ hàng hóa và nhất là về phòng vệ thương mại (PVTM).
Thực tế, trong bối cảnh xung đột thương mại toàn cầu liên tục gia tăng, thời gian qua đã có hiện tượng khi bị áp dụng biện pháp PVTM, các doanh nghiệp sản xuất chịu ảnh hưởng ở nhiều nước đã tìm cách khắc phục bằng việc chuyển sản xuất ra nước ngoài. Trong khi đó, do có chính sách thuận lợi thu hút đầu tư, Việt Nam lại là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp khi quyết định dịch chuyển sản xuất. Và khi tiếp nhận năng lực sản xuất mới, xuất khẩu từ Việt Nam tăng nhanh, từ đó dễ trở thành đối tượng theo dõi, điều tra áp dụng các biện pháp PVTM bổ sung của nước nhập khẩu. Các đối tác này thường nghi ngờ hàng hóa Việt Nam chưa đáp ứng điều kiện “chuyển đổi đáng kể” trong nước, tập trung vào các mặt hàng đang bị áp thuế PVTM được xuất khẩu với số lượng lớn, gia tăng đột biến sang các nước hoặc các mặt hàng bị nghi ngờ về năng lực sản xuất của Việt Nam.
Các số liệu cho thấy, trong quá trình thực hiện chủ trương chủ động hội nhập giai đoạn 2000 - 2016, có tới 15 vụ việc điều tra lẩn tránh thuế PVTM với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam (trung bình một vụ/năm). Đặc biệt, chỉ từ năm 2017 đến quý I-2020, đã có thêm bảy vụ việc mới (trung bình mỗi năm hai vụ). Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng khi Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu không có các biện pháp tích cực để xử lý vấn đề lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp PVTM, nhất là thông qua gian lận xuất xứ (GLXX), có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, ngành hàng trong nước; về lâu dài, còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế trong bối cảnh đất nước đã tham gia hàng loạt FTA có yêu cầu cao về xuất xứ như EVFTA.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg ban hành Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và GLXX, trong đó đề ra hai nhóm mục tiêu chính. Thứ nhất, phải tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; cảnh báo sớm, ngăn ngừa các hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM, GLXX có chọn lọc; đẩy mạnh chống GLXX hàng hóa thông qua tăng cường hiệu quả của công tác cấp và kiểm tra C/O. Mặt khác, cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước thông qua hoàn thiện quy định xem xét, giải quyết việc đăng ký đầu tư nước ngoài, quản lý các dự án đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ lẩn tránh biện pháp PVTM, GLXX. Thứ hai, cần tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về chống lẩn tránh, xuất xứ, hải quan bằng cách nâng cao khả năng phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định về quy tắc xuất xứ, chống lẩn tránh, nguy cơ bị các nước áp dụng biện pháp chống lẩn tránh để gia tăng khả năng ứng phó của các ngành...
Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định. Doanh nghiệp cần có ý thức không tham gia, tiếp tay cho các hành vi GLXX, chuyển tải bất hợp pháp vì thực tiễn cho thấy, nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài “trừng phạt” rất nặng và khi đó doanh nghiệp sẽ “mất” toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan. Bên cạnh đó, nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp các cơ quan chức năng điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Theo Baonhandan.com